Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội đã cùng với những cộng sự “tìm đường” hồi sinh dòng tranh dân gian Kim Hoàng.
Tại Lễ ra mắt cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” diễn ra vào chiều 9/8, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hoà trải lòng về quá trình tìm đường hồi sinh dòng tranh vốn đã bị lãng quên theo thời gian.
70 năm ký ức lãng quên…
Nhắc đến tranh Tết, người ta thường nghĩ ngay đến tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Ít ai biết, Kim Hoàng cũng là một dòng tranh nổi tiếng xứ Kinh Kỳ xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Tranh dân gian Kim Hoàng hình thành từ nửa sau thế kỷ 18, xuất xứ từ làng Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), từng là một làng quê nổi tiếng với nghề làm tranh, sánh ngang cùng Đông Hồ, Hàng Trống.
Giống với một số dòng tranh khác, tranh Kim Hoàng có những chủ đề quen thuộc với đời sống người dân nông thôn và cũng có những thể loại như tranh Tết, tranh thờ… đáp ứng được những nhu cầu đa dạng, từ trang hoàng nhà cửa nhân dịp Tết đến Xuân về, cầu cho phúc lộc đầy nhà, cho đến xua đuổi tà ma, giữ nhà yên ấm.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tranh Kim Hoàng dường như đứng trước một nguy cơ thất truyền, nếu như không có sự kịp thời phục hồi và phát huy giá trị của di sản này.
Chính vì lẽ đó, song song với “Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”, cuốn sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng" ra đời là một nỗ lực để khẳng định vị trí của dòng tranh này trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam. Dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” được triển khai từ năm 2016 đến nay, do bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội làm chủ dự án. Dự án đã tập hợp được nhiều nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia…
Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa: “Khác với 30 dòng tranh dân gian Việt Nam khác, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã gần như biến mất kể từ lần xuất hiện vào Tết năm 1947. Câu chuyện của tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử tranh dân gian Kim Hoàng, kỹ thuật sản xuất tranh... mà là câu chuyện phục hồi lại một dòng tranh dân gian. Công sức của tất cả các nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, các họa sĩ và nhân dân làng Kim Hoàng đã tạo nên một kỳ tích.
Sau 70 năm biệt tăm, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã trở lại để tự đi những bước đi đầu tiên ở thế kỷ 21. 6 năm qua chưa phải là một thời gian quá dài đối với một dòng tranh được khôi phục kể từ cặp Thần kê đầu tiên. Và tôi hi vọng với sự nỗ lực của nghệ nhân Đào Văn Chung, ngọn lửa do tất cả mọi người thắp nên sẽ cháy mãi ở làng Kim Hoàng”.
…Đi tìm vị thế cho tranh dân gian Kim Hoàng
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online trong buổi ra mắt sách “Tranh dân gian Kim Hoàng”, chị Thu Hòa cho rằng bản thân may mắn khi được biết về tranh đỏ Kim Hoàng. Từ đó, chị nung nấu thực hiện một chuyến điền dã về đất Kim Hoàng để tìm hiểu, với mong muốn tìm lại vị thế cho dòng tranh dân gian vốn đã bị lãng quên trong suốt 70 năm.
Ý định được chị triển khai từ năm 2016 với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam cùng các họa sĩ, nhiếp ảnh gia.
Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” thể hiện cái nhìn tổng thể về nguồn gốc dòng tranh dân gian Kim Hoàng, cách in tranh truyền thống, những khó khăn khi bảo tồn và hướng phát triển dòng tranh này trong đời sống hiện đại.
Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, năm 1917, đê Liên Mạc vỡ đã cuốn theo toàn bộ tranh và mộc bản, sau đó, cả làng nghề cứ thu hẹp dần, cho đến Tết năm 1947 là thời điểm cuối cùng tranh dân gian Kim Hoàng còn xuất hiện trên thị trường.
Do đó, câu chuyện về tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử một dòng tranh, kỹ thuật sản xuất tranh... mà là câu chuyện phục hồi lại một dòng tranh dân gian.
“Công sức của tất cả các nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, các họa sĩ và nhân dân làng Kim Hoàng đã tạo nên một kỳ tích. Sau 70 năm biệt tăm, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã trở lại để tự đi những bước đi đầu tiên ở thế kỷ 21” bà Nguyễn Thị Thu Hòa nhấn mạnh.
Đánh giá về nội dung cuốn sách, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội) cho hay: “Cuốn sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng" ra đời là một minh chứng để khẳng định vị trí của dòng tranh này trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam, góp phần đưa dòng tranh dân tộc đến gần hơn với cuộc sống mỗi người dân đất Việt”.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa hiện là Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, một trong những bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Khởi đầu với công việc sưu tầm gốm sứ, trong quá trình đi sưu tầm, bà đã phát hiện ra có nhiều dòng tranh dân gian đặc sắc đang lưu lạc hoặc đã thất truyền.
Từ đó, với mong muốn bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản của ông cha ta để lại, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã cất công tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã thực địa để thực hiện và hoàn thành nhiều công trình khoa học đặc sắc về tranh dân gian Việt Nam, trong đó một số công trình được in thành sách rất công phu như: “Dòng tranh dân gian Đông Hồ,” “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng,” “Dòng tranh dân gian Hàng Trống,” “Tranh dân gian Huế”…
Năm 2020, hai cuốn sách mà nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa tham gia thực hiện đã được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia: “Dòng tranh dân gian Đông Hồ,” “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng".