Thu hồi đất lâm nghiệp giao khoán: Khó chồng khó

Tường Lam 21/06/2022 16:00

Đất lâm nghiệp của chủ rừng được giao khoán cho người dân bị lấn chiếm. Thực trạng này không chỉ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai gặp nhiều khó khăn mà còn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị được giao quản lý, phát triển rừng và đất rừng ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Khó khăn giữ đất đã thu hồi

Những ngày tháng 6 nóng như đỏ lửa, nhóm phóng viên có mặt tại tiểu khu 127, đội 4, ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những khu vực đất rừng mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (gọi tắt là công ty Lâm nghiệp La Ngà) đang tiến hành bảo vệ nghiêm ngặt sau thu hồi.

Chỉ tay về hướng phần đất mà đơn vị đang tiến hành bảo vệ, ông Phùng Viết Cường, Tổ phó tổ cơ động của Công ty Lâm nghiệp La Ngà cho biết, “công việc bảo vệ hết sức vất vả, chúng tôi phải bảo vệ thành quả anh à. Vì đây là khu vực mà công ty vừa thu hồi lại được từ người dân có hành vi lấn chiếm. Nếu mình mà không túc trực liên tục, người dân sẽ lợi dụng để trồng cây nông nghiệp trên đất của công ty đã được thu hồi”.

Lý giải với chúng tôi, ông Cường cho hay, sau khi có chủ trương tổ chức lại hợp đồng giao khoán rừng, đất rừng và thu hồi đất bị lấn chiếm từ các cấp, công ty đã rà soát, kiểm kê và có biện pháp tổ chức lại hợp đồng giao khoán và thu hồi đất bị lấn chiếm. Tuy nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn.

“Một số hộ dân trước đây được công ty giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng không những không thực hiện theo các giải pháp của công ty mà còn cố tình lấn chiếm và có dấu hiệu chiếm dụng đất. Một số hộ còn kích động, khiếu kiện khiến công tác tổ chức lại hợp đồng giao khoán và thu hồi đất thêm phần khó khăn. Thu hồi đất đã khó, việc giữ đất đã được thu hồi còn khó hơn”, ông Cường nói.

Ông Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà khẳng định, từ khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp cổ phần, công ty đã rất nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển rừng một cách bền vững. Cùng với đó là tích cực tổ chức lại các diện tích đã giao khoán trước đây với người dân theo đúng quy định của pháp luật và thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

“Hiện nay có một thực tế đó là một số hộ có hợp đồng giao khoán là các bản giấy photo, còn công ty không giữ bản chính. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho bà con, công ty vẫn chấp nhận những bản hợp đồng photo và đề nghị được dẫn đi thực tế khu vực đất rừng mà họ đang canh tác để xác minh, qua đó có biện pháp giải quyết quyền lợi của bên giao khoán và bên nhận khoán (hộ dân) theo đúng quy định tại hợp đồng và quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng một số hộ dân không hợp tác, tạo điều kiện cho công ty xác minh nên dẫn đến việc giải quyết kiến nghị của hộ dân nhận khoán gặp nhiều khó khăn”, ông Thắng nói.

Cần lắm sự “hợp tác”

Bên cạnh một số hộ dân cá biệt chống đối, cố tình chiếm dụng đất lâm nghiệp của công ty, thì đại đa số hộ dân tại xã Thanh Sơn có hợp đồng giao khoán rừng với công ty đều ủng hộ chủ trương tổ chức lại hợp đồng giao khoán rừng, đất rừng. Điển hình như ông Trần Danh Việt, ấp 3, xã Thanh Sơn, gia đình ông trước đây được giao khoán 1,7 ha đất từ công ty. Ngoài việc chăm sóc bảo vệ diện tích rừng Tếch (cây giá tỵ) của công ty, gia đình ông đã canh tác nhiều cây ăn trái xen canh. Sau khi công ty có chủ trương tổ chức lại hợp đồng giao khoán và thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, ông đã chủ động thực hiện trả lại toàn bộ số diện tích được giao khoán.

“Bản thân tôi ý thức được việc tổ chức lại hợp đồng giao khoán và thu hồi đất lâm nghiệp của công ty là đúng pháp luật. Thực tế thì chỗ nào cây của công ty thì họ cắt, còn cái nào mình trồng thì mình thu hoạch. Có phải đất của mình đâu mà lấn chiếm”, ông Việt nói.

Ông Trần Danh Việt, xã Thanh Sơn (áo xanh) một trong những hộ dân ủng hộ chủ trương thu hồi đất lâm nghiệp giao khoán.

Cũng theo ông Việt, cá nhân ông không ủng hộ việc một số người dân không những không trả lại đất cho công ty mà còn kích động khiếu kiện, có ý định chiếm dụng đất lâm nghiệp. “Tôi thấy công ty rất công tâm trong việc xử lý các hợp đồng giao khoán để thu hồi đất. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn cứ nghĩ đó là đất của mình. Mình canh tác trên đó không có nghĩa đất đó là đất của mình. Như vậy là sai rồi”, ông Việt cho hay.

Còn Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà Đỗ Mạnh Thắng khẳng định, việc xác minh nguồn gốc các hợp đồng giao khoán trước đây với người dân tuy có khó khăn nhưng công ty luôn sẵn sàng đối thoại và cân đối lợi ích của đôi bên để đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện tổ chức lại hợp đồng giao khoán rừng, đất rừng, cũng như thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.

“Chúng tôi rất cần sự hợp tác của bà con. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong chính quyền các cấp có các biện pháp hỗ trợ, vận động những hộ dân không hợp tác trong việc phối hợp với công ty tiến hành xác minh các diện tích đất lâm nghiệp đang canh tác. Qua đó đẩy nhanh tiến độ tổ chức lại hợp đồng giao khoán rừng, đất rừng cũng như thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thắng nói.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức lại hợp đồng giao khoán rừng, đất rừng và thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đang ở thế “khó chồng khó”. Khó từ việc xác minh, kiểm kê các diện tích có hợp đồng giao khoán, đất lấn chiếm, khó từ việc người dân thiếu hợp tác với công ty và khó trong cả việc giữ những diện tích đất đã được thu hồi.

Để tháo gỡ khó khăn, thiết nghĩ cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ từ nhiều cấp, trong đó có vai trò chủ lực từ phía chính quyền địa phương sở tại và đặc biệt là sự hợp tác từ phía người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hồi đất lâm nghiệp giao khoán: Khó chồng khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO