Hội thảo về “Tự chủ đại học (ĐH) và xây dựng mô hình ĐH thông minh - Từ lý luận đến thực tiễn” vừa được Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo các chuyên gia, tự chủ ĐH, đặc biệt là tự chủ đi kèm chuyển đổi số đang trở thành một xu thế và mang tính cấp thiết.
Xu thế tất yếu
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, tự chủ là xu thế tất yếu để thúc đẩy phát triển giáo dục ĐH, là hướng đi phù hợp để mở ra cơ hội phát triển về chiều sâu của giáo dục và đào tạo bậc ĐH. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện tự chủ ĐH, tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn nhiều rào cản và thách thức cần giải quyết.
Theo PGS.TS Trần Mai Ước (ĐH Ngân hàng TPHCM) tự chủ về tài chính không có nghĩa là các trường phải tự lo về tài chính. Nhà nước vẫn có trách nhiệm đầu tư tài chính cho các trường công nhưng tăng cường quyền tự quyết của trường về tài chính trên cơ sở những quy định khung.
Về bản chất, đó là sự chủ động về việc đảm bảo các nguồn lực bên trong phục vụ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường.
Ông Ước cho rằng, mục tiêu của tự chủ tài chính (hay khoán tài chính) là nhằm thực hiên việc quản lý các trường ĐH tốt hơn cơ chế quản lý trước đây. Mặt khác, việc đảm bảo các nguyên tắc khoản mục chi tiêu phải được công khai hóa, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học, chi tiêu tiết kiệm, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của trường.
Với những sự chủ động như vậy, các trường ĐH vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong lâu dài vừa thúc đẩy sự cạnh tranh năng động và lành mạnh trong toàn bộ hệ thống nhằm nâng cao sự đóng góp của hệ thống giáo dục ĐH tới sự phát triển của quốc gia đặc biệt là sự phát triển trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu.
Xây dựng mô hình đại học thông minh
Một trong những vấn đề được tập trung thảo luận là việc xây dựng mô hình ĐH thông minh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời đáp ứng yêu cầu giáo dục và đào tạo trong xu thế hội nhập.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống. Tất cả mọi hoạt động đào tạo đều phải đưa lên mạng. Thực hiện chuyển đổi số cũng là để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủ Dầu Một phân tích, giáo dục thông minh giúp thay đổi cách tiếp cận đối với mô hình ĐH theo hướng nhà trường không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Không gian “nhà trường” không còn giới hạn trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà được mở rộng kết hợp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Ông Hiệp nhận định, mô hình giáo dục thông minh 4.0 cũng góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên; tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa giáo dục ĐH với sản xuất; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương…
Đồng thời, giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi luc, mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa và hoàn toàn chủ động quyết định nội dung, phương thức học tập theo nhu cầu của bản thân. Do vậy, tự chủ ĐH, đặc biệt là tự chủ đối với các trường ĐH địa phương hiện nay, với tính cập nhật của xu hướng giáo dục thông minh, xây dựng mô hình ĐH thông minh là cấp thiết.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng “hệ sinh thái giáo dục thông minh” trên nền tảng công nghệ số ở Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, TS Đỗ Hồng Cường - Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: Đây chính là việc mở rộng môi trường học tập cổ điển theo trường lớp ra môi trường rộng lớn hơn với tập hợp các hệ thống lý luận, phương pháp học tập, triển khai học tập nhờ sự kết nối với internet.
Đặc điểm mô hình này là công tác giáo dục tương tác chủ yếu trực tuyến thông qua công nghệ mạng, công nghệ đa phương tiện và kỹ thuật truyền thông.
Những yêu cầu đặt ra với tự chủ giáo dục ĐH cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định trong năm học 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục đào tạo tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH. Nhà trường rà soát và thực hiện số hóa thông tin, quản lý theo chuẩn dữ liệu của cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH; ban hành quy định quản lý, xây dựng, sử dụng cơ sở dữ liệu...
Hơn nữa, trong điều kiện tuyển sinh, dạy và học, thi, bảo vệ khóa luận trực tuyến giờ đây không còn là giải pháp tình thế, việc phát triển mô hình tự chủ ĐH cũng đi kèm yêu cầu đảm bảo về chất lượng công nghệ số song hành.
Tại Hội nghị về giáo dục đại học năm học 2021 - 2022, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho hay, định hướng năm học 2021 - 2022, giáo dục đại học sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ; khẩn trương rà soát, cập nhật các quy định liên quan để xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của trường; đề án vị trí việc làm; quy định đào tạo các trình độ giáo dục đại học; quy định về nghiên cứu khoa học; quy định về bảo đảm chất lượng bên trong… Đồng thời, thành lập hội đồng trường theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; khẩn trương kiện toàn hiệu trưởng, ban giám hiệu và các chức vụ quản lý khác trong nhà trường (với các trường đã thành lập hội đồng trường); tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP.