Đây là một trong những đánh giá đáng chú ý của nhiều đại biểu chỉ ra đối với hoạt động xuất khẩu lao động tại hội thảo “Công tác truyền thông với lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng” được tổ chức mới đây.
Nhiều doanh nghiệp mải chạy theo số lượng
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp XKLĐ có giấy phép đang hoạt động, các doanh nghiệp XKLĐ cũng đã nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động tại các nước để đưa người lao động động đi làm việc có thời hạn, với nhiều ngành nghề phù hợp và mức thu nhập cao, ổn định.
Nhờ đó đã góp quan trọng trong công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân khoảng 130.000 – 135.000 người lao động, đạt tỷ lệ 10% trong công tác giải quyết việc làm của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm với người lao động, vẫn còn một số doanh nghiệp XKLĐ làm ăn chưa hiệu quả, không trung thực, gây ảnh hưởng đến hình ảnh công tác XKLĐ trong thời gian qua.
Phản ánh về thực trạng đưa người đi làm việc ở nước ngoài, bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn thẳng thắn cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng “bát nháo” của không ít doanh nghiệp XKLĐ.
Nhiều doanh nghiệp không trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cố tình cung cấp thông tin sai, “đem con bỏ chợ”, khiến người lao động lâm vào tình cảnh bơ vơ, khi về nước thì mắc nợ, đã nghèo lại còn nghèo thêm.
Bên cạnh đó, những chi nhánh, công ty XKLĐ trái phép, công ty “cò” thành lập tràn lan, đăng tải thông tin tuyển dụng XKLĐ trên internet lừa gạt người lao động rồi bỏ trốn… làm ảnh hưởng xấu đến bức tranh XKLĐ chung.
Một thực trạng nữa cũng được bà Cúc chỉ ra, đó là người lao động bỏ trốn vẫn còn nhiều khi ra nước ngoài làm việc. Nguyên nhân của tình trạng này theo bà Cúc, là doanh nghiệp thu phí của người lao động nhiều dẫn đến khi đi xuất khẩu không đủ để trả nợ; công tác đào tạo người lao động còn chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến mâu thuẫn giữa doanh nghiệp với người lao động…
Cần tăng cường truyền thông
Đánh giá về công tác XKLĐ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, về cơ bản, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp vẫn không ngừng được nâng cao, không chỉ giới thiệu cho người lao động nhiều đơn hàng tốt – với công việc thuận lợi, môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, mà còn có nhiều giải pháp hỗ trợ đối tượng người lao động có điều kiện tiếp cận với thị trường lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nghiệp XKLĐ vững mạnh, nhưng bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn có tâm, có đạo đức, có trách nhiệm cao với người lao động, thì vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm, đặt nặng yếu tố lợi nhuận mà xem nhẹ quyền lợi của người lao động.
“Để phát huy những điểm sáng, hạn chế những mặt tiêu cực, hệ thống báo chí, truyền thông cần sát cánh với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, làm sao để người lao động ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin chính thống, chính xác về tình hình thị trường lao động, việc làm ngoài nước, đồng thời dư luận xã hội cũng hiểu đúng hơn về những đóng góp của hoạt động XKLĐ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Diệp nói.
Đồng tình với đề xuất của thứ trưởng Diệp, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để hạn chế, tránh tổn thất cho người lao động và bảo vệ uy tín cho các công ty XKLĐ hoạt động nghiêm túc, rất cần sự hỗ trợ truyền thông từ báo chí để thông tin đến người lao động một cách rõ ràng và cụ thể về các doanh nghiệp được Bộ LĐTB&XH cấp phép, các ngành nghề tuyển dụng, các điều kiện hợp đồng, các mức phí của từng thi trường.