Thông điệp của cha ông

ĐĂNG NGỌC 12/04/2022 16:51

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 cũng là dịp kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể”.

Lễ hội Đền Hùng.

Truyền thuyết về vua Hùng và các đời vua vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ. Với tôi, người “ngoại đạo” sử, chỉ bằng sự trải nghiệm và tìm thấy trong những trang Ngọc phả tư liệu quý nên có vài suy nghĩ nhằm góp phần khẳng định những giá trị văn hóa của dân tộc.

1.Huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc quê hương tôi là một vùng đất cận kề kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương, nên một số phong tục tín ngưỡng còn đậm sắc thái tinh thần của người Việt xưa. Ngay cạnh nhà tôi có đình Giò, đi vài trăm mét là có đền Tam Thánh, rồi chùa Đại Khách, xa hơn chút nữa có chùa Tiên Lữ, miếu Đình Chu, đình Thạc Trục… Lần tới đình Thạc Trục nghe thủ từ nói: “Đình này thờ các vị vua thời Hùng Vương – Quý Minh và Minh Sơn”. Chuyện cái bọc trăm trứng và 18 đời vua Hùng qua các bài học sử và chuyện nghe ở hai ngôi miếu và đình trên quê hương mình cứ theo tôi từ thuở học trò cho tới tận bây giờ. Nhưng trong những huyền sử ấy, đâu là sự thật?

Có lần tôi hỏi cô hướng dẫn viên, trên núi Nghĩa Lĩnh có ba ngôi đền - đền Thượng, đền Hạ và đền Trung, thờ những ai? Cô giải thích: “Trong quần thể di tích đều đặt 3 ngai vị là: Đột Ngột Cao Sơn; Ất Sơn Thánh vương; Viễn Sơn Thánh vương. Đó là 3 ông thần núi. Tại sao là thần núi? Mãi sau tìm hiểu thì mới biết: Đột Ngột Cao Sơn là vị vua Hùng đầu tiên. Thì ra miếu Đình Chu, thuộc xã Đình Chu là thờ vị vua Hùng đầu tiên của dân tộc. Thế còn hai vị kia?

Năm 2017 khi đi thăm Tây Thiên -Tam Đảo tôi tình cờ gặp thầy Thích Tâm Hiệp. Thầy xuất gia theo Phật từ lúc tuổi còn rất trẻ, nhưng vì tiếng gọi của “tình yêu lịch sử” nước nhà nên thầy xếp y vàng lại cùng với nhóm nghiên cứu di sản văn hóa đền miếu Việt, đi tìm cuội nguồn dân tộc. Gặp thầy, chỉ biết thế thôi, chưa có thời gian để hỏi chuyện. Mãi tới năm 2020, “gặp lại” thầy trong cuốn: “Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả sưu khảo”. Đây là bản sưu tầm, dịch từ chữ Nho và chữ Nôm và phiên chú đầy đủ tư liệu phả ký lưu giữ tại miếu Hùng Vương, thuộc thôn Vân Luông, xã Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ. Cuốn sách đã được NXB Dân Trí xuất bản năm 2020. Bản Ngọc phả trên soạn vào năm Hồng Đức 1470, kể lại sự tích các vị vua Hùng từ đầu cho tới khi Triệu Đà diệt Thục Phán - An Dương Vương lập nên nước Nam Việt.

Theo thầy Tâm Hiệp, cuốn "Ngọc phả Hy Cương" không nói đến các vị thần có tên Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn và Viễn Sơn. Thế nên các nhà nghiên cứu cho rằng, 3 ngai vị ở đền Hùng là 3 vị thần núi địa phương. Nhưng nay, với bản Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả lưu tại đền Vân Luông, sự việc về 3 vị vua Hùng được thờ đó, trở nên rõ ràng hơn. Phần thứ nhất trong bản Ngọc phả có tên “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển”, có ghi chép đầy đủ các tên gọi, ngày sinh, thời gian trị vì của các đời vua Hùng. Theo cuốn điển thờ này, Đột Ngột Cao Sơn là mỹ tự truy phong (tên thờ) của Hùng Quốc Vương-người con trưởng trong trăm người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Còn Viễn Sơn là thụy hiệu (tên hiệu của người đã mất) của Hùng Hy Vương 1 và Ất Sơn là thụy hiệu của Hùng Hy Vương 2, là hai vị vua Hùng kế tiếp Hùng Quốc Vương.

Còn hai vị Quý Minh và Minh Sơn được thờ ở đình Thạc Trục thì sao? Tháng 3/2009, tôi mới rõ hơn khi tỉnh Thái Nguyên tiến hành điều tra văn hóa phi vật thể tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ đã tìm thấy bản Thần tích được biên soạn năm 1572, về hai vị tướng này. Theo Thần tích, đây là hai vị tướng tài có công giúp Hùng Duệ Vương thứ 17 cùng với Tản Viên Sơn thánh dẹp giặc Thục nên đã được Vua Hùng thưởng công lớn. Sau khi các vị này qua đời, nhà vua ra lệnh cho nhiều nơi trong nước, trong đó có xã Khôi Kỳ, nơi ngài đóng quân và đi qua đều được lập đền thờ. Và Thạc Trục, Lập Thạch, Vĩnh Phúc (có biên giới với Thái Nguyên) cũng là nơi hai vị tướng này đã đi qua nên dân quê tôi đã lập đền thờ.

2.Theo nhiều tài liệu, lịch sử Văn Lang có 18 đời vua Hùng, kéo dài hơn 2.655 năm, vậy mỗi đời trị vì người ít nhất là 87 năm, người nhiều nhất như Lạc Long Quân là hơn 400 năm. Vậy thì tuổi thọ của họ Lạc Long Quân phải tới hơn 400 năm ư? Câu hỏi mà tôi và nhiều người vẫn đặt ra đó, giờ được thầy Tâm Hiệp giải đáp bằng những thông tin qua bản Ngọc phả Hùng Vương trên: “Từ đầu tính nước họ Hùng 18 nhánh truyền ấn phù quốc gia, 180 đời đế vương lên ngôi, nhất thống núi sông, xe sách trị nước, kiến dựng 120 điện thành. Cộng các năm trị vì, 18 đời thánh vương di truyền, thánh tử thần tôn, triều đại đế vương, hưởng ngôi cộng là 2.655 năm, thọ 8.618 năm, sinh 986 chi hoàng tôn công chúa, sinh cháu chắt cộng là 14.370 người, trị ở nước Nam, đầu núi góc biển, vạn thế trường tồn, mãi mãi không ngừng”.

Theo nguyên bản của Nam Việt Hùng Vương Ngọc phả vĩnh truyền tự điển, thì 18 đời Hùng Vương không phải là 18 vị vua. Mỗi một đời Hùng Vương là một triều đại kéo dài. Mỗi triều đại mang cùng một tên hiệu có thể có một hoặc nhiều vị vua. Ngọc phả gọi là 18 chi, ví dụ như: 1. Kinh Dương Vương - chi Càn; 2. Hùng Hiền Vương - chi Khảm; 3. Hùng Quốc Vương - chi Cấn; 4. Hùng Hy Vương - chi Chấn… Giá trị trong cuốn sách này còn là lập được phả đồ kết nối toàn bộ lịch sử 18 triều đại Hùng Vương, với 4 giai đoạn phát triển của xã hội Việt từ thấp đến cao. Vậy là, thời đại Hùng Vương có tới 180 vị đế vương, kéo dài 2.655 năm. Tính ra trung bình mỗi vị vua Hùng trị vì khoảng 15 năm, thọ khoảng 48 tuổi. Đó là cách lý giải hợp lý, có tính thuyết phục cao.

3.“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Câu ca ấy người Việt hầu như ai cũng nhớ. Nhưng “núi Thái Sơn” là biểu tượng hay có thật? Trong một số tài liệu trước đây và cả trong các bài tập làm văn của một số sách mà tôi được đọc, giải thích: “Núi Thái Sơn là ngọn núi cao nhất ở Trung Quốc”. Tương tự, “nước trong nguồn” là biểu tượng hay bắt nguồn từ suối cụ thể nào?

Với tôi câu trả lời dần được sáng tỏ, khi tìm trong Hùng Vương Ngọc phả vĩnh truyền, ghi: “Đời đời các triều vua giữ quyền chính, khi thay tên sửa chỗ cho cơ đồ, đều có xe loan ngự giá đến điện Hùng Vương trên núi, phụng tế trời đất, đốt lửa vọng về núi Thái để tế các bậc tiền hoàng đế tiên vương đời trước cùng trăm thần nước Nam”. Theo các nhà địa lý, cổ sử thì núi Thái Sơn - núi tổ người Việt là dải Hoàng Liên.

Trong các tài liệu nói về sự tích vùng núi Tây Thiên đều có ghi: Quốc Mẫu Tây Thiên là bà Vụ Tiên hay Cửu Thiên huyền nữ, đã hội quân ở Đại Đình (tức xã Đại Đình hiện nay) dưới chân núi Tam Đảo, tiến về Phong Châu giúp vua Hùng đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn chống giặc. Thắng trận, Tây Thiên trở thành Tam Đảo sơn trụ Quốc mẫu. Và theo thầy Tâm Hiệp cùng với Nhóm nghiên cứu trên, khi đến hành lễ tại đền Hóa ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo đã phát hiện trong khám thờ Quốc mẫu còn lưu giữ một cuốn Ngọc phả chữ Nho chép tay có tựa đề “Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên tối linh từ”. Ngay ở chính điện tiền tế của đền Hóa có một đôi câu đối rất hay: “Nghĩa Lĩnh Cao Sơn phụ lập quốc/ Bát Tuyền trường thủy mẫu nghĩa dân”.

Từ câu đối này so sánh với câu ca dao về công cha nghĩa mẹ, ta thấy có sự tương đồng về nghĩa và có những chỉ dẫn rõ ràng hơn về con người và địa lý. Theo thầy Tâm Hiệp: Nghĩa Lĩnh là ngọn núi có đền Hùng, nơi thờ Đột Ngột Cao Sơn, đó là vị Thái tổ đã lập ra quốc gia họ Hùng. Núi Nghĩa Lĩnh chính là ngọn Thái Sơn trong câu ca dao ấy! Còn “Bát Tuyền” là con suối mang tên Bát Nhã, bắt nguồn từ trên đỉnh Phù Nghi. Lấy theo tên núi Phù Nghi hay là Phù Nghĩa thì dòng suối này ứng với câu “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đó là dòng suối linh thiêng, mạch nguồn của dân tộc.

Chính nếp sống trọng ân nghĩa, lấy hiếu đạo làm nền tảng mà ông cha ta đã đời đời thờ phụng, kính ngưỡng tổ tiên ở khắp vùng miền. Vậy là, cả truyền thuyết và ghi chép trong Ngọc phả không chỉ góp phần tô điểm mà dần vén bức màn bí mật về một thời đại quá xa xăm. Và nếu không thờ ơ với lịch sử thì chúng ta sẽ tìm thấy trên mỗi tấc đất những mảnh ghép góp phần chứng minh cho lịch sử hào hùng, bi tráng ngàn năm của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông điệp của cha ông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO