Thu hút nguồn lực để tăng trưởng

Hoài Vũ 11/03/2020 08:00

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 thì thu hút các dự án FDI sẽ là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng. Chủ nhật tuần này (15/3), trên Mạng tin tức truyền hình cáp (CNN) sẽ có chương trình “Growing Viet Nam” (Tạm dịch: “Lớn lên Việt Nam”).

Thu hút nguồn lực để tăng trưởng

Thu hút vốn FDI để tăng nguồn lực đầu tư phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Chương trình sẽ phản ánh thông tin về những cơ hội đầu tư ở Việt Nam và những thuận lợi của nền kinh tế Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là dịp để thế giới thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, mà cũng là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.

Tại thời điểm tháng 2, khi tâm dịch Covid-19 đang diễn ra cũng là lúc nhiều tập đoàn lớn đa quốc gia tìm kiếm thị trường. Một tập đoàn lớn của Mỹ có kế hoạch đầu tư một dự án hàng tỷ USD ở châu Á. Hai địa điểm được họ cân nhắc là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên trước tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc, thì tập đoàn này cho biết sẽ có thể sẽ chọn Việt Nam và đưa ra quyết định cuối cùng trong tháng 3 tới. Cũng trong thời điểm này, nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng quan tâm đến các dự án điện khí LNG tại Việt Nam. Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ông Chae Heeboong- đại diện Liên danh các nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó có Tổng Công ty Khí Hàn Quốc, Công ty Điện Nam Hàn Quốc, Tập đoàn Hanwha- bày tỏ mong muốn họ muốn đầu tư vào các dự án cảng và nhà máy điện khí LNG tại Việt Nam. Thậm chí, ngoài lĩnh vực điện khí, các nhà đầu tư này còn mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khác tại Việt Nam.

Đưa ra 2 dẫn chứng trên để thấy rằng, Việt Nam vẫn đang là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam trong thời điểm này càng chứng tỏ sức hấp dẫn của “điểm đến Việt Nam”. Tuy nhiên, để thu hút được đầu tư nước ngoài trong hoàn cảnh hiện nay, rất cần một sự cải tổ mạnh mẽ từ chính trong nội lực. Thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đó càng đặt ra bài toán thu hút vốn ngoại cho nền kinh tế hiện nay khi dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ.

Khó khăn rất nhiều nhưng cơ hội cũng đang mở ra. Cơ hội là có thật nhưng làm sao để chớp được cơ hội đó? Lời giải nằm ở đâu? Khi nói với PV báo ĐĐK về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Khi dịch bệnh đang hoành hành, thì các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã tính đến chuyển các công xưởng sản xuất của họ sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên để chớp được cơ hội đó, những chính sách về đầu tư trong thời điểm này cần có sự thay đổi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài từ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bởi hiện thủ tục hành chính của ta vẫn luôn là rào cản, hết “giấy phép này đến giấy phép kia”, giấy phép mẹ “đẻ” ra giấy phép con đang tạo ra những khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi họ cần thủ tục thông thoáng.

Trong một động thái khác, theo đánh giá của tờ New York Times, dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ “có thể được đẩy nhanh hơn” do dịch Covid-19. Còn số liệu thống kê của Văn phòng JETRO Hà Nội vừa mới được công bố cho thấy: Có tới 122 doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO hỏi cho biết, họ đã có kế hoạch chuyển dịch một số hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Hiện Việt Nam đang đứng đầu danh sách, với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp nói trên lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%).

Như vậy, ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế nước ta đang trải qua những thách thức lớn trong lúc dịch bệnh. Nhưng cơ hội vẫn rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng, như đã nói, cơ hội cũng sẽ không thành hiện thực nếu không biết vận dụng các chính sách một cách nhanh chóng và hợp lý. Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn này càng cần phải đẩy nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa. Một số chuyên gia cho rằng, lúc này cần tới “đội phản ánh nhanh” trong xúc tiến đầu tư. Xúc tiến ngay từ bây giờ, không chờ hết dịch. Đó là điều rất quan trọng, thời cơ không nên để trôi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút nguồn lực để tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO