Thử nghiệm vaccine phòng chống Covid-19: ‘Vũ khí lợi hại’ chống đại dịch

Nguyễn Tuyên 20/11/2020 07:30

Các dữ liệu đầy đủ được đăng trên tạp chí y học The Lancet về cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy vaccine AZD1222 hay ChAdOx1 nCoV-19, của Hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) bào chế đã tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người cao tuổi, mang lại hy vọng cho những người dễ bị tổn thương nhất vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Vaccine phòng Covid -19 thử nghiệm đạt thành công bước đầu tại một số quốc gia.

Theo các dữ liệu trên, những người ở độ tuổi trên 70, vốn có nguy cơ mắc Covid -19 thể nặng và dễ tử vong, có thể hình thành khả năng miễn dịch mạnh mẽ đối với virus SARS-CoV-2 khi có các phản ứng kháng thể và tế bào T trong cơ thể.

Các dữ liệu đầu tiên của giai đoạn thử nghiệm thứ 3 chứng minh hiệu quả của vaccine có thể sẽ được công bố trong những tuần tới.

Trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2 của vaccine tiềm năng trên, tổng cộng 560 tình nguyện viên tham gia, trong đó có 160 người tuổi từ 18-55, 160 người từ 56-69 tuổi và 240 người ở độ tuổi trên 70. Các tình nguyện viên được tiêm 2 liều vaccine hoặc giả dược và chưa phát hiện trường hợp có tác dụng phụ nào được báo cáo liên quan đến vaccine AZD1222. Tuy chưa có kết quả thử nghiệm cuối cùng của giai đoạn 3, AstraZeneca đã ký một số hợp đồng cung ứng và sản xuất với các công ty và chính phủ trên thế giới.

Cùng ngày, người đứng đầu Viện về các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler cho biết tin tức gần đây về các cuộc thử nghiệm vaccine rất đáng khích lệ. Phát biểu tại họp báo trực tuyến ngày 19/11, ông Wieler nhấn mạnh các vaccine với độ hiệu quả hơn 90% sẽ “là vũ khí lợi hại” trong cuộc chiến chống đại dịch.

Trong một nỗ lực khác, Nga đã nối lại việc tiêm vaccine cho các tình nguyện viên mới tham gia thử nghiệm vaccine Sputnik V sau một thời gian ngắn tạm dừng. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Moskva đang thúc đẩy các kế hoạch tiêm chủng toàn dân. Cuối tháng 10 vừa qua, 8 cơ sở lâm sàng đã thông báo tạm dừng thử nghiệm thêm tình nguyện viên mới, do một số nơi không đủ liều để đáp ứng nhu cầu cao của tình nguyện viên.

Ông Alexei Kuznetsov, một trợ lý Bộ trưởng Y tế, cho biết: “Các thử nghiệm lâm sàng diễn ra đúng kế hoạch, đồng thời một cuộc thử nghiệm liên quan đến các tình nguyện viên trên 60 tuổi cũng đang diễn ra”.

Giới chức Nga và các nhà bào chế vaccine ước tính ban đầu khoảng 30 triệu liều vaccine Sputnik V sẽ được sản xuất trong năm nay, nhưng Bộ Công nghiệp hồi tháng trước đã giảm con số này xuống còn 2 triệu liều.

Tại Trung Quốc, Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia (Sinopharm) cho biết đến nay đã có khoảng gần một triệu người tham gia thử nghiệm vaccine do Sinopharm phát triển, thông qua “Chương trình sử dụng khẩn cấp”. Trung Quốc đã phát động chương trình nói trên từ tháng 7, với 3 loại vaccine tiềm năng được thử nghiệm trên cơ thể các nhân viên đặc biệt và các nhóm giới hạn khác ngay cả khi các nghiên cứu lâm sàng chưa đưa ra kết quả về mức độ an toàn và tính hiệu quả. Trong số này, có hai loại vaccine tiềm năng do CNBG (công ty con của Sinopharm) bào chế và loại còn lại do Công ty Sinovac Biotech đảm nhận.

Các vaccine tiềm năng trên đang được thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài trong giai đoạn 3 với 60.000 người được tuyển chọn. Ngoài ra, chương trình cũng đã lấy mẫu máu của hơn 40.000 người 14 ngày sau khi họ được tiêm liều vaccine thứ hai. Trong số những người tham gia dự án, các nhân viên ngoại giao và sinh viên xuất cảnh ra nước ngoài đã sử dụng vaccine của Sinopharm, không có trường hợp nào nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo việc sử dụng đơn lẻ dữ liệu từ chương trình sử dụng khẩn cấp mà không có sự so sánh với các kết quả lâm sàng khác để xác định hiệu quả của vaccine.

Trong một diễn biến khác, tại Nhật Bản, để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nước này đang hướng tới sử dụng robot nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi đi mua sắm. Robot có tên “Robovie” do Viện Nghiên cứu ATR có trụ sở tại Kyoto chế tạo và tiến hành thử nghiệm tại cửa hàng bán đồ thể thao ở thành phố Osaka. Robovie được gắn camera và máy quét bằng laser có thể phát hiện người không đeo khẩu trang để nhắc nhở :”Tôi xin lỗi vì đã làm phiền bạn, nhưng vui lòng hãy đeo khẩu trang”.

Robovie cũng có khả năng phát hiện và nhắc nhở nếu khách hàng đứng quá gần nhau khi xếp hàng. Theo Viện Nghiên cứu ATR, Robovie cũng có thể chỉ dẫn cho người mua hàng đến khu vực của cửa hàng mà họ muốn đến.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 19/11 cho biết nước này đang trong trạng thái “cảnh giác cao nhất” trước đại dịch Covid -19. Ông cũng kêu gọi người dân luôn đeo khẩu trang tại các nhà hàng và chỉ bỏ khẩu trang ra trong thời gian ngắn để ăn uống nhằm giảm thiểu nguy cơ lây bệnh.

Giới chức y tế Nhật Bản vừa xác nhận số ca nhiễm mới ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày, cao nhất kể từ khi dịch Covid -19 bùng phát. Cụ thể, ngày 18/11, Nhật Bản đã phát hiện thêm 2.203 ca mắc mới trên toàn quốc. Theo đài TBS của Nhật Bản, ngày 19/11, nước này tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao kỷ lục với 2.259 ca.

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết nước này sẽ chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế ngay lập tức và sẽ tiếp tục theo dõi tốc độ lây nhiễm cũng như khả năng ứng phó của các bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thử nghiệm vaccine phòng chống Covid-19: ‘Vũ khí lợi hại’ chống đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO