Thoi thóp dự án 21 nghìn tỷ đồng

Nguyễn Chung 01/04/2021 06:25

Dự án nhà máy nhiệt điện Công Thanh đóng tại phường Hải Yến, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư lên đến hơn 21 nghìn tỷ đồng. Khởi công vào năm 2011, tuy nhiên đến nay dự án này mới chỉ xây xong phần tường rào bao quanh và vẫn trong quá trình san lấp mặt bằng.

Triển khai suốt 11 năm nhưng Dự án nhiệt điện Công Thanh mới chỉ xây xong phần tường rào.

11 năm mới xong mặt bằng

Nhà máy nhiệt điện Công Thanh thuộc khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) do Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh (NĐ Công Thanh) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, địa điểm tại công văn số 1694/UBND-TH ngày 23/4/2008.

Ban Q­uản lí Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp đã cho NĐ Công Thanh thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 21.480,1 tỷ đồng, trên diện tích 70ha. Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, NĐ Công Thanh được đưa vào danh mục các công trình vận hành trong năm 2020.

Đây là nhà máy thuộc loại công trình nguồn cấp 1, có tổng công suất 600 MW gồm 2 tổ máy, sử dụng công nghệ lò hơi sôi tuần hoàn hiện đại, khi đi vào khai thác sẽ cung cấp 3,9 tỷ KWh điện mỗi năm, chủ yếu cho khu kinh tế Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các dự án lọc hóa dầu, xi măng, công nghiệp ở khu kinh tế Nghi Sơn, góp phần giảm tải lưới điện quốc gia. Theo dự kiến, đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1, quý 3/2014 hoàn thành toàn bộ nhà máy.

Trở lại thời điểm ngày 5/3/2011, khi Tập đoàn xi măng Công Thanh chính thức khởi công xây dựng NĐ Công Thanh, dự án này không chỉ là niềm hứng khởi của tỉnh Thanh Hóa trong việc thu hút đầu tư, mà còn là kì vọng của Chính phủ. Tuy nhiên, sau sự kiện khởi công rầm rộ, dự án dần đi vào bế tắc. Sự kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng.

Theo quan sát của phóng viên: Sau 11 năm kể từ thời điểm khởi công nhà máy cho đến thời điểm này, Công Thanh mới chỉ triển khai san lấp mặt bằng phần diện tích đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB từ năm 2018, nhưng chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình cho dự án (mới xây dựng 1 nhà điều hành tạm và hệ thống tường rào bao quanh tiếp giáp đường 513).

Ông Lê Văn Tâm – một người dân sinh sống gần với dự án bức xúc cho biết: Việc nhà máy này đã thi công hơn 11 năm nhưng đến nay vẫn rất chậm, chưa kể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án. Đây là dự án có diện tích sử dụng đất lớn và nằm ở vị trí thuận lợi để triển khai đầu tư, nhưng tiến độ thi công ì ạch kéo dài trong nhiều năm đã gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh”- ông Tâm nói.

Trước sự chậm trể của dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần đốc thúc, yêu cầu Tập đoàn Công Thanh đẩy nhanh tiến độ, thu xếp vốn và hoàn tất các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm triển khai.

Có nên thu hồi khi dự án?

Theo các báo cáo của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa, nhà máy không có tiến triển bởi chủ đầu tư không tích cực triển khai, do không thu xếp được nguồn vốn để đầu tư.

Với tiến độ triển khai như hiện tại thì dự án đã không đảm bảo hoạt động trong năm 2020 (theo như Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020).

Trước sự chậm trễ của dự án, mới đây nhất, ngày 20/1/2021, Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Lâm nghiệp Thanh Hóa đã có văn bản kiến nghị gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, đề nghị cho dừng đầu tư, phát triển dự án nhiệt điện than Công Thanh, chuyển sang loại hình đầu tư năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời, điện khí...

Lý giải cho sự “hụt hơi” của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, có nhiều ý kiến cho rằng: Tập đoàn Công Thanh có thừa tham vọng đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, thế nhưng năng lực quản trị lẫn khả năng tài chính yếu kém, khiến nhiều dự án bế tắc.

Có thể thấy: Mặc dù là dự án trọng điểm với số tiền hơn 21.000 tỷ đồng sau điều chỉnh, nhưng suốt trong thời gian hơn 10 năm qua, dự án này gần như “giậm chân tại chỗ”. Sự ì ạch của dự án khiến dư luận tại Thanh Hóa bức xúc và đặt ra nhiều câu hỏi: Theo quy định của tỉnh thì có nên thu hồi lại toàn bộ dự án hoặc buộc Tập đoàn Công Thanh phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác hiệu quả hơn? Và liệu tỉnh Thanh Hóa có thể thu hồi dự án khi Tập đoàn Công Thanh đã “ngụp lặn” suốt hơn 10 năm qua?

Tại Thanh Hóa, ngoài Nhà máy nhiệt điện Công Thanh, Tập đoàn này còn có 9 dự án khác cũng được đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên tới hàng tỷ USD. Mặc dù ôm rất nhiều dự án lớn, nhưng trên thực tế, mới chỉ có Nhà máy xi măng Công Thanh hoàn tất và đi vào hoạt động. 2 dự án khác đã bị tỉnh Thanh Hóa thu hồi do triển khai chậm, còn lại 6 dự án đang trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên và khiến người dân địa phương bức xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoi thóp dự án 21 nghìn tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO