Tiền lãi từ dịch vụ cầm đồ có được miễn thuế?

Theo VGP 17/12/2019 18:00

Đối với dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi thu từ cho vay cầm đồ và khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có) được xác định là giá đã có thuế GTGT.

Công ty TNHH Dịch vụ ST là một công ty vừa được thành lập chuyên cung cấp dịch vụ cầm đồ. Công ty đã đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Khoản 8.a Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định, dịch vụ cho vay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm cả cho vay của tổ chức tín dụng và các tổ chức khác (ví dụ như các tổ chức, cá nhân không có đăng ký ngành nghề kinh doanh cho vay).

Khoản 17 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định: “Giá tính thuế đối với dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi phải thu từ cho vay cầm đồ và khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có)”.

Theo các quy định trên, Công ty TNHH Dịch vụ ST đề nghị giải đáp, khoản tiền lãi phát sinh từ dịch vụ cầm đồ có được miễn thuế GTGT không hay phải chịu thuế GTGT? Các khoản phí dịch vụ khác phát sinh từ hoạt động cầm đồ như phí lưu kho, phí kiểm định có thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không?

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế trả lời như sau:

Đối tượng chịu thuế GTGT và quy định về thuế suất

Điều 3 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT) quy định về đối tượng chịu thuế như sau:

“Điều 3. Đối tượng chịu thuế

Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.”

Điều 8 Luật Thuế GTGT quy định về thuế suất như sau:

“Điều 8. Thuế suất

3. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT quy định về thuế suất như sau:

“Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.”

Giá tính thuế

Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 7. Giá tính thuế

17. Đối với dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi thu từ cho vay cầm đồ và khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có) được xác định là giá đã có thuế GTGT.

Giá tính thuế được xác định theo công thức sau:

Giá tính thuế = Số tiền phải thu / (1 + thuế suất)

Ví dụ 44: Công ty kinh doanh cầm đồ trong kỳ tính thuế có doanh thu cầm đồ là 110 triệu đồng.

Giá tính thuế GTGT được xác định bằng: 110 triệu đồng / (1 + 10%) = 100 triệu đồng.”

Dịch vụ cầm đồ và các khoản thu khác từ việc cung cấp dịch vụ cầm đồ thực hiện theo các quy định và hướng dẫn của pháp luật về thuế GTGT nêu trên, trong đó nội dụng quy định, hướng dẫn về giá tính thuế đối với dịch vụ cầm đồ và các khoản thu khác từ việc cung cấp dịch vụ cầm đồ được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Đề nghị Công ty TNHH Dịch vụ ST liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiền lãi từ dịch vụ cầm đồ có được miễn thuế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO