Thông quan nông sản, vẫn khó

Hạnh Nhân - Duy Phương 20/04/2020 07:30

Tại buổi kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu phụ Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trước mắt tỉnh Lạng Sơn cần tăng năng lực thông quan, giảm lượng hàng hóa ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

Thông quan nông sản, vẫn khó

Xe container nông sản ùn ứ tại cử khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn

Thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn: Đến tháng 3/2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) đã có 6/12 cửa khẩu hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm ước tính đạt 730 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 425 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 305 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản (80%), tuy nhiên một số mặt hàng chủ lực như: Thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn... chỉ đạt 350.000 tấn, giảm trên 200.000 tấn so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị di động.

Tổng số lượng xe hàng thông quan qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt trên 70.000 xe container. Riêng tính từ ngày 5/2 đến ngày 16/4, đạt 45.934 xe, tương đương 1,3 triệu tấn hàng hóa.

Về vấn đề này, bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, hiện có đến hơn 2.600 xe tồn tại các cửa khẩu, riêng cửa khẩu Tân Thanh tồn hơn 1.000 xe. Cùng đó, do các xe chở hàng phải nằm lại khu vực cửa khẩu nên số người tập trung tại cửa khẩu này lên đến hàng nghìn.

Để tích cực giải quyết, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các lực lượng tại cửa khẩu, phối hợp với ngành công thương, ngành nông nghiệp… thu thập tình hình xuất khẩu hoa quả phía Trung Quốc để thông tin kịp thời cho các địa phương trong nước, cũng như các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu hoa quả, nông sản. Tiếp tục rà soát đội lái xe, nghiên cứu vấn đề lao động bốc vác, bến bãi hàng hóa... Trong thời gian sớm nhất giải tỏa những khó khăn trước mắt góp phần tăng năng lực thông quan, giảm ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Trước đó, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi tiếp và làm việc với ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp và thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trước tác động từ dịch Covid-19. Thông tin tại buổi làm việc cho biết, phía Trung Quốc sẽ tăng thêm 2 giờ 1 ngày làm thủ tục thông quan hàng nông sản của Việt Nam; đồng thời sẽ làm việc cả ngày thứ 7 và chủ nhật.

Phía Việt Nam sẽ bố trí phát miễn phí khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế cấp cho lái xe Trung Quốc, bố trí lao động và miễn phí bốc xếp hàng hóa... Tạm thời đưa vào hoạt động tuyến đường bộ qua mốc 1035 thuộc cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi trong thời gian phòng chống dịch bệnh; Thực hiện nhập khẩu trái cây, nông sản, thủy hải sản của Việt Nam qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc); Mở rộng danh mục hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường như đối với cửa khẩu quốc tế đường bộ; khôi phục việc nhập khẩu mặt hàng thủy hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh.

Bộ Công thương có tiếp thu ý kiến trong việc xuất khẩu gạo hay không?

Sáng 19/4, Bộ Công thương đã có ý kiến liên quan đến văn bản của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng nói Bộ không tiếp thu góp ý xoay quanh vấn đề xuất khẩu gạo.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Bộ này đã nhận được văn bản của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo. Phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công thương 2 lần xin ý kiến các Bộ, ngành. Ý kiến tham gia của các Bộ, ngành đã được Bộ tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2020. “Các ý kiến mới, đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo về vấn đề xuất khẩu gạo sẽ được Bộ Công thương tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2020”- Bộ Công thương cho biết và nhấn mạnh, tất cả các báo cáo của Bộ Công thương về vấn đề xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn sau đó của Bộ này đều được công bố kịp thời, công khai, minh bạch để báo chí, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện và đưa tin.

Thông quan nông sản, vẫn khó - 1

Nhiều doanh nghiệp đã “chậm chân” mở tờ khai hải quan, hàng hóa tồn đọng.

Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng về việc Bộ Công thương “không tiếp thu” ý kiến đóng góp trong việc điều hành hoạt động xuất khẩu gạo.

Cụ thể, trước những vấn đề bất cập trong công tác điều hành, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ký Văn bản số 4676/BTC-TCHQ báo cáo tình hình công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo. Theo đó, về việc phối hợp thực hiện xuất khẩu gạo theo Quyết định số 1106/QĐ-BCT, Bộ Tài chính cho biết đã có 2 lần tham gia ý kiến với Bộ Công thương. Cụ thể, tại Công văn số 3905/BTC-QLG ngày 3/4, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm. Ngoài ra, để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6. Đến ngày 10/4, Bộ này cũng đã có Công văn số 4355/BTC-QLG, theo đó, nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt và thông báo kết quả trúng thầu. Tuy nhiên sau đó, các doanh nghiệp này có văn bản từ chối hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ nhà nước khu vực, và phải ký hợp đồng giao hàng xong, chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6.

Tại công văn này, Bộ Tài chính đánh giá phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Thứ nhất, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp, có sự giám sát của Bộ Công thương. Thứ hai, giao Bộ Công thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. “Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công thương tiếp thu”, Bộ Tài chính khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thông quan nông sản, vẫn khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO