Tiền Giang triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2022

PV 23/11/2022 13:00

Tập trung đánh giá tổng thể và tìm kiếm các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tiền Giang, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện kế hoạch chi tiết cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) ở từng chỉ tiêu thành phần.

Chỉ số PCI tích cực

Năm 2021 là một năm đặc biệt, khi cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, người dân và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải căng sức để đối phó với đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, báo cáo PCI năm 2021 đã phân tích về những tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Kết quả khảo sát được công bố gần đây cho thấy, Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Tiền Giang đứng thứ 33/63 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm trung bình với 64,41 điểm, tăng 12 bậc và tăng 1,63 điểm so với năm 2020; trong đó có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, có 4 chỉ số thành phần giảm điểm. Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), sau nhiều năm trồi sụt, Chỉ số PCI năm 2021 của Tiền Giang đã tăng lên hạng 33 và đây cũng là mức tốt nhất trong 5 năm qua. Nổi bật trong đó là một số chỉ số thành phần tăng mạnh, đặc biệt là tính năng động của bộ máy chính quyền khi được các doanh nghiệp đánh giá tương đối tích cực.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư.

Tỉnh Tiền Giang đã triển khai hiệu quả các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp như Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng chuỗi hội nghị phát triển doanh nghiệp tại địa phương một cách đồng bộ. Nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết tại chỗ được tháo gỡ nhanh chóng, kịp thời; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trở lại sản xuất. Các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang cũng linh hoạt triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như: miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất...

Việc thực thi điều hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) được ưu tiên chú trọng. Theo đánh giá Chỉ số PCI trong năm 2021 của Tiền Giang, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh nhanh hơn nhiều địa phương khác. Theo đó, Doanh nghiệp chỉ mất khoảng 7 ngày làm việc để đăng ký doanh nghiệp (gồm cả thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ), đối với thành lập mới không quá 3 ngày làm việc, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành. Bộ phận Một cửa nhìn chung hỗ trợ khá tốt các thủ tục liên quan đến đăng ký DN; niềm tin vào các thiết chế pháp lý tại địa phương được củng cố. Một điểm nổi bật nữa của Tiền Giang là môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh lành mạnh hơn nhiều địa phương khác trong vùng (xếp thứ 3 trong khu vực ĐBSCL).

Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, đến hết tháng 10 năm 2022 có 774 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 6.182 tỷ đồng, vượt 15,5% so với kế hoạch, tăng 78,3% so cùng kỳ về số doanh nghiệp (cùng kỳ giảm 32,8%), tăng 55,6% về vốn so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,5%). Lũy kế đến cuối tháng 10/2022, toàn tỉnh có 6.003 doanh nghiệp, 67.400 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động. Đây là kết quả của quá trình không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh và địa phương, ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân cho biết kết quả nêu trên là nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời cho thấy tỉnh đã và đang thực hiện cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp.

Thẳng thắn nhìn nhận, một số chỉ tiêu mặc dù đã có sự cải thiện tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách. Kết quả PCI 2021 cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương, những tỉnh thành khác đang có lợi thế của “người đi sau” khi có thể tham khảo và áp dụng những cách làm hay, thực tiễn tốt sẵn có từ những tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương mình.

Giới thiệu bộ chỉ số DDCI

Tại Hội nghị đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và triển khai đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Tiền Giang năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung triển khai giải pháp để tiếp tục cải thiện 10 chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI; nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa tác động của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).

Báo cáo PCI năm 2021.

Tiền Giang cần rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI 2021, đặc biệt các lĩnh vực cần cải thiện. Trong đó, cần phải chú trọng rà soát, sửa đổi ở nội tại những rào cản, điểm nghẽn, có giải pháp sửa đổi để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong quá trình giải quyết công việc, với mục tiêu cuối cùng là sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra khuyến nghị: Tỉnh cần tích cực, chủ động và sáng kiến để xây dựng phương án, tổ chức thực thi các chương trình, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong năm 2022 và những năm tiếp theo dựa trên các Nghị quyết của Chính phủ.

Đối với chỉ số DDCI năm 2022, đây là năm đầu tiên tỉnh Tiền Giang triển khai khảo sát sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với các sở, ngành, địa phương. Theo lộ trình triển khai, Bộ chỉ số và các chỉ tiêu để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) đã được chính thức giới thiệu. Tổ chức thực hiện đánh giá và công bố Bộ chỉ số DDCI tỉnh Tiền Giang năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ được gắn với công tác kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc và xếp loại thi đua của các sở, ban, ngành, các huyện, thành thị.

Trong quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành, địa phương cần chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức thực hiện đánh giá và công bố Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tỉnh Tiền Giang năm 2022 và các năm tiếp theo gắn với công tác kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc và xếp loại thi đua của các đơn vị. Kế hoạch được đặt ra là phải có tầm nhìn dài hạn, không chỉ trong một năm, mà phải nhiều năm, duy trì thói quen thực hiện PCI và DDCI thường niên để tạo ra những thay đổi lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền Giang triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2022

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO