Thoát khỏi cuộc chiến thương mại

An Hà 18/01/2023 09:00

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA khác. Điều đó giúp cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng xuất, nhập khẩu khi nhiều dòng thuế giảm về 0%. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cũng đã phát sinh những vụ kiện mà trên thực tế “cuộc chiến pháp lý” thường kéo dài, làm DN mất cơ hội kinh doanh.

Phòng vệ thương mại (PVTM), hay còn gọi là lá chắn bảo hộ hàng trong nước luôn được các quốc gia áp dụng. Từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập (ngày 1/1/1995) đã cho phép sử dụng các biện pháp PVTM như là các công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu; gồm 3 biện pháp cơ bản: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Là thành viên của WTO từ tháng 1/2007, đồng thời Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thương mại thông qua ký kết 15 FTA. Trong số 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là 3 FTA thế hệ mới, với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại. Điều này, một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song mặt khác, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro gia tăng gian lận nguồn gốc xuất xứ, lẩn tránh thuế PVTM.

Với độ mở của nền kinh tế, hiện Việt Nam có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Song, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu, các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng. Cùng đó, số lượng các vụ, việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cũng tăng lên.

Điều đáng nói là trong bối cảnh đó nhiều DN lại “lơ mơ” về PVTM, ít sử dụng công cụ PVTM để tự bảo vệ. Một kết quả khảo sát của Cục PVTM cho thấy, có khoảng 15% DN không biết gì về PVTM; trong khi chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ. Thậm chí, có DN bị điều tra PVTM nhưng không hề biết vì sao mình lại bị điều tra.

Điều đó cho thấy cơ quan quản lý cần hướng dẫn các hiệp hội, các DN về PVTM, nhất là khi các vụ việc xảy ra. Mà vai trò ở đây chính là Cục PVTM, cần cung cấp những biến động xuất khẩu của các mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM.

Về phía DN, cần tích cực tìm hiểu và sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. DN cần hiểu rằng có quyền yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu nếu thấy đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thời gian qua, không ít nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam đã bị “lấy mất” tại các thị trường nước ngoài. Nhưng cũng không nhiều DN thắng kiện. Điều này một lần nữa cho thấy DN trong nước rất cần được cơ quan thẩm quyền sát cánh, không chỉ là hướng dẫn mà còn chung sức đòi lại quyền lợi chính đáng.

Chỉ có như vậy chúng ta mới đi qua những cuộc chiến pháp lý khi đã “ra biển lớn” thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát khỏi cuộc chiến thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO