Nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ gia đình nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng “phi tiêu chuẩn”.
Khó cạnh tranh vì giá rẻ
Tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các tỉnh, thành phố trọng điểm với chủ đề “Diễn đàn trực tuyến kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể” diễn ra mới đây, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, Long An đã đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn từ năm 2014 và có chương trình hỗ trợ cho đơn vị sản xuất. Nguồn hàng này không chỉ phục vụ cho tỉnh, mà hướng đến cả thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được trên 20 chuỗi sản xuất an toàn, gồm cả rau, củ, quả và thịt, cá. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 40% sản phẩm sản xuất an toàn tiêu thụ đúng kênh, còn lại là tiêu thụ đại trà.
“Khi xây dựng được các chuỗi sản xuất an toàn, Sở NN&PTNT tỉnh Long An luôn có công văn gửi ngành giáo dục để giới thiệu với các trường học nhằm đưa vào bếp ăn cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn suất ăn ở các trường học, phổ biến chỉ từ 25-27 nghìn đồng/suất. Vì vậy, cũng rất khó đòi hỏi nguồn thực phẩm vừa rẻ vừa an toàn” - bà Khanh cho biết.
Dưới góc độ một đơn vị cung cấp thực phẩm, ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y dược - Thực phẩm Nam Hà Nội, cho rằng hiện nay nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ gia đình nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng “phi tiêu chuẩn”.
Ông Dũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ ở địa bàn Hà Nội rất lớn nhưng doanh nghiệp làm bài bản còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ông Dũng mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tăng chế tài xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Minh bạch cung cấp các suất ăn
Theo bà Trần Thị Nhị - Trường mầm non Trù Hựu, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, hiện nay, nhà trường đang tổ chức ăn bán trú tại trường cho 100% học sinh với gần 600 em. Nhà trường tiếp nhận thực phẩm qua 2 hình thức là trực tiếp thu mua từ người dân và qua đầu mối thu gom.
“Chính vì vậy, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa được triển khai. Đó cũng là nỗi băn khoăn và lo ngại của nhà trường về nguồn thực phẩm không đảm bảo” - bà Nhị chia sẻ.
Theo bà Nhị, hiện nay mức ăn của nhà trường thấp, giá cả cho các bữa ăn là nỗi băn khoăn của cả nhà trường và phụ huynh học sinh. “Thông qua diễn đàn, chúng tôi mong muốn được tiếp cận với các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm sạch, an toàn và phù hợp với mức đóng góp kinh tế của phụ huynh học sinh huyện miền núi” - bà Nhị bày tỏ.
Tương tự, bà Đặng Thị Ngoan - KCN Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, công ty từ lâu đã có hợp đồng với một đơn vị nước ngoài vào nấu bếp ăn cho công ty, cũng thực hiện đầy đủ về lưu mẫu thực phẩm. Tuy nhiên, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thì chưa thực hiện được. Do đó qua đây cũng mong diễn đàn hỗ trợ thêm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng, cần coi việc cung ứng nông sản, thực phẩm vào các khu công nghiệp, các bếp ăn của trường học là sự chăm chút chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng công nhân và học sinh. Theo ông Toản, ngành nông nghiệp đang cố gắng đồng bộ hóa, chuẩn hóa những quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến…
“Phải xác định mọi sản phẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Trong đó, phải minh bạch và có trách nhiệm của những người đảm nhiệm việc cung cấp các suất ăn. Cụ thể, minh bạch các loại hình sản phẩm, quản lý chất lượng, không gian thị trường cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng” - ông Toản nói.
Việc đem các sản phẩm đảm bảo ATTP tới bếp ăn trường học không chỉ đơn thuần là hoạt động cung ứng, mà đó còn là trách nhiệm chung với xã hội, đất nước. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường việc tuyên truyền, kiểm soát chuỗi cung ứng ATTP tới bếp ăn nhà trường. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chuỗi cung ứng không chỉ gói gọn trong một địa phương, mà cần có sự liên kết ngang giữa các tỉnh, thành với nhau để đảm bảo nguồn thực phẩm được cung cấp vào trường học được kiểm soát ATTP một cách rộng rãi cũng như xử lý các cơ sở cung ứng thực phẩm không an toàn một cách kịp thời và đồng bộ - Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT.