Tích cực hiệp sức theo chức năng hiến định

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân 14/01/2022 00:28

Tính từ khi được bầu đến nay, Quốc hội khóa XV chưa đầy 9 tháng tuổi. Đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều vấn đề lớn, vấn đề mới phải xử lý và Quốc hội đã làm được nhiều việc đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chiều 11/1.

Vượt qua thách thức, Quốc hội hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ theo Hiến pháp quy định mà không hề “hy sinh” chất lượng. Đó là điều làm cho cử tri yên lòng.

Thể hiện bằng hành động cụ thể, sáng tạo, tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quốc hội đã tích cực triển khai qua kênh nghị viện, “ngoại giao vaccine”; đã thu hút chất xám của các cơ quan của Quốc hội, của các chuyên gia trả lời câu hỏi “làm gì để phục hồi và phát triển bền vững đất nước” trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn dai dẳng với biến thể chồng tiếp lên biến thể.

Gần đây nhất Quốc hội vừa tiến hành họp toàn thể bất thường trực tuyến để quyết định những vấn đề cấp bách của đất nước.

Cử tri ghi nhận những nỗ lực và sáng kiến này biểu thị sự tích cực hợp sức từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Đại dịch Covid-19 và những vấn đề toàn cầu đặt tất cả các quốc gia không có loại trừ, trước những bài toán rất mới, nhiều bất định, nhiều thách thức, trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng truyền thống và phi truyền thống.

Quốc gia nào, cụ thể là các định chế lập pháp, hành pháp và tư pháp, sớm biết rút ra kịp thời những bài học cần thiết, quốc gia đó sẽ sớm xây dựng cho mình một lợi thế, một sự vững vàng hơn để phát triển trong điều kiện phải chung sống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó.

Hiến pháp 2013 quy định tại Điều 2, khoản 3:

“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, và tại Điều 69: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.”

Các vấn đề phải đối diện càng “mới”, càng phức tạp, các định chế nhà nước, Quốc hội nói riêng, theo chức năng hiến định càng phải thực hiện tốt nhất có thể được các quy định trên đây, rèn luyện kỹ năng “nhìn thấy và tiên liệu”, nhìn thấy thời cơ trong thách thức, đồng thời tiên liệu các khe hở, lỗ trống có thể được khai thác trong chiều hướng tiêu cực.

Thực tế đã chứng thực sự cần thiết này. Xin đơn cử.

Khi mà trong đại dịch, trong lúc tính mạng người dân đang bị đe dọa thì có một nhóm người xuyên lĩnh vực (công, tư), xuyên ngành, xuyên địa phương cấu kết với nhau để làm giàu cho riêng mình bất chấp đạo lý, lương tri;

Trong khi toàn dân mong đợi ngân sách nhà nước và đầu tư công được chi tiêu có hiệu quả, thì rất nhiều dự án đầu tư bị bòn rút vào túi riêng, nhiều ngàn tỷ đồng tiếp tục được chi một cách vô lối cho những dự án đã phá sản trên thực tế so với mục tiêu đề ra.

Trong khi tổng gói hỗ trợ, và gói ở các địa phương được cân nhắc về quy mô và đối tượng thụ hưởng sao cho tối ưu; trong khi mức trần nợ công trên GDP được tính toán bao nhiêu là phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước, thì có cơ chế được trình cho Quốc hội xem xét, mà nếu được phê duyệt, những thất thoát ngân sách nhà nước không nhỏ có khả năng sẽ xảy ra như thực tế đã cho thấy; hệ thống nội luật sẽ mất đi tính đồng bộ và thống nhất.

Rất may là những cơ chế có thể gây ra tiêu cực như vậy trong những ngày qua không được chấp nhận, trong khi ngược lại Quốc hội đã phê duyệt cơ chế cho phép nạo vét luồng hàng hải Định An – Cần Thơ được mong đợi từ nhiều năm nay.

Lúc này hơn bao giờ cần thực hiện tốt nhất có thể được ba chức năng của Quốc hội, kịp thời lấp đầy các khoảng trống luật pháp, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống nội luật luôn được cập nhật; giám sát tối cao việc thực thi pháp luật, đặc biệt luật ngân sách nhà nước, giám sát các dự án khủng về tổng kinh phí, về tác động hai chiều với môi trường, qua đó góp phần vào mặt trận chống tiêu cực tham nhũng; đề xuất những đổi mới cần thiết về thể chế để chiếc áo này đủ rộng, hơn là xem xét các cơ chế đặc thù đang có chiều hướng nở rộ.

Đó là bài học của Đổi Mới cách đây 36 năm và cũng là điều cử tri mong đợi ở Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tích cực hiệp sức theo chức năng hiến định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO