Thổi hồn vào tranh dân gian Kim Hoàng

Thiên Hy 13/08/2022 07:30

Cũng giống như dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… tranh Kim Hoàng dần rơi vào lãng quên, thậm chí xa lạ với những người trẻ. Để dòng tranh dân gian này trường tồn và phát triển đòi hỏi sự chung tay của xã hội trong việc lan tỏa “đúng nơi, đúng chỗ”, đặc biệt là khơi niềm cảm hứng trong cộng đồng.

Dòng tranh dân gian Kim Hoàng có nguồn gốc từ thế kỷ 18, phát triển cực thịnh trong thế kỷ 19.

Nguy cơ thất truyền

Xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 18, tranh Kim Hoàng thường khai thác những chủ đề quen thuộc với đời sống người dân. Là dòng tranh Tết quen thuộc thế nhưng ngày nay có ít người biết đến sự tồn tại của dòng tranh mang ý nghĩa đặc biệt. Thậm chí, với thế hệ trẻ, tranh Kim Hoàng là định nghĩa “xa vời”.

Tương truyền, vào thế kỷ 19, tranh Kim Hoàng bắt đầu phát triển mạnh nhưng rồi bị thất truyền bởi trận lụt năm 1915, khi làng mạc từ Phùng đến Cầu Giấy bị ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Qua thời gian, tranh Kim Hoàng cho ra đời thêm nhiều thể loại như: tranh Tết, tranh thờ để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tuy nhiên, xu hướng và thịnh hành của xã hội đánh mất dần giá trị của dòng tranh truyền thống.

Nhìn nhận về sự phát triển của dòng tranh Kim Hoàng, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội cho hay khi xã hội phát triển, thị hiếu người xem cũng thay đổi, tranh Kim Hoàng gần như bị lãng quên trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Nỗ lực phục hồi tranh Kim Hoàng.

Đánh giá về thực trạng sử dụng tranh Kim Hoàng trong đời sống thường nhật, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho hay, so với các dòng tranh dân gian khác như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, thì tranh Kim Hoàng dường như vắng bóng, nếu không muốn nói là đã “thất truyền”.

Cũng theo nhà nghiên cứu, mặc dù những chủ đề mà tranh Kim Hoàng khai thác chủ yếu là các đề tài gần gũi xung quang đời sống người dân vùng quê như cây cối, chim muông, gia súc, gia cầm nuôi trong nhà, thế nhưng việc phục dựng dòng tranh Kim Hoàng được các chuyên gia dự báo khó thực hiện. Bởi, tranh dân gian Kim Hoàng khác với tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống ở tính phóng khoáng và cách điệu theo trí tưởng tượng của nghệ nhân trong từng đường nét biểu thị.

“Có nhiều yếu tố khiến tranh Kim Hoàng bị thất truyền, bởi lẽ các dòng tranh dân gian này chủ yếu được sử dụng trong các ngày lễ Tết truyền thống hơn là treo trong ngày thường” - nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang bày tỏ.

Với xã hội phát triển như ngày nay để cạnh tranh về mặt lợi ích kinh tế so với các dòng tranh cách tân, tranh NFT hay tranh kỹ thuật số, không thể phủ nhận tranh Kim Hoàng chắc chắn sẽ khó thể vượt trội. Do đó nếu có phát triển dòng tranh này thì các nghệ nhân hay nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cần phải khoác lên dòng tranh dân gian Kim Hoàng một “chiếc áo mới” về mặt chất liệu hay cách thức thể hiện mang màu sắc kỹ thuật, hiện đại. Tuy nhiên để bắt kịp xu hướng hiện đại thì giá trị bản sắc, giá trị truyền thống của tranh Kim Hoàng sẽ không còn nguyên vẹn. Đây dường như là một thách thức không hề nhỏ đối với những người đam mê, nghiên cứu hay sáng tạo dòng tranh dân gian nói chung, tranh Kim Hoàng nói riêng.

Tìm đường hồi sinh

Đề cập đến tính khả thi khi các nhà sưu tầm, nghiên cứu nỗ lực từng ngày tìm đường “hồi sinh” dòng tranh Kim Hoàng, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ: “Tranh dân gian Kim Hoàng như một miếng ghép không thể bỏ qua trong “bức tranh văn hoá” đa sắc, đa diện của Việt Nam. Vì vậy việc đầu tư kinh phí, nhân lực nghiên cứu, làm sống lại dòng tranh này là điều cần thiết. Tuy nhiên nghiên cứu, khôi phục để giữ đúng giá trị gốc của tranh Kim Hoàng không phải là điều dễ dàng và khó có thể làm trong ngày một ngày hai được.

Do đó muốn phổ biến được dòng tranh này rộng rãi trong nhân dân thì trước hết chúng ta phải khôi phục được nguyên trạng các yếu tố làm nên dòng tranh đó. Nghĩa là cần làm đúng trước khi làm hay, làm đẹp hơn các giá trị truyền thống đã có”.

Bìa cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng”.

Với mong muốn “phục dựng” tranh Kim Hoàng, mới đây, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu đến công chúng cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng”. Cuốn sách kể lại cả quá trình thực hiện Dự án Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng, quá trình biến những cái tưởng như không thể thành có thể.Ngoài những nội dung về lịch sử tranh dân gian Kim Hoàng, kĩ thuật, đề tài… cuốn sách còn nêu những định hướng mới cho tranh dân gian Kim Hoàng từ đó có thể tiệm cận hơn với kĩ thuật, mỹ thuật tranh dân gian các nước khác trên thế giới.

Đánh giá về nội dung của cuốn sách, ông Phạm Trần Long - Giám đốc kiêm Tổng biên tập của Nhà xuất bản Thế giới cho rằng, từ các công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa về tranh dân gian từ năm 2015 đến nay cho thấy nỗ lực của cả cộng đồng trong việc làm “sống” lại dòng tranh tưởng chừng đã bị lãng quên.

“Đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển tranh dân gian Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng hướng tới việc sử dụng chất liệu màu khoáng chất và sử dụng giấy dó vân để tăng độ bền màu cũng như tăng tính thủ công, mỹ thuật cho bức tranh dân gian. Bên cạnh sự trở về nguồn về mặt chất liệu thì tranh Kim Hoàng nói riêng cũng như tranh dân gian Việt Nam nói chung cần có những mẫu tranh mới, đáp ứng thị hiếu, thẩm mĩ của người dân hiện nay” - ông Long nhấn mạnh.

Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, để “hồi sinh” được tranh Kim Hoàng về thời kỳ hưng thịnh, nhất thiết cần đến sự chung tay của cộng đồng. Đây được xem là yếu tố quyết định trong toàn bộ quá trình phục dựng dòng tranh quý, bởi “một con én sẽ không thể làm nên mùa xuân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thổi hồn vào tranh dân gian Kim Hoàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO