Thông dòng chảy chuỗi cung ứng

T.Hằng 02/11/2021 07:40

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Theo các chuyên gia, muốn cho sản xuất kinh doanh tăng trưởng trở lại, cần phải khôi phục các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy.

Đứt gãy vì “giấy phép con”

2 năm qua, dịch Covid -19 đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Giãn cách xã hội khiến việc sản xuất bị ngừng trệ, tiêu dùng của xã hội bị thiếu thốn, chi phí cho sản xuất và tiêu dùng bị đẩy lên cao. Theo chuyên gia thị trường Vũ Vĩnh Phú, sự đứt gãy, chia cắt của các chuỗi cung ứng ngoài nguyên nhân khách quan đến từ dịch bệnh, còn có những nguyên nhân chủ quan. Đó là hiện tượng một số tỉnh, thành phố sinh ra nhiều “giấy phép con” cho riêng địa phương mình, ít quan tâm đến những đề nghị kết nối thông thoáng của các luồng xanh để vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và kinh doanh. Chính những tư tưởng cục bộ địa phương đó đã ngăn “dòng chảy” các chuỗi cung ứng.

“Cả nước đã chuyển sang tình hình mới, khôi phục sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt trong điều kiện tiếp tục chống dịch. Muốn cho sản xuất kinh doanh tăng trưởng dần trở lại, cần phải khôi phục lại các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy. Khi thiết lập lại các chuỗi cung, kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong quý IV/2021, làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo”- ông Phú nhấn mạnh.

Thật vậy, tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến cho thị trường trong nước và nội địa bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Ở nước ta, các loại hàng hóa được vận chuyển và đem đi tiêu thụ thông qua các huyết mạch giao thông. Song chính những quy định phòng chống dịch tại nhiều điểm chốt ở các địa phương đã khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều hạn chế, tắc nghẽn.

Không chỉ chuỗi cung ứng hoạt động kém hiệu quả mà chính các doanh nghiệp (DN) logistics cũng chịu ảnh hưởng lớn. “Sản lượng vận tải của ngành logistics trong 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 không kém là bao. Nhưng đến tháng 7, tháng 8 lại bị giảm sút nghiêm trọng do các hạn chế trong quá trình vận chuyển, đồng thời bị thiếu hụt một phần lực lượng lao động. Mặc dù vậy, ngành logistics vẫn không ngừng nỗ lực hàn gắn lại chuỗi cung ứng”- ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết.

Phát triển chuỗi cung ứng bền vững

Để DN Việt Nam phát triển các chuỗi cung ứng một cách bền vững, TS. Nguyễn Văn Hợp, Trưởng khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp (Trường Đại học Quốc tế) cho rằng, trước đây chuỗi cung ứng chỉ tập trung vào tốc độ, chi phí, thời gian, đúng số lượng và chất lượng. Tuy nhiên ngày nay, để chuỗi cung ứng hoạt động bền vững, cần tạo ra một chuỗi không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn ổn định về yếu tố môi trường, xã hội, con người. Do đó, cần đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, kiến thức, đảm bảo phúc lợi, điều kiện làm việc, sức khỏe,... để không chỉ làm tốt trong nội địa mà còn vươn ra thế giới. Đặc biệt, sau khi xã hội bước vào “trạng thái bình thường mới”, nhu cầu vận chuyển tăng vọt thì đây sẽ là cơ hội cho các DN logistics bứt phá. Do vậy, các DN cần chuẩn bị kế hoạch duy trì và phát triển hoạt động, tránh nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động sau thời gian dài giãn cách xã hội và đặc biệt là nguồn lực tài chính để ổn định, phục vụ cho dịch vụ kinh doanh.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Mỹ nhận định, trong bối cảnh kinh tế phát triển trở lại, chi phí logistics có xu hướng sẽ tăng cao. Với quy mô nền kinh tế nhập khẩu lớn như Mỹ, khi các nền kinh tế khác phục hồi thì hàng hóa bị dồn ứ tại đây, tình hình này nghiêm trọng hơn khi Mỹ thiếu các lao động về logistics. Trong bối cảnh đó, các DN logistics Việt Nam muốn mở rộng thị trường xuất khẩu đến Hoa Kỳ, điều quan trọng nhất là công tác liên kết chuỗi giữa các bộ phận trong cả quá trình phân phối, theo đó logistics cần kết nối người tiêu dùng đến người sản xuất.

Là DN tham gia chuỗi cung ứng logistics, bà Cao Cẩm Linh - Giám đốc Chiến lược Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel cho rằng, các DN logistics Việt Nam cần nhiều yếu tố để phát triển chuỗi cung ứng bền vững ra thị trường quốc tế. Trong đó, hai yếu tố quan trọng hàng đầu là nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông dòng chảy chuỗi cung ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO