Tiền hỗ trợ nhỏ giọt, người có công khốn đốn

Hạnh Nguyên 12/06/2017 08:40

Tại Hà Tĩnh, 5.100 người có công được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà ở theo tinh thần QĐ 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ. Quá mừng, sau khi được được tỉnh phê duyệt, bà con đã vay tiền tiền xây sửa chữa nhà cửa. Nhưng đáng tiếc do vốn về chậm nên những người trót vay mượn đã gặp nhiều khó khăn.

4 năm nay bà Nguyễn Thị Phúc mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ để trả nợ làm nhà.

Hơn 5.100 người có công ở tỉnh nghèo Hà Tĩnh “mừng như mở cờ” khi hay tin sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà ở theo tinh thần QĐ 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ. Sau khi được được tỉnh phê duyệt, các đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ đã tìm mọi cách “xoay” tiền xây, sửa chữa nhà cửa nhằm ổn định cuộc sống. Vậy nhưng do nguồn hỗ trợ “nhỏ giọt” nên khiến hàng nghìn người có công trót vay mượn tiền làm nhà theo kiểu “đi tắt, đón đầu” như ngồi trên đống lửa.

Chết rồi vẫn chưa được nhận đủ tiền

Xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc có 28 hộ được hỗ trợ sửa chữa và làm nhà theo tinh thần QĐ 22/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên, đến nay đã gần 4 năm, 32 hộ dân vẫn chưa được nhận đủ tiền, dẫn tới việc có nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Bà Nguyễn Thị Phúc (thương binh hạng 4/4, trú xóm Tây Vinh, xã Tùng Lộc) phàn nàn: “Mỗi tháng tôi được lĩnh 1 triệu đồng tiền trợ cấp, nhưng bản thân bị liệt một chân, lại phải cưu mang 3 người em mắc chứng tâm thần và người mẹ trên 90 tuổi nên khoản tiền này chủ yếu dùng vào việc thuốc thang.

Năm 2013, biết mình thuộc diện được hỗ trợ làm nhà nên tôi quyết định vay anh em, hàng xóm 30 triệu đồng xây cất căn nhà trị giá khoảng 60 triệu đồng, nhưng hiện vẫn còn nợ 20 triệu đồng. Về khoản tiền hỗ trợ, tôi mới được nhận 21,4 triệu đồng trong tổng số 40 triệu đồng. Mong Nhà nước sớm cho nhận đủ số tiền còn lại để tôi trả nốt món nợ nói trên”.

Gia đình ông Lương Hữu Sảnh (thôn Phú Thọ, có Huy chương Kháng chiến hạng Nhì) cũng bi đát không kém. Bà Nguyễn Thị Mười (vợ ông Sảnh) tâm sự: “Nhà tôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên nằm trong nhóm những trường hợp đầu tiên được xã xét cho nhận tiền hỗ trợ. Nhưng khi khánh thành căn nhà vừa tròn một tháng thì ông nhà tôi mất. Sau đó 14 ngày, gia đình tiếp tục phải đón nhận sự mất mát đớn đau, đứa con trai đầu cũng theo cha về nơi suối vàng do tai nạn lao động. Nỗi đau do mất đi hai người thân khiến thân xác tôi trở nên tiều tuỵ, bên cạnh đó còn phải gánh thêm sự lo lắng về khoản tiền vay làm nhà chưa biết lấy đâu ra nguồn để trả. Bây giờ, mẹ con tôi chỉ mong được nhận đủ tiền hỗ trợ để gửi lại cho bà con, họ hàng giúp mình lúc khó khăn”.

Theo QĐ 22/2013/QĐ-TTg có 2 mức hỗ trợ nhà ở cho người có công; trường hợp xây mới được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; trường hợp sửa chữa nhận mức 20 triệu đồng/hộ. Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Xuân- cán bộ phụ trách chính sách xã hội xã Tùng Lộc, cho biết: Trong số 32 hộ dân được làm nhà ở, có những hộ xây mới, sửa chữa hoàn thành năm 2013 nhưng cũng có hộ làm xong trong năm 2016.

Đến nay, toàn xã mới nhận được 2 đợt kinh phí hỗ trợ. Khi nhận được tiền, xã tổ chức một cuộc họp với đầy đủ 32 hộ dân, thống nhất cấp đều số tiền đã nhận được cho các hộ để chia sẻ khó khăn (riêng 4 hộ sửa nhà thì đã trả đủ 20 triệu đồng). Vì thế, đến nay toàn xã Tùng Lộc vẫn còn 28 hộ chưa nhận đủ tiền, mỗi hộ thiếu 13,8 triệu đồng. “Năm nào xã cũng kiến nghị lên huyện không nên trì trệ việc chi trả tiền hỗ trợ đối với người có công nhưng mãi vẫn chưa đủ. Chúng tôi cũng không biết phải trả lời người dân như thế nào”- chị Xuân nói.

Địa phương phải tự “bơi”

Thực hiện QĐ số 22/2013/QĐ-TTg, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành QĐ số 2762/QĐ-UBND ngày 5/9/2013 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn với tổng số hộ người có công được hỗ trợ về nhà ở là 5.118 hộ, tổng kinh phí là 153,64 tỷ đồng. 100% kinh phí đều thuộc ngân sách Trung ương cấp, tuy nhiên, đến nay nguồn kinh phí rót về địa phương mang tính “nhỏ giọt” khiến việc chi trả cho người có công gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phan Lê Hùng – Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết: Đến nay, nguồn kinh phí của Trung ương cấp về mới được 41,99 tỷ đồng, cấp cho 1.105 đối tượng (đạt 27%). Trước thực trạng người có công làm mới và sửa chữa nhà nhưng mãi không nhận được tiền hỗ trợ đã được cử tri phản ánh nhiều. Vì thế HĐND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND tỉnh trích 122,94 tỷ đồng tạm ứng từ ngân sách địa phương để cấp cho các huyện, thành phố, thị xã. Tính đến ngày 31-12-2016, trên toàn tỉnh đã giải ngân cho 4.202 hộ hoàn thành việc xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 121,76 tỷ đồng.

Sau khi Hà Tĩnh chi tạm ứng cho các đối tượng, hiện vẫn còn 916 hộ chưa được nhận tiền, và cũng đến 31/12/2016 vẫn còn hơn 1,2 tỷ đồng chưa được các huyện, thành phố, thị xã giải ngân cho người dân. “Chúng tôi cũng đang hết sức băn khoăn, đến thời điểm này việc rà soát, thống kê các hộ thuộc diện được hỗ trợ theo QĐ 22 đã hết hiệu lực thi hành. Vì thế đề nghị các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp này để địa phương triển khai thực hiện”- ông Hùng kiến nghị.

Cũng theo ông Hùng cho biết thì mới đây, ngày 17/5, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành QĐ 1314 về việc giao chi tiết đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương (giai đoạn 2016-2020), trong đó có dành ra 93,6 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà ở cho người có công. Trường hợp 93,6 tỷ đồng được quyết định dùng để hoàn trả vốn tạm ứng thì người có công còn phải tiếp tục chờ. Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ sắp đến, tỉnh Hà Tĩnh cần cân nhắc để động viên, tri ân đối với những người có công với cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền hỗ trợ nhỏ giọt, người có công khốn đốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO