Thông đường cho nông sản

Hạnh Nhân 26/09/2021 07:09

Để kịp thời gỡ khó cho nông sản, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý là yêu cầu rà soát, bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con...

Không để ách tắc

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản ở các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022. Tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng, khu vực đã khống chế được dịch Covid-19 để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam. Tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của hai Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản phía Bắc và phía Nam.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Kiểm tra, hướng dẫn lưu thông thống nhất tại các địa phương, rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con...

Đề cập tới vấn đề giấy phép con gây ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, thời gian qua có thể thấy, sự thiếu đồng bộ, nhất quán. Khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu,... làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhìn nhận vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc cho rằng, về nguyên tắc, cái gì hạn chế quyền của người dân và DN phải được quy định trong luật. Các địa phương căn cứ vào đó để thực hiện, chứ không được “đẻ” thêm quy định khác. Các tỉnh, thành chỉ được quy định khác khi Chính phủ cho phép. Nếu cứ tự đặt ra quy định “ngăn sông cấm chợ” là vi phạm pháp luật.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, trong 8 tháng đầu năm 2021, có 85.500 DN rời thị trường, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, có 350 DN rời thị trường, là con số lớn nhất từ trước tới nay, rất đáng quan ngại.

Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD đang là thách thức

Liên quan tới giải bài toán đầu ra cho nông sản, mới đây báo cáo trước lãnh đạo Chính phủ, Bộ NNPTNT cho biết, đại dịch Covid-19 gây ra đang khiến người nông dân, HTX, DN chịu rất nhiều khó khăn. Mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn.

Đáng lo ngại, khu vực HTX nông nghiệp bị tác động nặng nề. Đến nay, có 80-90% số HTX nông nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách đã bị giảm doanh thu, trong đó khoảng 30% số HTX giảm từ 50-70% doanh thu; 40% số HTX giảm từ 30-50% và 20% còn lại ít bị ảnh hưởng hơn. Khoảng 1/2 lao động thường xuyên của HTX bị giảm hoặc cắt lương.

Phần lớn người sản xuất, DN chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng.

Chi phí sản xuất phát sinh quá lớn (các DN gỗ tăng khoảng 20-30%), nhiều DN khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, DN phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái đầu tư; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Từ phía địa phương, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai thông tin: Nông sản của tỉnh gồm 3 nhóm có nguy cơ khó tiêu thụ. Cụ thể cây ăn trái dư khoảng 1.000 tấn gồm: 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt; củ đậu 800 tấn. Sản phẩm chăn nuôi có khả năng dư thừa gần 200.000 con gà lông trắng, vịt 80.000 con, dê 6.000 con.

Với tổng đàn chim cút 7 triệu con, mỗi ngày dư thừa trên 300.000 trứng cút. Thủy sản gồm 1.000 tấn có nguy cơ dư thừa, gồm 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm thẻ. “Chúng tôi rất mong nhận được hỗ trợ để kết nối tiêu thụ các loại nông sản trên”, ông Sinh cho biết.

Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Bông, Giám Đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cũng nêu thực trạng sản lượng trái dưa của địa phương đạt 80 tấn, chuối 70 tấn, chanh không hạt 30 tấn, rau ăn lá tiêu thụ chậm hơn trước. Trứng gia cầm tiêu thụ chậm, hàng tồn mỗi ngày 2 triệu quả; trứng cút hơn 200 nghìn trứng. Đặc biệt là đàn gà lông trắng còn 1,2 triệu con rất khó bán. “Chúng tôi đã vận động các đơn vị đoàn thể, DN hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn nhưng không giải quyết được nhiều, bà con rất khó khăn”, ông Bông chia sẻ.

Trước khó khăn trên, Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập cho DN, HTX phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào, giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Thời điểm này, tìm đường ra cho nông sản GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh giải pháp liên kết vùng. Ông nói: Có thể thấy dịch bệnh đã bộc lộ nhiều điểm yếu của nông nghiệp nước ta. Vào cùng một thời điểm ở chỗ này đang có hàng, chỗ kia lại thiếu mà hai bên không biết nhau, trong khi mình cứ nói liên kết vùng mãi mà họp nhau xong, ai về nhà nấy, không biết ai đứng ra để kết nối.

GS Võ Tòng Xuân kiến nghị, Bộ NNPTNT với mạng lưới ngành xuống đến tận xã, ấp nắm thật rõ hoạt động sản xuất nông sản của nông dân. Với phương tiện Internet phần mềm IT thích hợp, vào bất cứ thời điểm nào, chỉ cần “bấm nút”, Bộ sẽ biết những nơi nào lúa đang chín sắp thu hoạch, chỗ nào doanh nghiệp đang cần lúa giống gì để cung cấp trong nước hoặc xuất khẩu. Hay chỗ nào đang thiếu trái cây, chỗ nào trái cây chuẩn bị thu hoạch...

Bộ sẽ liên kết các bên với nhau, các tỉnh với nhau, các nhóm HTX nông nghiệp sản xuất liên kết với các vựa/chợ đầu mối, hoặc các công ty/doanh nghiệp có đơn đặt hàng để xuất khẩu…

Mạng liên kết này sẽ nới rộng đến cộng đồng các DN cần nguyên liệu nông sản, cộng đồng các nhà máy/công ty chế biến nông sản, các đầu mối của Bộ Công Thương, và đầu mối thông tin nhu cầu nông sản trên thị trường quốc tế mà thương vụ của các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới.

Mạng liên kết cũng sẽ nối vào mạng lưới logistic của Bộ Giao thông Vận tải để chỉ ra đường liên kết thông suốt nhất giữa điểm xuất phát nguyên liệu nông sản và điểm tiêu thụ, sao cho phương tiện chuyên chở được cấp đầy đủ giấy phép trên đường đi qua. “Trong thời gian tới, 3 Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải cần tạo sự nhất trí chung chứ không phải mỗi nơi một kiểu như hiện nay. Như vậy, sẽ không còn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản như vừa qua”, GS Xuân nói.

Không để doanh nghiệp thiếu, nông dân thừa nông sản

Ngày 25/9, Bộ NNPTNT tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 – Diễn đàn nông sản 970 phiên thứ 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các Sở tiếp tục nắm rõ đầu mối nông sản để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp (DN). "Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng DN lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất", Thứ trưởng nêu rõ.

Bộ chủ quản luôn hỗ trợ, đồng hành với DN, địa phương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thời gian vừa qua, chúng ta rút ra được rất nhiều bài học. Dù dịch bệnh, khó khăn khi qua trạm kiểm soát, nhưng nếu DN có liên kết sản xuất thì vẫn bao tiêu sản phẩm bình thường cho nông dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nguồn hàng nông sản rất lớn, song vấn đề về logistics cần chính quyền vào cuộc với tinh thần "khó đâu gỡ đó". Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn thế giới, nhu cầu nông sản của các nước đang tăng, do đó việc đáp ứng nguồn nguyên liệu là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông đường cho nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO