Thương mại điện tử xuyên biên giới: Đòn bẩy để doanh nghiệp phục hồi

H.Hương 11/03/2023 07:00

Chính phủ đã đặt ra yêu cầu về khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, trong đó thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đã tận dụng kênh này để xuất khẩu.

Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp loại bỏ khâu trung gian, giảm chi phí.

Doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, nhất là với việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gia tăng năng lực xuất khẩu và tìm kiếm đối tác.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco) cho hay, DN đang xuất khẩu cà phê đến hơn 70 thị trường trên thế giới. Ngay từ tháng đầu năm 2023, lượng đơn hàng đã tăng trưởng 20% so với năm trước. Vì thế, ông Huy kỳ vọng kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 15% so với năm 2022 trong tầm tay.

Để đạt được kết quả trên, theo ông Huy, cùng với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, DN đã tích cực chuyển đổi số và đẩy mạnh hoạt động trên TMĐT xuyên biên giới. Từ năm 2021, Simexco đã tăng lượng bán hàng và giao dịch trên các sàn TMĐT lớn thế giới như Amazon, Alibaba… giúp nâng cao tỷ suất lợi nhuận, thương hiệu cà phê của DN cũng được lan tỏa. Ông Huy còn tiết lộ, hiện công ty có gian hàng trên Amazon bán hàng cho thị trường Mỹ với số lượng đơn hàng rất khả quan.

Đại diện Công ty TNHH Trà Ngọc Thanh Sơn cho biết, với các DN nhỏ và vừa, nhất là với các DN mới thành lập, nhờ TMĐT xuyên biên giới, các sản phẩm của DN đã được biết đến nhiều hơn, đạt được hiệu quả hơn so với việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tham dự các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Không chỉ hỗ trợ cho DN xuất khẩu hàng hoá, nhiều DN còn tận dụng được TMĐT xuyên biên giới tìm kiếm đối tác, đồng thời có thể trực tiếp tìm hiểu nhu cầu thị trường, cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ.

Hướng đi hữu hiệu

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà kênh xuất khẩu truyền thống còn đang gặp khó khăn thì việc DN ứng dụng TMĐT để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua TMĐT xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp. Song, để có thể triển khai được TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Cụ thể, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng như các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là phải có sự tham gia chủ động của các DN, trực tiếp là những DN sản xuất hàng hóa. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã chủ động những chương trình hợp tác với các đối tác là các sàn TMĐT lớn, uy tín trên thế giới để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nước ngoài.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để bán hàng thành công trên các sàn TMĐT quốc tế, các DN Việt cần chú ý về mặt mẫu mã sản phẩm khi đăng quảng cáo, đó là yêu cầu về đóng gói đẹp, bên cạnh đó là chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm không được vi phạm trademark (thương hiệu). Do đó, các DN phải sáng tạo ra mẫu hoặc kiểm tra kỹ các mẫu đó có vi phạm bản quyền hay không để tránh rủi ro. Ngoài ra, sản phẩm cần thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển.

Trong thời gian tới, TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Đây cũng là cơ hội phục hồi cho các DN.

Để có thể đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu thành công trên các kênh TMĐT xuyên biên giới, giới chuyên gia cho rằng, DN cần nắm rõ các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định về pháp lý trước khi đưa sản phẩm vào thị trường đó.

Theo ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam, TMĐT giúp loại bỏ các khâu trung gian, giúp DN giảm chi phí và có thể định giá thương hiệu khi bán xuyên biên giới nên đây là một trong những lựa chọn tốt để DN phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương mại điện tử xuyên biên giới: Đòn bẩy để doanh nghiệp phục hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO