Thương nhớ ngàn năm

Nguyễn Chung - Thanh Sơn 16/04/2016 13:46

Trải bao biến cố thăng trầm dâu bể, vùng đất Nghệ Tĩnh hiện vẫn đang còn khá nhiều dấu ấn của một nhà nước Văn Lang, một thời đại Hùng Vương thịnh trị. Những di tích lịch sử, dấu ấn này là minh chứng cho một thời kỳ phát triển về lịch sử cũng như văn hóa trên mảnh đất này. Người Nghệ Tĩnh vẫn luôn tự hào về điều này cũng như luôn khắc ghi về truyền thuyết “bọc trăm trứng”, công ơn tiên tổ.

Thương nhớ ngàn năm

Lễ hội Làng Vạc tưởng nhớ Vua Hùng.

Dấu ấn Văn Lang trên đất Hoài Hoan, Cửu Đức xưa

Không nhất thiết đợi đến ngày Giỗ Tổ, mà bất cứ ngày nào trong năm, khi có điều kiện thời gian, đông đảo người dân tỉnh Nghệ An lại hành hương về đất Tổ Phú Thọ. Vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, rất nhiều người dân trong tỉnh Nghệ An vẫn thường làm mâm cúng giỗ. Trong mâm cúng, có một lễ vật không thể thiếu khi dâng lên 18 đời Vua Hùng, chính là những chiếc bánh chưng.

Đất nước Văn Lang xưa bao gồm 15 bộ, kéo dài từ Văn Lang (Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc) xuống tận Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị) và có thể xa hơn về phía Nam khi bộ Bình Văn không thể xác định được địa danh chính xác.

Còn Hùng Triều ngọc phả thì cho hay họ Hồng Bàng truyền được 18 đời. Như vậy có thể thấy rằng: Văn Lang là một đất nước rộng lớn, từng tồn tại dài lâu. Điều này càng được củng cố bởi các dấu tích, di sản về đất nước Văn Lăng, về thời đại Vua Hùng đã và vẫn đang tồn tại trong thời đại ngày nay trên nhiều địa phương trong cả nước.

Riêng ở Nghệ An hiện vẫn có ít nhất là 4 dấu tích liên quan đến đất nước Văn Lang, các Vua Hùng.

Di tích đầu tiên có thể kể đến đó là ngôi Đền Cửa, thuộc xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc, thờ Quốc Mẫu Âu Cơ. Vùng đất Cửa Xa này vẫn lưu truyền câu chuyện về 2 trong số 100 người con của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ khi đi về phương Nam (đến vùng Cửa Xá thấy phong cảnh tương đẹp, núi sông hùng vĩ, có cửa lạch cho thuyền đi ra bể, có đất đai bằng phẳng thuận tiện cho lao động sản xuất nên đã chọn nơi đây để dựng nghiệp).

Họ cùng nhau khai hoang lập ấp, trồng trọt, đánh bắt, chăn nuôi gây dựng nên một cơ ngơi trù phú, đời sống ngày một giàu có. Để không quên nguồn gốc, nhớ ơn tới Mẹ Âu Cơ, họ xây dựng một am thờ ngay tại cửa biển phụng thờ… Gian thờ Quốc mẫu Âu Cơ hiện được đặt tại vị trí trang trọng nhất dành cho vị thần chính ở thượng điện Đền Cửa. Trên hương án có bức tượng mẫu Âu Cơ tư thế trang nghiêm, vẻ mặt hiền từ.

Cách ngôi Đền Cửa chưa đầy 10km về phía Nam đó là dấu tích thứ hai về thời đại Hùng Vương- cửa Hội Thống, nơi con sông Lam đổ ra biển. Sách Bách Thần Lục từng tả trận thủy chiến giữa quân đội Vua Hùng 18 là Hùng Duệ với quân Thục vua An Dương Vương ở Châu Hoan rằng: “…tướng Vua Hùng giao chiến với giặc ở Hội Thống, giặc thua to, tướng giặc là Dương Nham bị chém”. Còn Thần phả làng An Thuyên (Thường tín, Hà Nội) lại chép “Tướng vua Hùng là Nguyễn Tuấn, Trần khánh chặn quân Thục ở Cửa Hộ Thống, bắt được Hùng Nã, Đà Gia”…

Độ chính xác của hai cứ liệu này còn phải nghiên cứu, song theo Sử liệu Nghệ An thì thời Hùng Vương cửa sông Lam có tên là Đan Nhai (hoặc Đan Lai). Cửa sông ở ngay dưới chân núi Ngũ Mã. Sau này biển lui dần mới có cửa Hội Thống như ngày nay. Khúc sông nơi cửa biển Đan Nhai nhiều lần là ranh giới các trận chiến ác liệt mang tính lịch sử của dân tộc Việt Nam: Trận chiến Hùng- Thục, Việt Thường- Lâm Ấp...

Ngược dòng sông Lam chừng 30km là đến với vùng đất được ghi trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam hay bộ sách “Lĩnh Nam chích quái”, Bác Việt từ đường tộc phả của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp- câu chuyện sự tích trầu cau. Chuyện kể rằng: Khi vua Hùng Vương thứ IV là Hùng Việp Vương đi tuần thú dọc triền sông Lam khi trời đã xế chiều thì dừng chân gần một gò đồi ở Vùng Hoa Nam, Hoa Ổ.

Vua nhìn thấy trên đồi có 1 cái miếu nhỏ nhưng hương khói thường xuyên, bên miếu có thân cây cao, vươn thẳng trời xanh, tán như lọng, dưới gốc có phiến đá bạc và một loại dây leo có những chiếc lá xanh mướt, mùi hương thơm nồng. Vua bèn truyền dân địa phương đến hỏi thử xem đó là loại cây gì? Miếu thờ ai?...Câu chuyện trầu cau có nhiều dị bản nhưng thống nhất về địa danh và 3 làng Hoa Ổ, Hoa Nam và Phù Lưu chính là xã Nam Trung, Khánh Sơn (huyện Nam Đàn), xã Thanh Lương (huyện Thanh Chương) ngày nay.

Di tích thứ 4 của thời đại Vua Hùng chính là Làng Vạc- di tích khảo cổ quốc gia, tại xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa. Theo truyền thuyết cội nguồn của người Việt cổ: một trong 50 người con lên non của ông tổ, bà tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ xưa đã về lập nghiệp ở Làng Vạc. Đối chiếu với những di chỉ, cổ vật đã được tìm thấy ở vùng đất này, đây chính là một phần của nền văn hóa Đông Sơn với những đời vua Hùng trong buổi đầu có công dựng nước. Làng Vạc chính là cái nôi của người Nghệ ở lưu vực sông Cả hiện nay và những vùng đất khác…

Năm 1972, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã bắt đầu cho tiến hành khai quật khu di chỉ ở Làng Vạc trên diện tích 03 ha. Đến nay qua 5 lần khai quật, di chỉ Làng Vạc được xác định là nơi phát hiện nhiều mộ táng nhất trong số hàng chục di chỉ khảo cổ về văn hóa Đông Sơn ở nước ta. Tại 347 mộ táng, 1.228 hiện vật được phát hiện.

Thương nhớ ngàn năm - 1

Cau được trồng xung quanh đình Đông Châu,
xã Nam Trung huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Nhớ ơn tiên tổ

Nhớ về cội nguồn dân tộc Việt Nam, hàng năm, người dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều hành động, việc làm khắc ghi công ơn to lớn của tiên tổ. Đền Cửa đã được chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện tu bổ, xây dựng lại khá khang trang vào năm 2003.

Đền Cửa thể hiện, đóng vai trò “nhân sơn quần tụ”, trở thành một địa chỉ tâm linh quan trọng tại mảnh đất này, sớm chiều người dân vẫn đến đây khói hương tưởng phụng. Nơi cửa Hội Thống, những người ngư dân Nghệ An, Hà Tĩnh trước mỗi chuyến ra khơi vẫy thường thắp hương tưởng niệm những binh sỹ trận vong. Ở vùng Nam Trung, Khánh Sơn (huyện Nam Đàn), ngôi đền Tam Khương thờ 3 vị thần trầu cau ở làng Nam Hoa mà các triều đại phong kiến vẫn có sắc phong tặng, hiện không còn dấu tích.

Dấu tích chuyện cổ đó là khắp các đình, đền, vườn nhà, người dân vùng Năm Nam trồng rất nhiều trầu cau. Những cụ già ở đây cho biết: Trầu cau chính là một đặc sản, một tập tục cổ truyền tốt đẹp, một tín ngưỡng. Trầu cau vẫn thường được dùng trong hôn nhân cũng như tiếp đãi khách khứa. Khách đến chơi trước tiên phải mời trầu, nếu không mời người ta oán giận nhau. Tục ăn trầu cau đã đi vào câu hát dân ca Ví Giặm đằm sâu “Miếng cau dầm trù trại, Vôi chúa quyện hương nồng”.

Trên miền đất cổ Làng Vạc, hàng năm nhân dân thị xã và các huyện lân cận vẫn tổ chức lễ hội đầu xuân. Tại lễ hội, ban tổ chức tiến hành lễ tế dâng hương tại điện thờ, tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng và công ơn giữ nước của các bậc tiền nhân, cầu mong mưa thuận gió hòa, tiến bộ phát triển cho vùng đất Phủ Quỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Đông đảo người dân trong tỉnh và mọi miền tổ quốc đã về đây bày tỏ lòng thành kính hướng về cội nguồn tiên tổ, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công khai sơn mở cõi. Nhiều người tâm niệm: Về với Làng Vạc đã nhìn thầy một phần cuộc sống cổ xưa của ông cha mình.

Không nhất thiết đợi đến ngày Giỗ Tổ, mà bất cứ ngày nào trong năm, khi có điều kiện thời gian, đông đảo người dân tỉnh Nghệ An lại hành hương về đất Tổ Phú Thọ, mang theo lễ vật giản đơn nhưng chứa chan lòng thơm thảo của cháu con là hương trầm Quỳ Châu, cam Phủ Quỳ và rượu Nghi Phú. Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng của dân tộc, đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của mỗi người Việt từ ngàn đời nay.

Chính vì vậy vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, rất nhiều người dân trong tỉnh Nghệ An vẫn thường làm mâm cúng giỗ. Trong mâm cúng, có một lễ vật không thể thiếu khi dâng lên 18 đời Vua Hùng chính là những chiếc bánh chưng. Sự tích bánh chưng, bánh dầy khởi nguồn từ vùng đất Tổ, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đến nay chiếc bánh ấy đã trở thành biểu trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nghệ An nói riêng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương nhớ ngàn năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO