Thu nhập của các gia đình hoàng gia châu Âu

Mai Phương (theo The Guardian) 09/04/2023 17:47

Các khoản trợ cấp, bảo trì cung điện, chi phí nhân viên và thuế đều khác nhau ở mỗi nước, nhưng Hoàng gia Anh phải nộp nhiều tiền thuế nhất.

Các gia đình Hoàng gia châu Âu.

So sánh chi phí của các gia đình hoàng gia ở châu Âu cũng giống như so sánh giữa táo và cam. Bởi mỗi gia đình là duy nhất và mỗi chính phủ có một cách trả tiền khác nhau cho các gia đình hoàng gia. Một số ngân sách hoàng gia trang trải cho chi phí duy trì cung điện, nhân viên và an ninh, những nước khác được giới hạn trong các khoản trợ cấp hàng năm cho từng vị vua hoặc hoàng hậu. Nhưng có một điều rõ ràng rằng, các gia đình hoàng gia châu Âu có mức thu nhập rất khác nhau.

Vương quốc Anh

Gia đình Hoàng gia Anh.

Tên gia đình/Nhà: The Windsors

Quốc vương: Vua Charles III

Tài trợ công gần đúng: 86 - 122 triệu bảng

Hoàng gia Anh nổi tiếng nhất trong số các đại gia đình cha truyền con nối ở châu Âu và có lẽ cũng là gia đình giàu có và quyền lực nhất. Nhiều người Anh cho rằng, Quốc vương của họ chỉ nắm vai trò nghi lễ thuần túy và không có thực quyền. Tuy nhiên, một thủ tục cổ xưa được gọi là "sự đồng ý" cho phép Quốc vương, hoặc người thừa kế bí mật xem xét các luật trước khi chúng được các thành viên quốc hội phê duyệt.

Không có sự phân tích về số tiền mà các thành viên Hoàng gia Anh nhận được cho các nhiệm vụ chính thức của họ. Khoản tiền mà Quốc vương nhận được - khoản trợ cấp có chủ quyền - đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua. Người nộp thuế ở Vương quốc Anh đã chi 86,3 triệu Bảng cho chi phí của Hoàng gia Anh vào năm 2022. Trong đó, 34,5 triệu Bảng đã được chi cho việc tân trang lại Cung điện Buckingham, nằm trong chương trình trùng tu kéo dài 10 năm. Chi phí cốt lõi đối với người nộp thuế, đối với chi phí vận hành, đi lại và bảo trì các dinh thự khác của gia đình hoàng gia là 51,8 triệu bảng Anh.

Điều gây tranh cãi là tân Quốc vương Charles III và người thừa kế của ông, Thái tử William, cũng nhận được thu nhập từ hai điền trang cha truyền con nối là Duchy of Lancaster và Duchy of Cornwall mà không phải trả thuế doanh nghiệp hoặc thuế lãi vốn. Đã có một cuộc tranh luận kéo dài hàng thế kỷ về việc liệu số tiền đó (hiện tại là hơn 40 triệu bảng mỗi năm) có thực sự nên đến tay công chúng hay không. Cung điện Buckingham khẳng định, nguồn doanh thu này là "thu nhập tư nhân" nhưng một phần trong số đó cũng dành cho các nhiệm vụ công.

Từ năm 1993, Quốc vương tự nguyện đồng ý nộp thuế thu nhập, nhưng vẫn được miễn thuế thừa kế, nghĩa là cố Nữ hoàng Elizabeth II đã chuyển tài sản của mình cho Vua Charles III mà không phải khấu trừ bất kỳ khoản thuế nào vì lợi ích công.

Tây ban nha

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Vua Felipe, Hoàng hậu Letizia, Công chúa Leonor và Công chúa Sofia dịp Giáng sinh năm 2021.

Tên gia đình/Nhà: The Borbóns (hoặc Bourbons)

Quốc vương: Vua Felipe VI

Tài trợ công gần đúng: 7,4 triệu bảng

Hoàng gia Tây Ban Nha được xếp vào một trong số những gia đình bị điều tiếng nhất trên lục địa bởi những cáo buộc tham nhũng, ngoại tình và thất sủng của cựu vương Juan Carlos I, người đã thoái vị vào năm 2014 và rời khỏi đất nước.

Các cuộc điều tra về các giao dịch tài chính của ông cuối cùng đã được gác lại, các luật sư của cựu vương cũng lưu ý rằng, ông đã được xóa "bất kỳ hành vi bất hợp pháp nào dễ bị truy cứu hình sự". Tuy nhiên, vụ bê bối đã dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt tại Tây Ban Nha về gia đình hoàng gia của họ, những người năm nay sẽ nhận được 8.431.150 euro (7,4 triệu bảng Anh) từ ngân sách quốc gia.

Như một cách thể hiện một kỷ nguyên minh bạch mới, con trai của Vua Juan Carlos I, Vua Felipe VI đã công khai tài sản cá nhân trị giá 2,6 triệu euro (2,28 triệu bảng Anh) của mình. Vua Felipe VI đã từ bỏ quyền thừa kế cá nhân của mình từ cha vào năm 2020 và đưa ông ra khỏi biên chế của gia đình hoàng gia.

Từ khoản trợ cấp công, Vua Felipe nhận được 269.296 euro (gần bằng 236.214 bảng Anh) trợ cấp cá nhân hàng năm, trong khi vợ ông, Hoàng hậu Letizia, nhận được 148.105 euro (129.911 bảng Anh). Mẹ của Vua Felipe, bà Sofía, người vợ đã ly thân của Juan Carlos, nhận khoản trợ cấp hàng năm là 121.186 euro (106.299 bảng Anh). Thành viên Hoàng gia Tây Ban Nha đều trả thuế cho thu nhập của họ.

Thụy Điển

Từ trái qua phải: Vua Carl XVI Gustaf, Hoàng tử Daniel, Nữ hoàng Silvia và Công nương Victoria tham dự lễ trao giải Nobel tại Stockholm vào tháng 12/2022.

Tên gia đình/Nhà: Gia đình Bernadottes

Quốc vương: Vua Carl XVI Gustaf

Tài trợ công gần đúng: 11,5 triệu bảng

Thụy Điển là chế độ quân chủ đầu tiên thay đổi các quy tắc của mình về quyền kế vị từ nguyên trưởng nam (con trai cả) sang nguyên trưởng nam tuyệt đối (con cả). Sự thay đổi đã được quốc hội Thụy Điển thông qua vào năm 1980, dẫn đến việc Công chúa Victoria trở thành người thừa kế thay cho em trai cô là Hoàng tử Carl Philip.

Theo báo cáo thường niên của Hoàng gia Thuỵ Điển, gia đình hoàng gia đã nhận được tổng số tiền tài trợ là 147,9 triệu krona Thụy Điển (11,5 triệu bảng Anh) vào năm 2021 (số liệu mới nhất hiện có). Trong số này, 73,9 triệu krona (5,8 triệu bảng Anh) được chi trả cho các nhiệm vụ chính thức, đi lại, nhân viên và chuồng ngựa của nhà vua. Trong đó, 13,6 triệu krona (1 triệu bảng Anh) đã được phân bổ cho nhà vua và các thành viên hoàng gia có tước hiệu khác, những người thực hiện các nhiệm vụ chính thức, để trang trải các chi phí có tính chất “không chính thức có liên quan đến vị trí của hoàng gia”.

Vợ chồng Hoàng tử Carl Gustaf nhận được 8 triệu krona (625.423 bảng Anh), trong khi vợ chồng Công chúa Victoria chỉ nhận được 4,5 triệu krona (351.800 bảng Anh), còn vợ chồng Hoàng tử Carl Philip nhận được 1,1 triệu krona (85.995 bảng Anh). Năm 2019, nhà vua đã tước bỏ danh hiệu hoàng gia của 5 người cháu để giảm tổng chi phí “phụ” cho việc phục vụ hoàng gia.

Bỉ

Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde cùng các con: Công chúa Eléonore, Hoàng tử Gabriel, Công chúa Elisabeth và Hoàng tử Emmanuel tại lễ Quốc khánh năm 2022 trước Cung điện Hoàng gia ở Brussels.

Tên gia đình/Nhà: van België, de Belgique, hoặc von Belgien

Quốc vương: Vua Philippe

Tài trợ công gần đúng: 12,5 triệu bảng

Giống như Hoàng gia Anh, Hoàng gia Bỉ đã bỏ tên gọi trước đó, Saxe-Coburg-Gotha vào năm 1920 để thể hiện sự đồng tình chống Phát xít Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tên mới hiện nay của gia đình: van België (tiếng Hà Lan), de Belgique (tiếng Pháp) hoặc von Belgien (tiếng Đức) có nghĩa là “của Bỉ”.

Quốc vương Bỉ không có quyền lực trực tiếp kể từ năm 1951, mặc dù nhà vua vẫn giữ quyền “được các bộ trưởng hỏi ý kiến, khuyến khích và cảnh cáo”.

Vua Philippe (hay Filip) được cấp một danh sách dân sự hàng năm để trang trải chi phí thực hiện các nhiệm vụ chính thức. Số tiền được thiết lập khi bắt đầu mỗi triều đại. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Bỉ, Vua Philippe, người lên ngôi năm 2013, đã nhận được 12,5 triệu euro (11 triệu bảng Anh) vào năm 2021. Số tiền này được thiết lập để tăng theo chỉ số giá tiêu dùng đo lường lạm phát.

Ngoài 11 triệu bảng trả cho Vua Philippe, các thành viên khác của gia đình hoàng gia cũng nhận được “thù lao” hàng năm. Cha của Vua Philippe, Vua Albert II, người đã thoái vị vào năm 2013, nhận được 980.000 euro (862.635 bảng Anh); Con cả của Vua Albert, Công chúa Astrid, nhận được 341.000 euro (300.161 bảng Anh), nhiều hơn một chút so với em trai của bà, Hoàng tử Laurent, người nhận được 327.000 euro (287.838 bảng Anh). Em gái cùng cha khác mẹ của họ, Công chúa Delphine, người được tòa án công nhận quan hệ cha con với Vua Albert vào năm 2020, không nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào của hoàng gia. Các khoản thanh toán đều phải chịu thuế thu nhập.

Đan mạch

Nữ hoàng Margrethe II (giữa) cùng Thái tử Frederik, Công nương Mary và các con của họ: Vincent, Isabella, Josephine và Christian tại Fredensborg.

Tên gia đình/Nhà: The Glücksburgs

Quốc vương: Margrethe II

Tài trợ công gần đúng: 14 triệu bảng

Nữ hoàng Margrethe II, 82 tuổi, vị vua tại vị lâu nhất ở châu Âu, nhận được khoảng 91,1 triệu kroner mỗi năm (10,7 triệu bảng Anh) trong các khoản thanh toán theo danh sách dân sự. Chính phủ cho biết, khoản tiền này bao gồm các chi phí “liên quan đến nhân viên, hoạt động của gia đình hoàng gia, hành chính và tài sản cũng như các chi phí mang tính chất riêng tư hơn của Nữ hoàng”.

Ngoài ra, Thái tử Frederik cũng nhận được 22.434.876 kroner (2,64 triệu bảng Anh) mỗi năm, 10% trong số đó thuộc về vợ của ông. Em trai của Thái tử Frederik, Hoàng tử Joachim, người đứng thứ 6 trong danh sách kế vị ngai vàng, nhận được 3.965.400 kroner (467.045 bảng Anh) một năm. Tất cả số tiền đều được miễn thuế.

Nữ hoàng Margrethe đã tước bỏ danh hiệu hoàng gia của 4 người con của Hoàng tử Joachim là Nikolai, Felix, Henrik và Athena để thu gọn quy mô của gia đình. Cung điện cho biết, Nữ hoàng muốn “tạo ra một khuôn khổ cho bốn đứa cháu, ở một mức độ lớn hơn, để có thể định hình sự tồn tại của chính mình mà không bị giới hạn bởi những khuôn khổ và nghĩa vụ đặc biệt khi có liên kết chính thức với hoàng gia”.

Luxembourg

Từ trái qua phải: Thái tử Guillaume, Công chúa Stephanie, Nữ Công tước Maria Teresa, Đại Công tước Henri, Công chúa Alexandra, Hoàng tử Louis và Hoàng tử Gabriel bên ngoài Nhà thờ lớn Luxembourg vào tháng 6/2022.

Tên gia đình/Nhà: Grand Ducal Family of Luxembourg

Quốc vương: Đại Công tước Henri

Tài trợ công gần đúng: 16,9 triệu bảng

Gia đình Windsors của Vương quốc Anh không phải là hoàng gia duy nhất có bài phát biểu Giáng sinh. Thông điệp Giáng sinh cũng được Đại Công tước Henri của Luxembourg phát đi hàng năm.

Báo cáo ngân sách chính phủ mới nhất cho năm 2023 của Luxembourg cho thấy, các khoản thanh toán cho gia đình Hoàng gia có tổng trị giá 19.257.155 euro (16,9 triệu bảng Anh). Trong đó, 15,9 triệu euro (13,9 triệu bảng Anh) được chi cho các chi phí hàng ngày và 3,3 triệu euro (2,9 triệu bảng Anh) cho các dự án vốn, chẳng hạn như cải tạo.

Ngoài các khoản thanh toán cho chi phí nhân sự, đại công tước và người thừa kế của ông còn nhận được các khoản tài trợ cho chi tiêu cá nhân. Vào năm 2022, Đại Công tước Henri nhận được 523.103 euro (460.381 bảng Anh) và Thái tử Guilluame nhận được 217.985 euro (191.848 bảng Anh).

Từ tháng 7, luật do Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel soạn thảo sẽ quy định những thay đổi trong tương lai đối với trợ cấp cá nhân cho khu vực công. Thủ tướng Bettel cho biết, việc tập trung nguồn tài trợ của Hoàng gia sẽ mang lại sự minh bạch hơn, sau những bức xúc về sự thiếu minh bạch của ngân sách công và tư.

Na Uy

Gia đình Hoàng gia Na Uy.

Tên gia đình/Nhà: The Glücksburgs

Quốc vương: Vua Harald V

Tài trợ công gần đúng: 24 triệu bảng

Chế độ quân chủ Na Uy có từ hơn 1.000 năm trước. Vua Harald Fairhair được coi là vị vua đầu tiên của Na Uy, người đã hợp nhất một số "vương quyền nhỏ" thành một vương quốc duy nhất vào khoảng năm 885. Vị vua hiện tại thuộc Nhà Glücksburg, nắm giữ ngai vàng Na Uy từ năm 1905.

Các tài khoản hàng năm mới nhất của gia đình hoàng gia cho biết, Hoàng gia Na Uy đã nhận được 312 triệu kroner Na Uy (24 triệu bảng Anh) vào năm 2022. Không rõ số tiền được phân phối như thế nào, nhưng một báo cáo trước đó từ năm 2015 cho biết, “nhà vua, hoàng hậu, thái tử và công chúa đều nhận được một khoản trợ cấp” để trang trải cho việc “quản lý, vận hành, bảo trì và phát triển các tài sản và hộ gia đình tư nhân, cũng như phân bổ cho các chi phí cá nhân và trang phục chính thức”.

Hà Lan

Từ trái qua phải: Nữ hoàng Maxima, Công chúa Amalia, Vua Willem-Alexander, Công chúa Alexia và Công chúa Ariane tại Nhà thờ Mới ở Amsterdam vào tháng 11/2022.

Tên gia đình/Nhà: van Orange-Nassau

Quốc vương: Vua Willem-Alexander

Tài trợ công gần đúng: 44,2 triệu bảng

Hoàng gia Hà Lan nằm trong số các chế độ quân chủ được miễn nộp thuế thu nhập. Năm nay, Thủ tướng Mark Rutte đã bác bỏ yêu cầu của phe đối lập về việc hủy bỏ quyền miễn trừ. Chính phủ của ông đề xuất ngân sách Hoàng gia hàng năm là 50,2 triệu euro (44,2 triệu bảng Anh) cho năm 2023.

Số tiền đó bao gồm 1.035.000 euro (911.162 bảng Anh) cho Vua Willem-Alexander và 5,37 triệu euro (4,7 triệu bảng Anh) nữa để trả cho nhân viên của ông và các chi phí khác. Hoàng hậu Máxima nhận được 411.000 € (361.823 bảng Anh) và thêm 700.000 € (616.245 bảng Anh) cho nhân viên và chi phí. Mẹ của nhà vua, cựu Nữ hoàng Beatrix, người đã thoái vị vào năm 2013, nhận được 1,73 triệu euro (1,52 triệu bảng Anh).

Công chúa Amalia, người thừa kế ngai vàng được cấp 1,72 triệu euro (1,51 triệu bảng Anh), trong đó 307.000 euro (270.235 bảng Anh) là tiền lương và phần còn lại dành cho nhân viên và chi phí. Tuy nhiên, công chúa đã từ bỏ quyền nhận khoản trợ cấp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu nhập của các gia đình hoàng gia châu Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO