Tuần qua, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do Covid-19 và 3 ngày gần nhất, số ca mắc mới liên tục giảm. Gần đây nhất, ngày 13/11 cả nước ghi nhận 242 ca mắc mới Covid-19 - thấp nhất trong 7 ngày gần đây. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán, vì vậy không thể lơ là công tác tiêm vaccine phòng Covid-19.
Dịch bệnh vẫn khó dự báo
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế, tổng số ca mắc mới Covid-19 trong tuần qua là gần 2.900 ca, trung bình gần 415 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.508.447 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.302 ca mắc).
Đến nay, tổng số người mắc Covid-19 đã khỏi ở nước ta là 10.605.937 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 38 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 26 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; thở máy xâm lấn: 9 ca. Con số này giảm gần một nửa so với ngày 12/11.
Những con số nói trên phần nào đã minh chứng rõ ràng cho nhận định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo): “Đến nay công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện đúng hướng, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới , biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Tuy nhiên, do số người mắc Covid-19 thời gian qua không nhiều, trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ đã dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng. Còn có một bộ phận người dân vẫn chưa ủng hộ, đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine.
Đa số người dân có tâm lý thờ ơ
Một thực trạng dễ nhận thấy, khi dịch Covid-19 càng được kiểm soát hiệu quả thì tâm lý thờ ơ của người dân trước dịch bệnh ngày càng tăng cao, không ít người dân đã bỏ qua các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các mũi tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19. Khi được hỏi về việc tiêm mũi nhắc lại, anh Trần Xuân Anh (24 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Lâu lắm rồi tôi không quan tâm tới Covid-19 và cũng không để ý tới việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Tôi đã mắc Covid-19 đến 2 lần, tôi nghĩ nó cũng chỉ như cúm thông thường”.
Còn đối với gia đình anh Vũ Hồng Cường (35 tuổi, Long Biên, Hà Nội) thì cả nhà đã tiêm đủ các mũi vaccine, trừ cháu nhỏ. “Cháu thứ hai nhà tôi 6 tuổi và đã mắc Covid-19. Các triệu chứng của cháu đều rất nhẹ và khỏi bệnh chỉ sau 3-4 ngày. Tìm hiểu thông tin tôi thấy Covid-19 ít ảnh hưởng tới trẻ nhỏ nên gia đình khá yên tâm. Điều tôi chú trọng hơn là các biện pháp phòng bệnh cho con như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… khi tới nơi đông người và các địa điểm công cộng” - anh Cường nói.
Thế nhưng, trái ngược lại với tâm lý lạc quan đến mức thờ ơ của người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tiêm vaccine phòng Covid-19, các nhân viên y tế lại cho rằng, việc tiêm phòng vaccine mũi 3, mũi 4 là vô cùng cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Ngày 14/11 ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho thấy, thời điểm hiện tại bệnh nhân nhập viện do mắc Covid-19 không tăng. Tuy nhiên, các bệnh nhân Covid-19 nhập viện có tình trạng sức khỏe nặng hơn so với trước.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết, đa số bệnh nhân nhập viện điều trị đều chưa tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19. Trong đó, hầu hết bệnh nhân trở nặng thuộc các đối tượng chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, bệnh lý nền có nguy cơ (như người cao tuổi, có bệnh nền chạy thận, suy gan, ung thư…), trong số này có những bệnh nhân tái nhiễm đến lần thứ 3, thậm chí có bệnh nhân còn chủ quan do nghĩ rằng đã mắc Covid-19 rồi thì mình sẽ không mắc nữa, hoặc có mắc thì cũng nhẹ hơn, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
“Bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhân cao tuổi mắc Covid-19 đến lần thứ 3 với biểu hiện nặng, trong khi đó ở những lần trước những bệnh nhân này có thể tự theo dõi tại nhà và không có tình trạng suy hô hấp” - bác sĩ Hường thông tin.
Nhà trường phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương
Ghi nhận tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, các nhà trường đã phối hợp tốt với trạm y tế phường, xã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi 3, 4 cho học sinh phổ thông.
Trước đó, ngay khi Hà Nội ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, quận Thanh Xuân đã phát động chiến dịch “Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi”, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022, với mục tiêu hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân Huỳnh Thị Dung cho biết: Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ là việc rất quan trọng. UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo phòng Văn hóa, UBND các phường tuyên truyền trên các hệ thống thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của quận, phường.
Cùng đó, tại quận Đống Đa, thực hiện Công điện 03 của UBND TP Hà Nội, quận cũng đã lập danh sách đối tượng trẻ đủ tiêu chuẩn tiêm chủng. Từ đó, tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm.
Tại quận Hoàng Mai, thông qua giáo viên chủ nhiệm các lớp, Trường THCS Linh Đàm cũng thường xuyên thông báo lịch tiêm chủng của Trạm Y tế phường để phụ huynh nắm được, đưa con đi tiêm đúng thời hạn. Chị Mai Minh Nguyệt, phụ huynh học sinh lớp 7, Trường THCS Linh Đàm chia sẻ, nhờ sự đôn đốc của nhà trường, chị đã đưa con đi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, những người có bệnh lý nền khi mắc Covid-19 dễ khiến bệnh trở nặng khó kiểm soát, thời gian điều trị lâu hơn do cơ thể suy giảm miễn dịch, đáp ứng kém với thuốc điều trị, thời gian đào thải virus cũng lâu hơn, do vậy việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4 ở nhóm đối tượng này là vô cùng cần thiết. Những người trên 50 tuổi, có bệnh nền (suy gan, thận, ung thư, HIV), béo phì… nên tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân trước diễn biến khó lường của dịch bệnh với các biến thể biến đổi không ngừng.
“Khi chúng ta đã chấp nhận sống chung với dịch thì nguy cơ lây nhiễm không thể tránh khỏi. Vấn đề cần quan tâm là nhiễm bệnh nhưng có nặng hay không, hệ thống y tế phải làm sao đảm bảo điều trị tốt nhất cho những trường hợp nặng, có chỉ định nhập viện. Hiện nay, ngoài việc tiêm vaccine không có phương pháp nào phòng ngừa dịch Covid-19. Vaccine sẽ bảo vệ cho những người thuộc nhóm nguy cơ khiến bệnh không trở nặng. Do vậy tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng Covid-19 nhắc lại là cần thiết đối với mọi người” – bác sĩ Nguyễn Thu Hường nhấn mạnh.
PGSTS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương:
Lưu ý dấu hiệu hậu Covid-19
Hậu Covid-19 là những dấu hiệu như: Triệu chứng của người mắc Covid-19 có thể kéo dài hoặc xuất hiện những triệu chứng mới. Về căn nguyên của vấn đề này có thể liên quan đến virus, độc tố của virus cũng như tình trạng virus còn tồn tại ở trong cơ thể, ngoài ra còn do chu trình hóa học bị ảnh hưởng, do biểu hiện của vấn đề đáp ứng miễn dịch.
Biểu hiện của hậu Covid-19 với những trẻ có tiền sử đã mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc với người mắc Covid-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ. rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp… Đặc biệt là trẻ sau khi mắc Covid-19 có thể xuất hiện biến chứng nặng mang tên hội chứng MIS-C (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children). Đây là tình trạng viêm nhiều cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ có tiền sử mắc Covid-19 trước đó.
Do vậy, việc phòng ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2 cho trẻ em là điều rất cần thiết, nhất là tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là khuyến cáo hàng đầu, chúng ta tập trung cho nhóm nguy cơ và nhóm yếu thế đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi. Đồng thời, khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
PGS. TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội:
Cần phải tiêm mũi nhắc lại
Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đã và đang làm giảm dần số ca mắc Covid-19 cũng như số lượng bệnh nhân chuyển nặng, giảm số lượng người phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Dù càng ngày càng có thêm nhiều biến thể xuất hiện nhưng vaccine phòng Covid-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh.
Đối với các biến chủng mới, hiệu quả bảo vệ từ việc tiêm mũi cơ bản giảm dần theo thời gian, do đó những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại có nguy cơ mắc hoặc tái nhiễm ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, hậu Covid-19 có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. Hậu Covid-19 trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19 sẽ làm tăng nồng độ kháng thể qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm triệu chứng nặng và tử vong do Covid-19.
Đ.T(ghi)