Tiền công không ai xót. Bài 2: Góc tối nơi miền khó

Bài 3: Dự án tiền tỷ để… cỏ mọc 07/04/2016 06:55

Đứng trên Cổng trời nhìn xuống khu chợ Vạt hay Thị trấn Việt Lâm rực sáng ánh điện, người dân ở 4 thôn là Bó Đướt, Đán Khao, Cao Bành và Khuổi Luông xã Thượng Sơn (Vị Xuyên, Hà Giang) lại ngậm ngùi cho thân phận mình...

Tiền công không ai xót. Bài 2: Góc tối nơi miền khó

Ông Lý Xuân Lên, Phó chủ tịch xã nói: Báo cáo mãi rồi nhưng không thấy
ai có kế hoạch giúp Nhà máy thủy điện Thượng Sơn hoạt động trở lại.

Thủy điện “ngủ vùi”

Từ xã cận kề Quảng Ngần, con đường lên với xã “Vùng 3” Thượng Sơn chỉ dài hơn 20km nhưng đã “nuốt” của người không đi quen đến gần 2 giờ đồng hồ. 10km đầu, cứ ngửa cổ và gằn xe đi lên, 10km còn lại thì cũng gằn xe để cúi mặt, lao dốc. Đường nhựa chỉ dẫn vào đến trung tâm xã, còn từ trung tâm xã vào đến các thôn được người dân mệnh danh là “đói điện” chẳng còn gì để nói. Dốc cao, đường sá lởm chởm đá, địa hình như vậy nên bao năm “cái dây” và “cái cột điện” cũng không thể nào “leo” được vào với dân.

Trước khó khăn này, năm 2009, theo Chương trình năng lượng nông thôn giữa Việt Nam và Thụy Điển, 4 thôn trên đã được khảo sát và được đầu tư 1 nhà máy thủy điện có tên Thượng Sơn với số tiền đầu tư 12,7 tỷ đồng. Bằng việc huy động thêm sức dân, chưa đầy năm sau, cụ thể vào tháng 4/2010 Thủy điện Thượng Sơn hoàn thành với công suất 114kW. Cũng lại bằng tiền đầu tư và huy động sức dân, 7 trạm biến áp đã được dựng lên, kéo dây về thắp sáng cho người dân 4 thôn trên.

Có điện, ngoài phục vụ cho sinh hoạt, học hành ban đêm của trẻ, vì là dân đất nổi tiếng về chè nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy sấy để cơ giới hóa, nâng cao thu nhập cho mình. Ngoài đầu tư máy móc, người dân còn mua cả máy thái cỏ, thái chuối để nuôi gia súc gia cầm. Đời sống người dân do có điện cũng đã khấm khá lên nhiều.

Tuy nhiên, niềm vui ấy kéo dài chưa đầy 3 năm sau, vào tháng 7/2013, mưa lớn, bờ kênh bị sạt lở, chân nhà máy bị xói mòn nên nhà máy tạm dừng hoạt động. Dân có ý kiến nhưng chả thấy cán bộ nào vào để bày dân cách khắc phục và vận hành nên Thủy điện Thượng Sơn đành “ngủ” từ dạo ấy.

Chỉ chiếc máy sấy chè phủ bụi, hoen rỉ, ông Hoàng Văn Rơm chua chát, bất lực nói: Nhà máy đi vào hoạt động, được cán bộ khuyến khích, tôi đã vay đến gần 20 triệu đồng để đầu tư nó. Nhờ máy sấy mà người dân không phải chở chè búp tươi xuống xã hay chợ Vạt bán nữa. Thu nhập như vậy cũng tăng lên. Ấy thế mà nợ chưa trả xong, nhà máy dừng không phát điện nữa, đành phải để đấy mà chờ thôi.

Bên ánh sáng do nguồn điện tự tạo, ông Vương Văn Cường rầu rầu: Thà chả có thủy điện còn hơn. Có nó, dân mới bỏ tiền ra mua sắm vật dụng. Nào ti vi, tủ lạnh, quạt, nồi cơm điện… Giờ nó “ngủ” chả biết bao giờ “thức” nữa nên đồ đạc đành phải xếp đấy thôi. Nợ cả đống mà còn không sử dụng được.

Tiền công không ai xót. Bài 2: Góc tối nơi miền khó - 1

Gần 3 năm qua, Thủy điện Thượng Sơn nay thành hoang phế.

Loanh quanh trách nhiệm

Để hiểu thêm sự lãng phí và sự cố của Thủy điện Thượng Sơn, lần hồi trên con đường bùn đất, chúng tôi đi tìm lãnh đạo xã. Chủ tịch đi vắng, bằng sự dò hỏi chúng tôi mới gặp được ông Lý Xuân Lên, Phó chủ tịch xã Thượng Sơn. Ông Lên cho biết, hiện Thượng Sơn có tới 70% hộ nghèo, số hộ nghèo tập trung lớn nhất ở 4 thôn miền cao, đang “khát điện” đã nói ở trên.

Cũng theo ông Lên, sự cố của Thủy điện Thượng Sơn đã được xã làm báo cáo và gửi tới các cơ quan chức năng rồi. Nhưng đến nay cũng chưa thấy cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Khi Thủy điện Thượng Sơn gặp sự cố, cơ quan quản lý cũng thuê 1 người để trông coi. Nhưng sau không có lương trả nên người ấy cũng không làm nữa. Hiện theo ông Lên, Thủy điện Thượng Sơn – Công trình hơn 10 tỷ ấy đã bị kẻ gian lấy cắp một số thứ còn dây dẫn điện đi các thôn đã bị đứt nhiều chỗ.

Trao đổi với Chi nhánh điện lực huyện Vị Xuyên thì được biết họ không được giao trách nhiệm quản lý và vận hành công trình này. Trách nhiệm hiện nay là do Sở Công thương. Đánh đường lên Sở Công thương thì ông Nguyễn Văn Hữu cho biết các lãnh đạo đang đi học tập kinh nghiệm. Nói về Thủy điện Thượng Sơn, ông Hữu cho biết: Sở chỉ có trách nhiệm giới thiệu và xin Bộ Công thương để lấy dự án về cho dân. Sau khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao thì đã thành lập một Hợp tác xã Năng lượng nông thôn để họ quản lý. Và hiện nay, Hợp tác xã này đang quản lý 3 thủy điện thuộc Chương trình Năng lượng nông thôn Việt Nam - Thụy Điển.

Để rõ thêm trách nhiệm, chúng tôi đã đi tìm Hợp tác xã này mà theo lời giới thiệu của ông Hữu ở Tổ 16 phường Trần Phú (Thành phố Hà Giang). Tuy nhiên mất nửa buổi chiều cất công tìm và dò hỏi người dân chúng tôi cũng chẳng thấy Hợp tác xã này ở đâu.

Đêm, từ Trung tâm huyện Vị Xuyên, ngó lên dãy Tây Côn Lĩnh, nơi ấy có xã Thượng Sơn. Giữa sơn thẳm người ta thấy những ánh điện nhấp nháy như ánh sáng của những con đom đóm cuối mùa. Lại nhớ đến lời của một người dân: Hôm khánh thành Thủy điện Thượng Sơn có 1 bác “to lắm” ngoài tỉnh vào dự. Từ đấy đến nay không thấy bác ấy vào nữa. Nếu bây giờ bác ấy vào, trước tình cảnh này có may ra sẽ có lời nói và kế hoạch cho cái thủy điện nó “thức” lại thì hay biết mấy.

Hà Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền công không ai xót. Bài 2: Góc tối nơi miền khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO