Thiếu thuốc đặc trị sốc sốt xuất huyết

An Thái 24/06/2022 08:57

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang tăng mạnh, nhưng theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn khi không có dung dịch cao phân tử HES 200.000, Dextran 40 để chống sốc SXH.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, đã nhận được công văn của một số bệnh viện và các sở y tế báo cáo khó khăn trong cung ứng dịch truyền cao phân tử trong điều trị sốc trên bệnh nhân SXH Dengue nặng.

Các chuyên gia đã họp xem xét, đề xuất tạm thời sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 daltol 6% hoặc Gelatin succninylated 4% trong trường hợp có chỉ định sử dụng cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH. Đồng thời, củng cố các phác đồ điều trị và cùng các cục, vụ khác tìm các nguồn thuốc, hóa chất để đáp ứng nhu cầu điều trị các cơ sở y tế.

Theo nhiều bác sĩ điều trị, việc dùng dung dịch cao phân tử khác thay thế HES 200.000 và Dextran 40 trong điều trị bệnh nhân sốc SXH là được, tuy nhiên không đạt hiệu quả tối ưu.

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phân tích, để điều trị sốc SXH có thể thay thế bằng các loại khác như Dextran 70, Haesteril, Gelafuldin. Tuy nhiên Dextran 40 vẫn được đánh giá là phù hợp, mang lại hiệu quả cao trong chỉ định cho bệnh nhân sốc SXH. Trong trường hợp thiếu Dextran, các bác sĩ có thể thay thế bằng cao phân tử Gelafuldin cũng đạt được hiệu quả bù dịch. Nhưng lưu ý, sử dụng Gelafuldin tỷ lệ rối loạn đông máu sẽ cao hơn, bệnh nhân cũng đối diện với biến chứng nhiều hơn.

Trước nguy cơ lây lan trên diện rộng của dịch SXH, Bộ Y tế vừa có buổi tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị SXH.

Tại buổi tập huấn này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Sở Y tế các địa phương chú trong công tác tuyên truyền, có những khẩu hiệu, tờ rơi hướng dẫn cho người dân thực hiện; đồng thời nhấn mạnh tới vai trò thu dung, điều trị và phân độ SXH tại các cơ sở y tế, chuẩn bị phương tiện, vật tư thuốc men sẵn sàng cấp cứu hồi sức, tránh tình trạng để người bệnh bị sốc do SXH.

Ông Sơn nhấn mạnh: Hiện nay, ngành Y tế vừa phải đáp ứng mục tiêu kép là tiếp tục chống dịch Covid-19 vừa tăng cường đáp ứng đối với SXH, đặc biệt tại địa bàn miền Nam, miền Trung. Vì vậy, việc tập huấn công tác điều trị rất quan trọng để tiếp tục củng cố kiến thức, năng lực cho các tuyến trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân SXH.

Đồng thời, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, Cục đang xem xét phối hợp với Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) xây dựng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH cho đối tượng phụ nữ mang thai trình báo cáo lãnh đạo Bộ.

Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với Cục Quản lý Dược tìm nguồn cung ứng dung dịch cao phân tử cho các cơ sở khám, chữa bệnh.Trong bối cảnh số ca mắc có thể tăng cao, phải tăng cường công tác điều trị để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong do SXH.

Ngày 22/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã ký quyết định thành lập 7 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống SXH tại các tỉnh/thành phố trọng điểm trong tháng 6 và 7/2022. Theo quyết định của Bộ Y tế, các đoàn công tác có nhiệm vụ làm việc với Sở Y tế tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống bệnh SXH; Kiểm tra các nội dung triển khai kế hoạch hoạt động phòng, chống SXH; công tác chuyên môn về dự phòng: giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng, vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống SXH tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu thuốc đặc trị sốc sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO