Thuận và không thuận

Trần Hữu Thăng 25/11/2021 10:00

Nhà triết học cổ đại thiên tài Horace (Năm 65 – năm 8 trước Công nguyên) đã định nghĩa: “Nghịch cảnh làm phát lộ thiên tài, sự đầy đủ thừa thãi làm chìm lắng thiên tài”.

Nhóm bạn già U90 và U80 gặp nhau, đề tài thảo luận hôm nay là về “Những điều thuận và những điều không thuận (còn gọi là Nghịch cảnh)” mà mỗi người đã gặp trong suốt cuộc đời của mình và của những người mà mình thân quen. Ý kiến tranh luận không ngờ trở nên rất sôi nổi, rôm rả, phong phú, súc tích với nhiều thí dụ có thật, nhiều chuyện đời thực mà nhóm trí thức có tuổi này đã trải qua.

Một vị nhận xét: Đến tuổi này rồi, chúng ta đâu còn cần phải nhìn vào mắt ai mà nói nữa đâu nên tôi cho rằng chúng ta đã hiểu rõ về vấn đề này chính xác đến 90%.

Một vị khác vội xua tay: Ấy chết, sao lại chủ quan thế, sao lại thiếu khiêm tốn thế. Theo tôi, sự hiểu biết của chúng ta chỉ đạt 60% - 70% thôi.

Ông giáo sư chuyên viết Tổng kết, “mới có” 82 tuổi làm thư ký buổi tọa đàm đề nghị mọi người nên tập trung thảo luận về đề tài chính của buổi “Hội thảo” thú vị và bổ ích này. Bài viết dưới đây ghi lại nội dung của buổi “Hội thảo” này một cách gọn lại cho dễ hiểu.

Theo Từ điển tiếng Việt, thì: “Nghịch là: 1/ Không thuận, ngược với thuận. Thí dụ: Chuyển động theo chiều nghịch. Phản ứng nghịch. Tỷ lệ nghịch. Năm nay thời tiết nghịch. 2/ Điều có vẻ ngược với logic thông thường nhưng vẫn đúng hoặc khó bác bỏ”. “Nghịch cảnh là: Cảnh ngộ éo le, trắc trở. Thí dụ: Gia đình gặp phải nghịch cảnh”.

Nhà triết học cổ đại thiên tài Horace (Năm 65 – năm 8 trước Công nguyên) đã định nghĩa: “Nghịch cảnh làm phát lộ thiên tài, sự đầy đủ thừa thãi làm chìm lắng thiên tài”. Hàng mấy ngàn năm đã trôi qua, với độ lùi lớn của lịch sử, loài người đã chứng minh nhận xét của Horace là đúng đắn. Cũng đã có nhiều ý kiến tranh luận, phản biện, song đa số các ý kiến vẫn ca ngợi những ai biết vượt qua nghịch cảnh, biết tận dụng nghịch cảnh để vươn lên, để tạo những hoàn cảnh mới cho mình.

Những thiên tài khoa học, có nhiều người được giải thưởng Nobel, phần lớn xuất thân con nhà nghèo hoặc ở trong những hoàn cảnh gia đình hoặc môi trường xã hội không mấy thuận lợi, nhưng những thiên tài này từ bé đã nung nấu một ý chí kiên cường, chịu đựng đủ mọi gian khổ, vượt qua mọi nghịch cảnh để hoàn thiện bản thân và có những đóng góp lớn cho xã hội. Trái lại, nhiều người được sinh ra ở những gia đình giàu có, thừa thãi của cải vật chất nên khi đi học cũng chẳng cần cố gắng vì họ biết thế nào cũng đỗ, thế nào cũng có vị trí cao trong xã hội. Thực chất những con người này chỉ là vật cản của một xã hội văn minh tiến bộ. Có người đã nêu ra công thức của Thành công là:

Thành công = 90% cố gắng nỗ lực + 10% may mắn. Một lần nữa càng chứng minh chỉ có cố gắng nỗ lực mới vượt qua được nghịch cảnh, vượt qua được khó khăn để vươn lên, để phấn đấu, để thành đạt.

Đi sâu vào cơ chế của việc giáo dục, việc đào tạo ra những nhân tài, nhà triết học Benjamin Disraeli (1804 – 1881) đã khẳng định: “Không có sự giáo dục nào quý giá bằng nghịch cảnh”. Trong lịch sử loài người đã có nhiều bậc vua chúa, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều tỷ phú muốn giáo dục con cái của họ không ỉ lại, không dựa dẫm vào thế lực, vào tiền bạc của cha mẹ để tránh hư hỏng, tránh sự hủy hoại tuổi thanh thiếu niên bằng cách cho con gia nhập quân đội hoặc tham gia lao động sản xuất ở những nơi khó khăn gian khổ. Vì chính những nơi khó khăn, đầy “nghịch cảnh” ấy sẽ đào tạo những người con của họ nên người, trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia, những nhà phát minh, những chủ doanh nghiệp lớn trong tương lai với đầy đủ kinh nghiệm. Như thế mới có tương lai bền vững. Đến đây, qua thực tế, có thể kết luận rằng:

Nghịch cảnh có 2 khả năng: 1/ Thất bại: 50%. 2/ Môi trường rèn luyện con người thành công: 50%.

50% thất bại dành cho những ai yếu đuối, ỷ lại, ăn bám, sống phải dựa vào người khác.

50% thành công dành cho những ai can đảm, mạnh mẽ, vượt qua chính mình, hòa nhập được, thích nghi được với nghịch cảnh.

Triết gia William Hazlitt (1778 – 1830) cũng thống nhất với Disraeli khi ông viết: “Sự đầy đủ, thịnh vượng là một ông thầy lớn, nhưng nghịch cảnh mới là bậc thầy vĩ đại hơn”.

Sở dĩ các Viện Hàn lâm trên thế giới đưa tên ông Horace, ông Disraeli, ông Hazlitt vào các Từ điển danh nhân vì các ông đã có cách nhìn khác, góc nhìn khác về Nghịch cảnh. Nghịch cảnh đối với đa số con người là khiếp sợ, là khủng hoảng, là thất bại. Chỉ có một số ít người, biết tuân theo lời dạy của các bậc hiền triết mới tìm ra cái mạnh mẽ, cái ưu điểm, cái lợi thế của nghịch cảnh mà tận dụng nó, sử dụng nó, biến nó thành ra kết quả dương tính, tốt đẹp, tiến bộ.

Trong truyền thuyết của nước ta, tấm gương của Mai An Tiêm vì bị đầy đến đảo hoang mà đã để lại cho đời những giống dưa hấu ngon ngọt, có giá trị dinh dưỡng và giải khát cho biết bao thế hệ con người. Ông Lômônôxốp bên nước Nga xa xôi là con một người đánh cá nghèo khổ, nhờ vượt qua nghịch cảnh đã để lại cho đời những Định luật Vật lý, Hóa học soi sáng đến tận ngày hôm nay và vẫn là câu chuyện thời sự trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Còn biết bao tấm gương khác từ Cổ chí Kim, từ Đông sang Tây đã chứng minh cho sức mạnh của những con người biết vượt qua nghịch cảnh để chiến thắng, để mưu cầu hạnh phúc.

Trở lại với đầu đề “Thuận và không thuận”: Tất cả những điều đã viết ở trên là những ý chính, những triết lý quan trọng nói về nghịch cảnh và cách sử dụng, tận dụng nghịch cảnh trên bước đường đời.

Đến đầu thế kỷ thứ XX người ta lại phát hiện ra tác dụng mới của chiếc chìa khóa vàng nghịch cảnh. Đó là sử dụng nghịch cảnh trong tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học tội phạm sử dụng trong Pháp Y (Forensic Medicine) hết sức có hiệu quả.

Ứng dụng nghịch cảnh trong tâm lý học về lý thuyết rất khó hiểu, rất khó làm, rất khó áp dụng, nhưng may mắn thay, nhà bác học Clément Colton (1853 – 1939) đã cho ta một phương pháp luận đơn giản sau đây: “Sự thành công chắc chắn chỉ cho ta thấy một mặt của cuộc đời, nhưng nghịch cảnh sẽ giúp ta nhìn thấy rõ mặt trái kia”. Đây là một ý tưởng triết học mang màu sắc tâm lý phản biện (Critical Psychology) rất khó hiểu, rất khó diễn tả, nhưng nếu dùng quen thì nó cũng như sử dụng Tư duy phản biện (Critical thinking). Một vài thí dụ trong đời thường sau đây có thể minh họa cho câu danh ngôn của Colton được phần nào.

Thí dụ 1: Ca dao Việt Nam ta có câu: “Khi vui thì vỗ tay vào/ Đến khi hoạn nạn, thì nào thấy ai”. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có câu thơ mà ai cũng nên thuộc là: “Còn bạc còn tiền, còn đệ tử/ Hết tiền hết gạo hết ông tôi”.

Qua hai câu thơ lục bát này đã dạy ta phương pháp thử thách tình bạn bè, tình thầy trò. Một cái test rất đơn giản là: Báo tin cho bạn, cho học trò những khó khăn, hoạn nạn mà ta gặp phải. Kết quả thu được: 90% số người nhận được tin báo sẽ lẩn tránh (hoặc không trả lời điện thoại, hoặc giả vờ đang đi công tác xa, hoặc đang ốm đau ...). Chỉ có 10% bạn tốt, học trò tốt mới đến thăm hỏi, giúp đỡ ta mà thôi.

Thí dụ 2: Tạo ra nghịch cảnh để thử lòng người. Kinh điển nhất là câu chuyện của nhà viết kịch vĩ đại Pháp, ông Molière như sau: Có một ông nhà giầu muốn thử lòng người vợ kế và cô con gái để quyết định viết di chúc để lại tài sản cho xứng đáng. Ông bèn bàn bạc kế hoạch với bác sĩ và luật sư là ông giả vờ chết đột tử. Cô con gái gào khóc không thiết gì đến tài sản thừa kế. Còn người vợ kế vui mừng ra mặt, mặc kệ ông nằm chết bà lục lọi chìa khóa để đi tìm vàng bạc, châu báu. Lúc cô vợ thò tay nắn túi ông để tìm chùm chìa khóa, ông nhà giầu nắm chặt tay người đàn bà bất nghĩa và khóc vì hối hận đã đối xử không tốt với cô con gái ruột đã hết lòng yêu quý mình. Như thế, nhờ có màn kịch nghịch cảnh, ông nhà giầu đã phân biệt được tốt, xấu, lương thiện hay độc ác.

Trong công tác pháp y, để tìm ra thủ phạm, người ta đã dùng đến “Màn kịch nghịch cảnh” để giăng bẫy, đánh lừa bọn tội phạm, bọn xã hội đen.

Như vậy, “nghịch cảnh” là một bức tranh đời sinh động, phong phú. Nó giúp con người trưởng thành trong nhiều giai đoạn của cuộc đời.

Năm 2020 và 2021 vừa qua nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam ta, đã trải qua những ngày tháng gian khổ chiến đấu chống lại “giặc” Covid-19. Trong những ngày tháng gian nan khổ cực có cả mất mát sinh mạng đó đã có nhiều nghịch cảnh xảy ra, có nhiều cảnh không thuận xảy ra. Đúng như ông bà ta đã dạy: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, từ những ngày tháng chống chọi với Covid-19, nhiều tấm gương anh hùng của những cán bộ y tế, những cán bộ chiến sĩ quân đội và công an đã không quản hy sinh, gian khổ để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Từ tháng 10/2021 cả nước đã bước sang một thời kỳ mới: Vừa đồng lòng chống dịch vừa khôi phục kinh doanh, sản xuất, khôi phục đời sống sinh hoạt bình thường của người dân. Với một góc nhìn nào đó, có thể nói: Chính những ngày chống dịch đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh tận tụy, rất cần cho công tác tổ chức cán bộ phát hiện và bồi dưỡng nhân tài sau này.

Như thế cũng có thể nói: Trong cái “không thuận”, chúng ta vẫn tìm được và vun đắp cho cái “thuận” trong tương lai lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuận và không thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO