Thiếu minh bạch thông tin nguồn gốc thực phẩm

Quốc Định 18/10/2022 18:30

"Việc cần làm bây giờ đây là thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân, không chỉ trong mùa vụ này mà dần dần thay đổi cả tập quán canh tác. Từ đó, sản phẩm dần đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp luôn có điều kiện hơn người nông dân, cần đồng hành cùng người nông dân".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh như trên, tại Hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” được tổ chức ngày 18/10 tại TP HCM.

Tại hội nghị, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp đưa ra nhận định, việc bảo đảm an toàn thực phẩm nội địa vẫn còn nhiều bất cập trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và quản lý, gây bất an cho người tiêu dùng.

Ngành thực phẩm còn rất nhiều việc phải làm để lấy được lòng tin của người tiêu dùng.

Lý giải vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, một số nhà sản xuất còn nhược điểm là chưa có ý thức tự giác trong khâu sản xuất, chế biến, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt; chưa chọn vật tư, con giống chất lượng để đưa vào sản xuất; sản xuất còn theo phong trào, gây ra tình trạng thừa-thiếu trên thị trường. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao còn yếu kém; nơi chế biến thực phẩm chưa được đầu tư bài bản, còn đơn sơ, không bảo đảm vệ sinh; việc xin giấy phép phải qua nhiều thủ tục.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông tin, “Tình hình an toàn thực phẩm nội địa từng bước được cải thiện, tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng vẫn còn mức cao do quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, chính sách, pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn, hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả”.

Ông Nguyễn Như Tiệp đề nghị, để giải quyết những bất cập này, cần tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn. Từ việc chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đi của thực phẩm sẽ giúp kiểm soát được an toàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy mua - bán, "tiền trao cháo múc” hiện nay trong nông nghiệp cần chuyển sang tư duy hợp tác, đi cùng nhau. Ông lấy ví dụ việc một hệ thống siêu thị lớn A tại TP HCM đã từng làm dừng hợp tác với nhà sản xuất, loại bỏ khỏi chuỗi phân phối khi hàng không đảm bảo chất lượng. Việc đó là đúng bởi siêu thị A không thể tiêu thụ hàng gian, hàng kém chất lượng. Phân tích kỹ có thể thấy, siêu thị A không mua hàng của nhà sản xuất này thì có thể mua của nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, một siêu thị nào đó lại có thể mua phải hàng kém chất lượng trên.

“Cũng không nên có tâm lý chờ đợi thế hệ tương lai thay đổi được ý thức về an toàn thực phẩm. Mà ngay từ bây giờ, người lớn phải làm gương cho thế hệ trẻ. Phải có ý thực thượng tôn pháp luật trong việc giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm trong nếp nghĩ và hành động”, ông Lê Minh Hoan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu minh bạch thông tin nguồn gốc thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO