Tiêm mũi thứ ba vaccine Covid-19: Cần thiết nhưng phải cân đối

Thanh Mai 07/11/2021 14:40

Hiện nay, vaccine Covid-19 được xem là “tấm hộ chiếu” an toàn giúp cơ thể được bảo vệ bởi kháng thể, giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, ước tính kháng thể chống Covid-19 sẽ giảm một nửa sau 108 ngày tiêm vaccine mũi thứ hai, các chuyên gia y tế cho rằng mũi thứ ba nhắc lại giúp hạn chế virus lây lan, giảm nguy cơ bùng phát dịch.

Có nên tiêm nhắc lại mũi ba vaccine Covid-19?

Trước băn khoăn của dư luận về việc này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, ông ủng hộ tiêm mũi ba vaccine Covid-19, đặc biệt đối với nhóm nhân viên y tế có nguy cơ cao do thường xuyên tiếp xúc với các ca nhiễm.

Theo TS Dũng, kháng thể, tế bào T và B có trí nhớ miễn dịch tạo thành “tấm khiên” chống Covid-19. Trong đó, kháng thể đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ không mắc Covid-19 có triệu chứng, các tế bào T và B có trí nhớ miễn dịch bảo vệ giúp bệnh không trở nặng hoặc gây tử vong.

Một nghiên cứu ở Australia ước tính kháng thể chống Covid-19 sẽ giảm phân nửa sau 108 ngày (khoảng 15 tuần), dựa trên số liệu về kháng thể ở người đã tiêm vaccine. Giả sử hiệu lực vaccine chống lại mắc Covid-19 có triệu chứng ở thời điểm ban đầu là 90%, thì 6 tháng sau tiêm chỉ còn 70%. Các tế bào miễn dịch không bị sút giảm sau thời gian này, thậm chí tế bào B có trí nhớ còn hơi tăng theo thời gian trong vòng 6 tháng đầu.

Sau khi tiêm vaccine khoảng 4-6 tháng, kháng thể suy giảm và nếu bị phơi nhiễm với nCoV, con người có thể mắc bệnh. Dù không bị bệnh nặng, virus vẫn sinh sản trong cơ thể nên có thể lây lan cho người khác, dễ gây bùng phát dịch. Vì vậy, mũi tiêm nhắc lại rất quan trọng, đảm bảo không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng trước khi tiêm đại trà, ví dụ loại vaccine nào, nhóm người dân nào cần tiêm mũi ba, tiêm vào thời điểm nào. Chuyên gia dự đoán không cần tiêm nhắc vaccine Covid-19 hàng năm, tần suất có thể 3-5 năm tương tự vaccine ngừa bạch hầu do đa số đột biến của nCoV ít có khả năng thoát khỏi miễn dịch cơ thể.

Theo các chuyên gia y tế, nồng độ kháng thể chắc chắn sẽ giảm theo thời gian. Ví dụ, tại Mỹ, thời gian tiêm mũi nhắc lại là 6 tháng sau khi hoàn thành mũi hai Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.

Việt Nam đang tiêm nhiều loại vaccine, trong đó một số loại mức độ bảo vệ chưa cao (50-60% theo nghiên cứu đã công bố), nên tùy tình hình thực tế, mũi nhắc lại có thể nên tiêm sớm hơn, sau mũi hai 4-5 tháng.

Ông Dũng cũng cho rằng không chỉ ưu tiên tiêm liều tăng cường cho tuyến đầu chống dịch, mà còn mở rộng cho nhóm suy giảm miễn dịch như người bệnh ung thư, người nhiễm HIV, người có bệnh nền, người làm công việc du lịch, dịch vụ..., sau đó triển khai tiêm toàn dân.

Cơ quan quản lý cần tính toán nhập vaccine phù hợp để đáp ứng nhu cầu tiêm mũi ba cùng với một trong hai loại người dân đã tiêm. Tránh trường hợp tiêm ba mũi hoàn toàn khác nhau do chưa có nghiên cứu về tình huống này.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, tiêm vaccine Covid-19 mũi ba sẽ có hiệu quả trong việc củng cố hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng bệnh. Tuy nhiên, cần căn cứ vào nguồn cung vaccine, đối tượng ưu tiên và tình hình dịch bệnh để xây dựng kế hoạch tiêm chủng.

Cần tăng tỉ lệ bao phủ vaccine mũi một, mũi hai

Là địa phương có số lượng người mắc Covid -19 nhiều nhất cả nước và tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngày 30/10, Sở Y tế TP HCM đề xuất UBND và Bộ Y tế cho phép tiêm mũi ba vaccine Covid-19 cho nhóm người có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu chống dịch trong hai tháng cuối năm.

Đây là mũi tiêm nhắc lại với những người đã tiêm đủ hai mũi sau 6 tháng đến một năm, tùy loại vaccine, không phải mũi tăng cường. Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Singapore... đã tiêm mũi ba vaccine Covid-19.

Theo đó, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 đợt 4 mới đây, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, TP chuẩn bị tiêm nhắc mũi ba cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch trong tháng 11, 12/2021.

Liên quan việc tiêm nhắc vaccine mũi ba, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trên thế giới, một số nước đã tiến hành tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường (là liều thứ ba đối với vaccine tiêm 2 liều cơ bản).

Theo đó, mũi tiêm tăng cường sẽ giúp củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh, bởi vì sau thời gian tiêm miễn dịch đã giảm dần. Tuy nhiên, trong nước, để triển khai việc này cần tính toán kỹ lưỡng vì còn phụ thuộc vào nguồn vaccine, mức độ bao phủ vaccine và tình hình dịch bệnh tại các địa phương. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu cũng cho rằng, cần tăng tỉ lệ bao phủ vaccine mũi một, mũi hai trước khi tính đến tiêm mũi ba.

Trước mắt có thể tiêm mũi ba cho các đối tượng nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với dịch bệnh như: cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, những người chịu trách nhiệm chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, người có bệnh nền, người có suy giảm miễn dịch...

Đặc biệt, phải cân nhắc theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế. Các loại vaccine phòng Covid-19 cần được tiêm theo thời gian cách nhau phù hợp, ứng với từng loại vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, để đảm bảo tiêm chủng minh bạch, hiệu quả, Bộ Y tế cần có hướng dẫn, chỉ định cụ thể về loại vaccine, đối tượng được tiêm, vùng được tiêm để “tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến không đồng bộ.

Để tiến tới chung sống an toàn với virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vaccine của Bộ Y tế để đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine trong tháng 10 - 12/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi ba, mũi bốn cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêm mũi thứ ba vaccine Covid-19: Cần thiết nhưng phải cân đối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO