Thứ trưởng Bộ GDĐT: 'Tăng học phí đại học không có nghĩa giảm công bằng xã hội'

Nguyễn Hoài 05/08/2022 15:37

Một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hiện nay là vấn đề học phí đại học. Nếu so với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao gấp vài lần so với các trường chưa tự chủ.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, quá trình thực hiện chủ trương tự chủ, các trường đại học đã có nhiều kết quả nhất định. Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: 20,8% với giảng viên và 18,7% với cán bộ quản lý.

Hiện cả nước có 5 trường đại học có doanh thu cao nhất, trên 1.000 tỷ đồng/năm, trong đó có 2 đơn vị là trường công lập tự chủ từ sớm là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Ba trường còn lại đều là trường tư thục.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn những khó khăn, bất cập chưa thể tháo gỡ.

Một trong vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hiện nay là vấn đề học phí đại học. Nếu so với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao ít nhất gấp 2 lần các trường chưa tự chủ.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã có cuộc trao đổi về những tác động lớn của quá trình thực hiện tự chủ đại học.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT.

PV:Đến thời điểm này, có thể khẳng định, thành công lớn nhất của việc thực hiện tự chủ đại học trong những năm qua là gì, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Thành công lớn nhất của việc tự chủ đại học là thay đổi tư duy, nhận thức và hành động. Nhất là trong việc quản trị đại học. Từ tư duy, cách thức quản lý Nhà nước tới việc quản lý, quản trị nhà trường, phân bổ nguồn lực, cũng như phát huy các nguồn lực. Đặc biệt là thay đổi cách nghĩ, cách cung cấp các dịch vụ đào tạo tới người học.

Đó là những thay đổi rất quan trọng. Từ những thay đổi đó dẫn tới các trường thu hút nguồn lực tốt hơn, có năng lực cạnh tranh tốt hơn trong hệ thống, và quan trọng nhất là cung cấp chất lượng đào tạo tốt hơn cho người học, cũng như cung cấp những sản phẩm, kết quả nghiên cứu phục vụ cộng đồng.

Quá trình thực hiện tự chủ, nhiều trường đại học cho biết gặp khá nhiều vướng mắc. Theo ông những vướng mắc đó là gì?

- Vướng mắc thứ nhất đó là việc chậm trễ triển khai điều kiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học như việc thành lập hội đồng trường, kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý, cũng như việc tiến hành kiểm định cơ sở giáo dục đại học, xây dựng hệ thống văn bản, quy chế nội bộ để thực hiện những điều kiện trong Luật Giáo dục Đại học.

Những chậm trễ và vướng mắc này một phần là do nhận thức và năng lực quản trị đại học. Bên cạnh đó, là sự thiếu quan tâm của những cơ quan quản lý trực tiếp để chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học thực hiện đúng quy định.

Vướng mắc thứ hai đó là các cơ sở giáo dục đại học còn thiếu thốn về điều kiện, cơ sở vật chất cũng như năng lực tài chính còn yếu. Đối với những ngành đào tạo đặc thù hoặc đào tạo trình độ cao như Tiến sĩ thì số lượng tuyển sinh và đào tạo có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong những lĩnh vực chủ chốt để phát triển đất nước trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế cũng như giáo dục đào tạo.

Trong khi đó, cơ cấu về tài chính của các trường phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu học phí. Cũng như ngân sách Nhà nước cấp cho lĩnh vực giáo dục đại học thấp hơn nhiều lần so với trung bình của các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, kinh phí chi thường xuyên cho các trường đại học cũng bị cắt giảm hàng năm theo lộ trình để các trường tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Điều này càng gây khó khăn cho các trường trong việc xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao cũng như thúc đẩy nghiên cứu để phục vụ cộng đồng.

Hiện nay, chúng tôi thấy rằng đối với những trường có kinh nghiệm tự chủ đều đang vận hành rất tốt. Tuy nhiên, đây chính là nơi mà Nhà nước cần đầu tư, bởi đầu tư cho giáo dục đại học mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho trước mắt mà còn cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều ý kiến quan niệm tự chủ đại học là các trường tự túc tài chính và Nhà nước cắt ngân sách. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Quan niệm tự chủ đại học tức là chỉ tự chủ tài chính và tự chủ tài chính không có nghĩa các trường tự túc và Nhà nước cắt ngân sách. Nhận thức đó trong thời gian qua vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi nhưng điều đó hoàn toàn không đúng.

Mục tiêu của tự chủ đại học là phát huy được nội lực, sức mạnh của hệ thống cũng như phát huy sức mạnh của các đơn vị trong trường tới các cái đội ngũ giảng viên để làm sao tới mục tiêu cuối cùng là thu hút được thêm nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo.

Và khi các cơ sở giáo dục đại học sử dụng nguồn lực của Nhà nước hay của xã hội tốt hơn, hiệu quả hơn thì chính là cái cần đầu tư nhiều hơn. Khác với tư duy nơi nào làm tốt thì không cần phải cấp ngân sách, nơi nào cần hỗ trợ thì cấp ngân sách. Câu chuyện không phải các trường cần xin ngân sách hay cần hỗ trợ ngân sách mà chúng ta cần coi các cơ sở giáo dục đại học là nơi tốt nhất để Nhà nước đầu tư, cũng như người học lựa chọn để đầu tư cho tương lai đất nước.

Vì vậy, quan niệm khi các trường có khả năng bảo đảm về phần kinh phí hay toàn bộ chi phí thường xuyên mà Nhà nước không cấp ngân sách nữa là một việc không đúng. Luật Giáo dục Đại học năm 2018 đã quy định rất rõ, Nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách chứ không giảm vai trò trong việc cấp ngân sách đầu tư vào trường đại học.

Tuy nhiên cơ chế, chính sách được quy định trong Luật Giáo dục Đại học là đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người học cho đến nay thực hiện còn yếu. Trừ lĩnh vực đào tạo giáo viên thì đã có Nghị định 116 và Nhà nước giao nhiệm vụ để các cơ sở GDĐT thực hiện, nhưng đối với rất nhiều ngành đào tạo khác, cùng với những đào tạo trình độ sau đại học, Tiến sĩ rất ít, trừ đề án 89 - đào tạo nguồn giảng viên cho các trường Đại học. Đấy là vấn đề vướng mắc lớn nhất trong thực hiện tự chủ hiện nay.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022.

Một trong vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hiện nay là vấn đề học phí đại học. Nếu so với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao ít nhất gấp 2 lần các trường chưa tự chủ. Ông đánh giá thế nào về việc tăng học phí, thưa ông?

- Hiện nay việc tổng chi, xuất chi cho một sinh viên đại học nước ta còn rất thấp so với thế giới, kể cả khi tính theo tỷ lệ GDP. Như vậy muốn nâng cao chất lượng đào tạo bắt buộc chúng ta phải tăng suất đầu tư, suất kinh phí trên sinh viên.

Đó là phục vụ việc mở rộng, tăng cường cơ sở vật chất để có thể thu hút được đội ngũ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên giỏi hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Kinh phí đào tạo chủ yếu từ hai nguồn, một là từ ngân sách Nhà nước, hai là từ đóng góp phần còn lại, có thể là do doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp. Như vậy chúng ta phải tính tới bài toán, một là bắt buộc tăng kinh phí chi giáo dục đại học, nếu không tăng thì không có khả năng cạnh tranh với quốc tế.

Thực tế các chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới với mức học phí cao gấp hàng chục lần so với các trường đại học tại Việt Nam. Nếu Nhà nước tăng ngân sách cho đại học thì sẽ giảm một phần gánh nặng cho người học, và chúng ta có những chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Người học và gia đình, xã hội cần phải nhận thức được rằng chúng ta đầu tư cho giáo dục đại học để được hưởng lợi sau này.

Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người học, đặc biệt thông qua cơ chế tín dụng. Điều đáng mừng là Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ đồng ý tăng mức tín dụng cho sinh viên, tuy nhiên là phạm vi đối tượng chưa được mở rộng đáng kể.

Tôi cho rằng một chính sách rất quan trọng là cần mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để sinh viên không cần phải lo lắng về việc mình có được hưởng không, đó chính là công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội mà cần nhìn quan điểm ngược lại. Các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ cho những sinh viên nghèo thì cần phải có kinh phí hỗ trợ, và việc tăng học phí mới giúp có điều kiện hỗ trợ cho những sinh viên khó khăn.

Nếu chúng ta giữ học phí thấp sẽ làm giảm chất lượng đào tạo và các trường sẽ không có điều kiện để hỗ trợ các em sinh viên nghèo. Đấy là một quan niệm chúng ta cần thay đổi.

Tôi nhấn mạnh rằng đầu tư cho đại học là đầu tư cho tương lai. Vì vậy Nhà nước, gia đình và xã hội cùng phải đầu tư để chúng ta có lợi ích chung và riêng, và giúp tăng công bằng cho xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thứ trưởng Bộ GDĐT: 'Tăng học phí đại học không có nghĩa giảm công bằng xã hội'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO