Mê trận tín dụng đen

Thúy Hằng 10/09/2015 05:50

“Chơi phường, chơi hụi”, “vay nóng”, vay tiền với thủ tục nhanh gọn,… những thuật ngữ quen thuộc, thực chất là một dạng tín dụng đen. Sa chân vào mạng nhện này, người ta chỉ biết khóc ròng, bởi mất cả chì lẫn chài.

Ảnh minh họa.

Từ cầm đồ đến vay nóng

Dọc tuyến phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) các tấm biển quảng cáo, “cầm đồ lãi suất thấp”, vay 1 triệu lãi 5.000 đồng/ngày nhan nhản, đập vào mắt.

Không những thế, các quán cầm đồ còn mọc ngay cạnh các trường đại học. Sinh viên Trần Minh Đạt (năm thứ hai, hệ văn bằng hai đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ: có thời điểm Đạt phải đưa máy tính Apple của mình vào hiệu cầm đồ để có tiền đóng học phí. Trường đại học Kinh tế quốc dân quy định chỉ được quyền đăng ký môn học sau khi đóng học phí nên trong quãng thời gian ngắn chưa nhận lương, chưa có tiền mặt ngay đành phải tìm đến “cứu cánh hiệu cầm đồ”. Sau vài ngày có tiền lại chuộc máy về.

Trường hợp của Đạt chưa quá nguy hiểm. Trong khi đó, cũng theo lời của Đạt, người anh cùng xóm trọ tên Trần Tuấn Anh, đang làm ở Viện Huyết học Việt Nam, lúc đầu cũng chỉ cầm đồ máy tính nhưng sau đó còn chơi cá độ bóng đá, buộc phải đi vay nóng ngay chính tiệm cầm đồ. Tháng nào cũng vay 10 triệu, rồi dần đến 50 triệu, nay lên cả trăm triệu. Đến nay Tuấn Anh đã xin nghỉ làm tại Viện Huyết học do các chủ nợ đến tận Viện siết nợ.

Theo tìm hiểu, cầm đồ là một trong những hoạt động kinh doanh có điều kiện, và dịch vụ này thường núp dưới danh nghĩa một lĩnh vực kinh doanh của công ty nào đó để được hợp pháp hóa. Ngành nghề kinh doanh này không phải dừng lại ở “một vốn bốn lời” mà có khi lợi nhuận có thể lên tới “mười lời”.

Thông thường, các cửa hiệu cầm đồ đánh giá tài sản cầm cố quy ra tiền, và tính lãi suất theo từng triệu đồng, thấp nhất là 3.000 đồng/triệu đồng/ngày và cao có thể lên tới 12.000 đồng/triệu đồng/ngày. Nhân số tiền lãi với số tiền và số ngày đi vay, dễ dàng thấy người vay phải trả lãi ngang bằng, thậm chí nhiều hơn cả vốn. Đó là còn chưa kể tới trường hợp quá hạn trả mà người vay không có đủ cả vốn lẫn lãi, chủ cửa hiệu cầm đồ sẽ tính lãi với mức cao hơn nhiều. Từ đây dẫn đến con đường vay nặng lãi.

Vay 200 triệu, mất nhà 10 tỷ

Trường hợp chị Nguyễn Thu Hải, ở (Đội 7, Đình Thôn, Mỹ Đình) dính vào tín dụng đen nhưng không biết kêu ai. Chị Hải bán hàng ở chợ đêm sinh viên, chị cùng với 5 người cũng kinh doanh ở chợ “chơi hụi”, mỗi ngày đóng 1 triệu. Theo tính toán của chị Hải sau chừng 3 tháng chị có thể lấy được 100 triệu, rồi dùng khoản tiền để đầu tư một tiệm thuốc nhỏ trong làng. Viễn cảnh là vậy, nhưng sự đời ít khi như ý.

Mỗi ngày chị Hải buôn bán chạy ngược chạy xuôi được 600.000 - 800.000 đồng. Muốn đóng được 1 triệu, chị phải vay thêm hàng xóm, rồi cả bố mẹ đẻ để đóng đủ tiền hụi. Tháng 6 vừa qua, chị té ngửa khi 2 người trong số 4 bạn phường kia biến mất. Mất trắng tiền trong khi đó bản thân chị Hải cũng đang nợ hàng xóm, và nợ bố mẹ đẻ.

Mới đây, tại cuộc hội thảo làm sao để giúp người nghèo thoát khỏi bẫy tín dụng đen được tổ chức tại Hà Nội, nhiều người dân ngậm ngùi kể lại chuyện bị lừa. Bà Nguyễn Thị Lệ, tổ 36 - Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội) cho hay, do tin tưởng người quen, bà đã ký một loạt giấy tờ và đồng ý giao sổ đỏ, chứng minh thư, sổ hộ khẩu cho bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Nam Phong (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) để vay 150 triệu đồng.

Sau khi cho bà Lệ vay tiền, bà Yến đã cầm giấy tờ bỏ trốn, mãi khi xã hội đen và cả cán bộ ngân hàng xuống xem nhà để thu hồi nợ, bà Lệ mới biết nhà của mình đã bị bà Yến mang đi thế chấp. Sau khi vỡ lẽ, ngân hàng cũng mới phát hiện mình bị lừa và không phát mãi nhà bà Lệ. Nhưng đến nay, cả bà Lệ lẫn phía ngân hàng vẫn chưa thu hồi được tài sản, dù sự việc đã xảy ra 3-4 năm.

Nhiều người dân đã đem số tiền dành dụm cả đời để đi góp phường chơi hụi. Người cầm tiền cao chạy xa bay không để lại chút manh mối gì. Còn một số trường hợp khác mắc bẫy lừa đảo dẫn tới bị mất nhà.

Đánh vào lòng tham

Nguyên nhân nào khiến cho hoạt động tín dụng đen ăn sâu được các hang cùng ngõ hẻm. Hình thức chơi hụi, chơi phường, vay nóng “bám” đến tận các cơ quan, công sở, từ miền xuôi ngược lên miền núi.

Thứ nhất những người đi cầm cố tài sản thường lâm vào cảnh “bí” về kinh tế khi các công việc cấp thiết trong thời gian ngắn, mà không có cách làm nào tốt hơn, hoặc cần tiền phục vụ cho mục đích không được rõ ràng, thậm chí là cờ bạc, lô đề... nên bị “ép” vay nặng lãi.

Thứ hai, do tâm lý cả tin . Với sự mách nước của người quen, người ta sẵn sàng đặt bút ký vào các hợp đồng không rõ ràng nhưng khi vỡ lở ra mới biết bị lừa. Nhiều trường hợp thiếu tiền đã chạy đến cửa ngân hàng nhưng do thủ tục phức tạp trong khi đó tìm đến các cửa vay nặng lãi không cần khai báo mục đích vay, thậm chí không cần thế chấp, chỉ cần một tờ giấy ghi nợ.

Thứ ba, tín dụng đen vẫn có đất sống là do đánh vào lòng tham muốn làm giàu chóng vánh. Như trường hợp của chị Thu Hải ở Đình Thôn là minh chứng rõ nhất, chị gom tiền và góp tiền đưa cho người ngoài. Chị Hải thấy phần lãi được trả gấp đôi, gấp ba lãi ngân hàng nên tìm cách huy động vốn. Trong khi đó bản thân con nợ, để tăng thêm niềm tin huy động, đã sắm ô tô hạng sang, thường xuyên biếu tiền mặt, quà… cho chủ nợ để chứng tỏ mình là người làm ăn lớn.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, đa số người đi vay mắc bẫy tín dụng đen không có kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân, nhiều người để được vay đã sẵn sàng ký mọi giấy tờ, mà không lường trước hậu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mê trận tín dụng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO