Thu tài sản tham nhũng: Cần những biện pháp mạnh mẽ

Lục Bình 25/09/2015 08:50

Ngày 24/9, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện các qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng”. Nhiều ý kiến đề xuất, phải xây dựng một chương riêng trong Bộ luật TTHS về tịch thu tài sản và quy định cụ thể để yêu cầu người phạm tội phải giải trình nguồn gốc tài sản, kịp thời thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.  

Thu tài sản tham nhũng: Cần những biện pháp mạnh mẽ

Phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt

Hiện Bộ luật TTHS đang thiếu các biện pháp quản lý tài sản của người tham nhũng ngay từ đầu quá trình giải quyết vụ án nên hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng không cao. Thậm chí có nhiều người bị kết án trong các vụ án tham nhũng không hề bồi thường được đồng nào cho Nhà nước.

Từ thực trạng này, Bộ luật TTHS đã sửa theo hướng: Thu hồi tài sản tham nhũng là mục đích lớn nhất trong chính sách hình sự xử lý tội phạm tham nhũng, để tránh thất thoát tài sản rất lớn này.

Đưa ra giải pháp đảm bảo thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả, TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Bộ luật TTHS cần có một chương về tịch thu tài sản và qui định về việc yêu cầu người phạm tội giải trình về nguồn gốc tài sản và tịch thu tài sản để kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng.

Cùng với đó, nhiều ý kiến đồng tình cần chỉnh lý qui định về các biện pháp cưỡng chế trong Dự thảo Bộ luật TTHS, đặc biệt mở rộng phạm vi tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp kê khai.

Theo nhiều chuyên gia tại Hội thảo, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là cần thiết để hạn chế việc tẩu tán tài sản, tăng cường khả năng thu hồi, bồi thường hoặc tăng khả năng áp dụng các hình phạt như phạt tiền, tịch thu tài sản. Ngoài ra, cần có các biện pháp hợp tác quốc tế để xử lý tội phạm tham nhũng, nhất là thu hồi tài sản tham nhũng vì tội phạm tham nhũng đã “vượt ra ngoài biên giới quốc gia” như vụ Giang Kim Đạt là một ví dụ.

Đừng để dân chán không tố cáo tham nhũng

Khảo sát PAPI 2014 cho thấy, trong số 389 người được hỏi khi bị cán bộ vòi vĩnh đưa hối lộ thì chỉ 3% tố cáo hành vi. Các nguyên nhân khiến 97% người dân không tố cáo được PAPI chỉ ra là, không biết tố cáo như thế nào, sợ bị trù úm. Trong khi đó tố cáo lại quá rườm rà, hơn nữa tố cáo không có lợi cho người tố cáo, thậm chí họ còn mang vạ vào thân.

PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao còn phản ánh, quá trình xử lý tin báo, tố giác tội phạm thiếu chặt chẽ, có khi để tin bị “thối” mà không ai phải chịu trách nhiệm cũng khiến người dân thờ ơ với tố cáo tham nhũng.

Thống kê cho thấy những vụ việc tham nhũng được xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự trong giai đoạn 2009-2013 có chiều hướng giảm dần, thể hiện xu hướng tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, bà Sarah Dix – Chuyên gia UNDP lại nghi ngại đó là do việc tố giác, phát hiện và hiệu quả thực thi pháp luật trong phòng chống tham nhũng giảm sút?

Theo PGS.TS Trần Văn Độ cần hạn chế đến mức thấp nhất thủ tục hành chính trong xử lý hành vi có dấu hiệu tham nhũng, tăng cường, mở rộng các biện pháp TTHS. Đặc biệt, cần mở rộng phương thức chủ động, tích cực bảo vệ nạn nhân, chuyên gia hoặc nhân chứng trong các vụ án hình sự nói chung và án tham nhũng nói riêng để không vì sợ “chưa được vạ thì má đã sưng” mà nhiều người không tố giác tội phạm tham nhũng, hay “ngại” hợp tác trong quá trình xử lý.

Tránh lạm dụng biện pháp điều tra đặc biệt

Xuất phát từ tầm quan trọng trong TTHS, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức hoặc vụ án tham nhũng, với nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, một số chuyên gia cũng kiến nghị, cần qui định chặt chẽ hơn về việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên “không nên qui định áp dụng các biện pháp này là đương nhiên mà phải cân nhắc tùy vào tính chất, mức độ và các tình tiết thực tế trong từng giai đoạn tiến hành tố tụng…” – TS Nguyễn Tuấn Anh lưu ý.

Hiện Dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) cho áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt (ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử) từ giai đoạn khởi tố vụ án.

Dù tán thành về các biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật TTHS để xử lý tội phạm tham nhũng nhưng bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp còn băn khoăn “vấn đề là những biện pháp nào và thẩm quyền áp dụng như thế nào để tránh áp dụng tràn lan, vi phạm quyền công dân, nhất là bí mật đời tư, nên cần qui định rất chặt chẽ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu tài sản tham nhũng: Cần những biện pháp mạnh mẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO