Tiềm năng logistics hàng không rất lớn

Minh Phương 04/05/2021 07:20

Thị trường logistics ở Việt Nam được đánh giá là năng động và đang phát triển rất nhanh. Nhưng theo thống kê cho thấy, thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của ba hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific) mới chỉ chiếm khoảng 12%. Gần 90% còn lại nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.

Dù giàu tiềm năng, song logsitics hàng không vẫn chưa được khaithác hiệu quả.

Giàu tiềm năng

So với các phương thức vận chuyển khác, hàng không có ưu điểm về mặt tốc độ và thời gian khi có thể giao hàng đến tay người nhận trên khắp thế giới trong vòng 2-3 ngày. Nhưng thực tế vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ở nước ta vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng.

Đến nay, hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không chỉ theo hình thức đi kèm với các chuyến bay hành khách. Không gian chứa hàng hạn chế, phải ưu tiên chứa hành lý của khách, lượng hàng hóa thương mại vận chuyển theo mỗi chuyến bay rất hạn chế. Có thể thấy tiềm năng logistics hàng không vẫn đang bị bỏ phí.

Theo ông Nguyễn Quốc Phương - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), ở Việt Nam, các sản phẩm chủ yếu sử dụng phương thức vận chuyển hàng không là điện thoại, máy tính bảng, hàng điện tử, mỹ phẩm, hàng dệt may và một số sản phẩm nông nghiệp như thủy sản, hoa, quả... Hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước.

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành, kéo dài khiến giao thương hàng hóa trên toàn cầu gặp trở ngại. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp vô vàn khó khăn bởi dịch bệnh. Dù vậy, qua số liệu cho thấy vận tải hàng hóa bằng đường hàng không ít chịu thiệt hại bởi tác động Covid - 19 so với vận tải hành khách do việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước.

Thời gian qua, cùng với những điều kiện thuận lợi từ các chính sách của Chính phủ như tham gia các tổ chức ASEAN, APEC, WTO, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... các chính sách mở cửa bầu trời, tự do hoá trong chính sách vận tải hàng không mở ra cơ hội kinh doanh mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng, tăng trưởng cho dịch vụ vận tải hàng không Việt Nam nói chung, dịch vụ logistics hàng không nói riêng.

Tuy vậy, nhìn vào cơ cấu tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa, hàng hóa quốc tế đang chiếm đến 80%. Và thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước hiện mới chỉ chiếm 12%, 88% còn lại nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.

Thách thức về cơ sở hạ tầng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Phương, sự phát triển của logistics hàng không Việt Nam còn khá dè dặt, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình. Theo đó, mới chỉ dừng lại ở sự phát triển riêng lẻ đối với từng hãng hàng không, từng cảng hàng không, hoàn toàn chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa hãng hàng không, DN giao nhận và khách hàng, đặc biệt là vai trò của chuỗi logistics.

Dù các hãng hàng không nội địa có mức tăng trưởng nhanh nhưng so với các hãng hàng không quốc tế vẫn bị bỏ lại khá xa. Việc vận chuyển chủ yếu mới chỉ tập trung vào hành khách, chưa hề có đội bay chuyên dụng vận tải hàng hóa.

“Với tính chất đặc thù ngành vận tải hàng không phải đối mặt với áp lực thiếu hụt đội ngũ lao động chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác hàng hóa hiện chỉ có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là có nhà ga hàng hóa chuyên biệt” – ông Phương nhận định.

Theo ông Phương, chúng ta vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trong khu vực về năng lực trung chuyển như các cảng hàng không Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Changi (Singapore), Chek Lap Kok (Hong Kong, Trung Quốc).

Thực tế này của logistics hàng không Việt Nam cũng từng được ông Trần Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển logistics hàng không lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hạ tầng mặt đất đang là một trong những thách thức lớn nhất. Do đó, cần có một chiến lược bài bản và sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để thật sự phát huy hết tiềm năng của ngành này trong dịch vụ logistics nói riêng, vận tải nói chung.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giai đoạn từ nay đến năm 2025, cần tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Thực tế ông Phương cho biết, ACV đã và đang thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng hàng không với nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 120.000 tỷ đồng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong đó, đầu tư hệ thống nhà ga hàng hóa tại các cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu, tiềm năng tăng trưởng của thị trường logistics hàng không. Kỳ vọng ngành logistics hàng không sẽ được khai thác hết tiềm năng vốn có để có thể góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của hàng hóa nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiềm năng logistics hàng không rất lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO