Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

28/07/2015 05:10

Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên hiện còn một số bộ, ngành, địa phương chưa có kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19. Chính vì vậy để đạt được kết quả tốt nhất, Nghị quyết rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm từ các bộ, ngành địa phương.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Kê khai thủ tục thuế.

Báo cáo gần đây nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Trong năm 2014 và đầu năm 2015, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157 giờ/năm). Tuy vậy, thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa.

Cùng với những cải cách về thuế, quy trình nộp BHXH đã được rút gọn. Thời gian nộp BHXH dự kiến giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Mức giảm này còn khoảng cách tương đối xa so với mục tiêu là 49,5 giờ/năm, do đó BHXH cần tiếp tục giảm thêm 185,5 giờ. Tổng thời gian nộp thuế và BHXH dự kiến giảm được 480 giờ và cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122. Tuy nhiên, vị trí này vẫn thấp hơn khá nhiều so với vị trí trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 67).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đã triển khai thực hiện rà soát và đã có báo cáo kiến nghị bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền. Tương ứng là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó có 3.299 điều kiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Có một số bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động và chủ động thực hiện các giải pháp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

“Vẫn còn nhiều nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành cần tập trung triển khai thực hiện và nhất là những vướng mắc trong kiểm dịch hàng xuất khẩu, kiểm định hàng nhập khẩu và khai báo hải quan” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong một cuộc hội thảo của VCCI, khi VCCI đặt câu hỏi có doanh nghiệp nào biết về Nghị quyết 19, đọc Nghị quyết 19 hay không thì lại chỉ có 1 cánh tay giơ lên. “Khoảng cách giữa triển khai và văn bản rất cách xa nhau, vì thế cần làm đậm những vấn đề đã thực hiện được trong thực tế. Các địa phương rất lúng túng trong việc thực hiện Nghị quyết 19, vai trò của cấp tỉnh, cấp địa phương rất quan trọng, trong khi đây là cấp hết sức quan trọng” - ông Tuấn nhận xét.

Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì nhìn chung, cải cách thể chế, cải cách hành chính, sửa đổi luật trên văn bản giấy tờ đã được cải thiện, quyết tâm của Chính phủ rất quyết liệt và doanh nghiệp cũng kỳ vọng rất nhiều vào sự quyết liệt đó. Tuy nhiên, vấn đề là sự quyết liệt ở đội ngũ cán bộ ở cơ sở, họ chính là yếu tố quyết định. Trong quá trình cải cách thì tốc độ cải cách của cả hệ thống quyết định bởi tốc độ của khâu yếu nhất. Trong khi đó, khâu yếu nhất của hệ thống chính là cán bộ cơ sở. Dù cấp trên có nhanh, có quyết liệt mà bộ máy thực thi không đổi mới thì rất khó đưa luật, đưa chính sách vào cuộc sống.

“Ngoài ra, cải cách tư pháp cũng là hướng đi cần thiết. Do vậy, cải cách tư pháp cũng phải song hành với cải cách hành chính để gia tốc nỗ lực đổi mới”- ông Lộc nói.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Trung tâm Trọng tài quốc tế cho rằng, để thúc đẩy quá trình thực hiện Nghị quyết 19 việc đầu tiên phải làm là phê bình các bộ chưa làm, biểu dương các bộ đã làm. Bởi theo ông Huỳnh, nhiều mục tiêu Nghị quyết 19 nếu không có cải cách thực sự, thì không thể làm được. Ở góc độ khác, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Bên cạnh việc rà soát các thủ tục hiện tại cần kiểm soát chặt việc xuất hiện các quy định mới gây phát sinh thủ tục, đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết 19 gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lại đưa ra nhận xét: Chủ trương của Chính phủ yêu cầu các bộ ngành nhanh chóng giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là chủ trương đúng và trúng. Hiện có nhiều bộ ngành đã tích cực triển khai như Bộ Tài chính áp dụng kê khai thuế điện tử đã tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí đi lại. Tuy nhiên còn có bộ, ngành hiện triển khai giảm thiểu thủ tục hành chính còn chậm, làm ảnh hưởng sự phát triển của doanh nghiệp và người dân nên cần tích cực hơn.

Cũng xin được nhắc lại rằng, tại phiên họp Chính phủ diễn ra trong tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự không hài lòng với lãnh đạo nhiều tỉnh thành không biết Nghị quyết 19. Vì thế Thủ tướng đã yêu cầu, kiên quyết đưa công nghệ thông tin vào thay cho công văn, hội họp, đóng thuế, BHXH, giao thông, khám chữa bệnh.

Nghị quyết 19 chính là cải cách thủ tục hành chính, vì thế cần nhiều giải pháp mà trước hết là rà soát loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, đưa công nghệ thông tin vào và nâng cao trách nhiệm bộ máy, cán bộ công chức. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có bao gồm đột phá về thể chế, thủ tục; cán bộ công chức, tổ chức bộ máy - Thủ tướng nhấn mạnh.

T.Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO