Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

H.Vũ 12/12/2021 00:13

Ngày 11/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số năm 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Nếu được “gọi tên” rõ ràng, phần khó nhất được giải quyết

Tại Diễn đàn, các ý kiến đã tập trung bàn về các giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời phân tích nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là việc vĩ đại. Sẽ có những con người vĩ đại và doanh nghiệp vĩ đại được sinh ra trong thời cuộc này. Những việc dù có khó mấy, nhưng nếu được “gọi tên” một cách rõ ràng và được giao cho một đơn vị cụ thể thì có lẽ phần khó nhất đã được giải quyết. Trong thời đại công nghệ thời nay, nếu bài toán được gọi đúng tên, tường minh và kèm theo quy mô thị trường của bài toán là đủ lớn thì ngoài kia sẽ có người, có doanh nghiệp giải được.

“Chúng ta có niềm tin vào sự sáng tạo của doanh nghiệp vì phía sau mỗi doanh nghiệp là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số Việt Nam” - ông Hùng bày tỏ, đồng thời cho rằng, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp số năng động, chỉ cần thêm một “cú huých” là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cũng cho rằng, hạ tầng viễn thông công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên ông Dũng nhìn nhận nếu Việt Nam tiếp diễn tình trạng đi mua của nước ngoài sẽ không làm chủ được công nghệ và không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Vì thế Viettel thực hiện chiến lược Make in Vietnam, tự nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông và hạ tầng số.

Từ đó, ông Dũng đề xuất Chính phủ sử dụng quỹ Phát triển khoa học công nghệ theo hướng tăng tính chủ động, đồng thời, có các chính sách đặc thù để tận dụng thị trường nội địa.

Chuyển đổi số không thể không làm

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Qua thúc đẩy chuyển đổi số thì các doanh nghiệp, người dân, các bộ, ngành đã vào cuộc tích cực, tạo nhiều sản phẩm thiết thực với cuộc sống, phù hợp với tình hình và yêu cầu đòi hỏi sự phát triển của đất nước, làm lợi cho người dân, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, góp phần làm ấm no hạnh phúc của người dân tốt hơn, góp phần quan trọng làm cho đất nước ta ngày càng hùng cường và vững mạnh, thịnh vượng”.

Theo Thủ tướng, sang năm các sản phẩm số lượng phải nhiều hơn, chất lượng cao hơn, người dân phải được lợi hơn so với năm 2021. Đó là thách thức lớn trong điều kiện hiện nay. Nếu năm 2022 không làm được năm 2021 thì hội nghị hôm nay có hoành tráng đến mấy cũng không vui, không xứng đáng với sự mong mỏi của nhân dân.

“Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, đã là khách quan thì phải làm, không thể không làm, không làm thì không thể phát triển. Nếu làm được thì sẽ phục vụ cho sự phát triển chung cho đất nước, con người và nhân dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số là xu thế của toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Cho nên chuyển đổi số phải đặt trong tổng thể chuyển đổi của toàn cầu, do đó phải có cách tiếp cận toàn cầu, không thể một mình, và chạy một mình” - Thủ tướng nêu rõ.

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi”. Bên cạnh tiếp cận toàn cầu thì chuyển đổi số phải phục vụ cho toàn dân. Chuyển đổi số ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, phát triển và giải quyết tâm tư tình cảm, kể cả bức xúc của người dân.

Do đó chuyển đổi số phải tiếp cận toàn dân. Nghĩa là lấy người dân, doanh nghiệp phải là trung tâm, phải là chủ thể, phải là mục tiêu, phải là động lực cho chuyển đổi số.

Thủ tướng yêu cầu: Mọi chính sách phải hướng về người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số một cách tích cực và hiệu quả nhất, hợp lý nhất. Hài hòa lợi ích giữa nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước, và nó chia sẻ rủi ro nếu như có thất bại.

Tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2021 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.

Triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tiêu biểu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO