Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Cha mẹ 'cùng làm' với con

Việt Quỳnh (thực hiện) 27/09/2021 08:30

Với việc đặt tên CLB “Đọc sách cùng con”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh và cộng sự đề cao sự đồng hành của cha mẹ và con cái trong câu chuyện đọc sách cũng như trong mọi hoạt động sống. Với chị, vai trò giáo dục của cha mẹ nằm ở sự “cùng làm” và chia sẻ. Các giá trị tinh thần, truyền thống, thói quen, phong cách ứng xử trong gia đình đều có thể có những ảnh hưởng tích cực tới từng thành viên.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chơi cùng trẻ nhỏ.

Trên thực tế, khi được cha mẹ ở bên, các con đã phát triển về thể chất, tinh thần ra sao, theo chị?

- Cha mẹ “ở bên” không có nghĩa là lúc nào cũng kè kè, sát cánh, nhắc nhở, chỉ đạo, điều khiển. Cần hiểu khái niệm “kề cận, đồng hành” theo cách rộng hơn: để tâm phát hiện được những vấn đề con phải đối mặt ở từng lứa tuổi, sẵn sàng lắng nghe, chơi đùa, cùng thực hiện những hoạt động yêu thích, cùng tìm hiểu kiến thức, hoặc thậm chí, sẵn sàng ngồi im lặng với con trong một không gian nhiều cảm xúc. Cái không gian ấm áp, êm ái, hiền hòa, vui tươi, cảm xúc gắn kết, tin cậy, sự đồng cảm và thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình sẽ khiến trẻ được lớn lên trong tâm thế bình an, thoải mái, cởi mở. Khi tinh thần bình ổn, trẻ có lòng tin vào bố mẹ và cảm nhận được sự tin cậy, yêu thương của họ đối với mình, các con sẽ có cơ hội thể hiện mình đến tận cùng, khám phá được những khả năng tiềm ẩn của mình. Bố mẹ quan tâm đến con sẽ hướng dẫn, cùng làm chứ không ra lệnh, áp đặt; sẽ giúp con nhận ra được cái đúng cái sai trong cả quá trình sống chứ không lăm lăm đặt ra quy tắc, luật lệ để thưởng phạt.

Còn ngược lại thì sao, thưa chị?

- Ngược lại, cũng có những bậc cha mẹ quá bận rộn, không dành được thời gian để “cùng sống” với con mà coi con như một “vấn đề” tách rời của cuộc đời mình: chăm sóc dinh dưỡng sao cho béo khỏe, cho ăn học, định hướng nghề nghiệp, tìm trường tốt, thuê giáo viên giỏi… sao cho đạt thành tích cao, thành công. Họ sẽ đề cao kết quả cuối cùng (con lên cân, con ngoan ngoãn, con thi tốt…) hơn là quãng đường cùng bước: lúc vấp ngã, lúc vượt qua chướng ngại vật, khi tăng tốc… luôn cần sự động viên kịp thời. Với những trường hợp như thế, cho dù cha mẹ vẫn quan tâm đến con nhưng sự kết nối tinh thần có phần lỏng lẻo, trẻ không có được cảm giác an tâm, hài lòng, cân bằng vì thiếu sự giao tiếp, chia sẻ, từ đó có thể sẽ gặp những vấn đề về mặt tâm lý, hoặc gặp khó khăn trong việc ứng xử, giải quyết mâu thuẫn của các mối quan hệ trong xã hội, trong việc điều chỉnh cảm xúc và hành vi cá nhân, trong việc thích ứng với những thay đổi của cuộc sống.

Chị đã đồng hành cùng con như thế nào?

- Tôi chưa phải là một người định hướng giáo dục tốt cho con với nghĩa là tìm thầy tốt dạy thêm, vạch ra đường đi tối ưu cho con trong việc học tập, kèm con học bài thường xuyên… Đồng thời, tôi cũng hài lòng vì đã không làm như thế mà đơn giản chỉ là đã sắp xếp được cuộc sống có bố mẹ, có con cái một cách phù hợp nhất với gia đình tôi. Từ nhỏ, chúng tôi đã cùng chơi đùa, cùng đọc sách, luôn trò chuyện hằng ngày, cùng làm việc nhà, cùng sáng tạo, cùng… “đi khắp thế gian”!

Tôi cho rằng không ai nên là khuôn mẫu của ai trong câu chuyện đồng hành cùng con. Với tôi, đồng hành cùng con không phải là việc cố gắng đẩy con đến thành công như mình kỳ vọng, mà là quá trình tương tác, chia sẻ để thấu hiểu con nhiều nhất, chấp nhận những khác biệt của con, cổ vũ ước mơ của con và cho con một tình yêu vô điều kiện. Điều này có thể ở lại với con qua một bức thư viết trong đêm khi phát hiện một vấn đề của con; qua những dòng đề tặng trong cuốn sách; qua việc trân trọng những kỷ niệm chung với con; qua những dòng nhật ký ghi lại những khoảnh khắc thân thương quý giá mà nếu không ghi lại, rồi ta cũng sẽ quên đi.

Gần hai năm qua, khi giãn cách liên tục, cũng là lúc bố mẹ ở bên con nhiều hơn, bố mẹ cần tận dụng những ngày này ra sao với việc chăm sóc dạy dỗ con?

- Thời gian cả nhà “quấn túm” lại với nhau trong tổ ấm có thể vừa là cơ hội, vừa là thử thách. Đây là cơ hội để nói một câu chuyện đến tận cùng, làm một việc đến tận cùng so với những vội vàng bận rộn của ngày trước. Nhưng cũng chính vì thế, nếu không cùng nhau thích ứng, điều chỉnh thì ta có nguy cơ đối mặt với những khó chịu. Chẳng hạn, 24/24 cạnh nhau, không có thời gian “nghỉ”, tạm xa như khi được đến trường, được đi làm, chúng ta dễ nổi nóng với nhau hơn, dễ mất kiên nhẫn hơn. Những bữa cơm gia đình đầy đủ cả sáng, trưa, tối… cũng dễ gây áp lực cho người nội trợ, tạo cảm xúc tiêu cực nếu không có ý thức chia sẻ từ phía các thành viên khác trong gia đình. Vì thế, để thời gian này trôi qua nhẹ nhõm, cân bằng, hạnh phúc, cả gia đình rất nên đưa ra một thời gian biểu cho từng người từng ngày và hằng tuần, trong đó quy định khoảng thời gian hoạt động chung.

Bên cạnh đó, việc đọc sách cũng có thể là một hoạt động được đưa vào thời gian biểu. Tuy nhiên, các bố mẹ đừng quên xác định khoảng thời gian-không gian riêng tư của mỗi người và tôn trọng khoảng tự do ấy. Khi mỗi người được phép rút vào góc riêng, đừng ai làm phiền, sai việc vặt hoặc mắng mỏ, góp ý. Chúng ta cũng cần giữ khoảng cách với nhau để mỗi lần gặp nhau có thêm những năng lượng tích cực mới.

Chị có lời khuyên gì với cha mẹ khi các con bắt đầu vào năm học mới, và ở những nơi giãn cách, các con vẫn ở nhà và học qua mạng?

- Người ở nhà lâu ngày luôn dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng cảm xúc, thậm chí, có thể có những vấn đề về tâm lý. Với trẻ em, nguy cơ đó càng lớn nếu các em không được lôi cuốn, hướng dẫn vận động nhiều hơn. Các hoạt động thể chất giúp giải tỏa stress rất tốt. Các bố mẹ hãy lưu ý kêu gọi, “rủ” con đứng dậy, nhún nhảy, thể dục, chạy tại chỗ, ra mở cửa sổ nhìn ra xa, làm việc nhà, tưới cây ở ban công, đùa với thú nuôi… sao cho các hoạt động ngồi, nhìn màn hình của con được giãn bớt, tinh thần cũng thư thái, hưng phấn hơn.

Xin cảm ơn chị rất nhiều!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Cha mẹ 'cùng làm' với con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO