Tiếng gọi miền Nam

Lê Ái 19/07/2021 08:00

Những ngày này, tiếng gọi miền Nam lại vang lên tha thiết và đầy day dứt. Nhưng cũng chính những ngày này, chúng ta lại càng cảm nhận sâu sắc tình dân tộc, nghĩa đồng bào từ miền Bắc, miền Trung đang hướng về miền Nam.

Sau 46 năm giải phóng và thống nhất đất nước, miền Nam, trong đó có TP HCM đã vượt qua nhiều thử thách, chuyển mình đi lên với nhiều thành tựu to lớn. TP HCM đã trở thành đầu tàu kinh tế của đất nước, trở thành thành phố quan trọng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Nhưng trong “cơn bão” đại dịch, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân. Vẫn biết Covid-19 là “sát thủ vô hình”, con người phải gồng mình gánh chịu, vậy mà dịch bệnh bùng phát khiến một thành phố sôi động nhất nước bị “đau”, khiến nhiều tỉnh miền Nam phải giãn cách xã hội thì ai cũng xót xa.

Trong đại dịch mới thấm sự khó khăn ngày một kéo đến nhiều hơn, dai dẳng hơn. Nhưng sống giữa tâm dịch thì những người yếu thế, người nghèo, người lao động càng thêm vật vã vì khó khăn chồng chất.

Dịch giã đã lấy đi những đồng tiền ít ỏi của người nghèo khi họ không có việc, bị giảm giờ làm hoặc thất nghiệp hoàn toàn. Đặc biệt là với đợt dịch lần thứ tư vẫn đang diễn biến quá phức tạp ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Chưa kể, hệ thống y tế đang trở nên quá tải với những ca mắc mới lên đến con số hàng ngàn mỗi ngày.

Trước khó khăn chồng chất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: Dành tất cả những gì tốt nhất cho TP HCM chống dịch.

Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là lời hiệu triệu, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội. Mặt trận nhiều tỉnh, thành phố cũng đã gửi thư kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ miền Nam.

Tiếng gọi miền Nam vang lên day dứt. Từ miền Bắc cho đến miền Trung, từ miền ngược cho đến miền xuôi, người với người không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo đã đáp lời thiết tha. Bởi vì đó là một phần của đất nước, một phần máu thịt mà chúng ta vẫn thường gọi bằng hai tiếng thiêng liêng - đồng bào. Cho nên miền Nam - TP HCM không bao giờ đơn độc.

Hơn 4.400 nhân viên y tế trên cả nước đã tới TP HCM để hỗ trợ chống dịch. Hàng trăm ngàn tấn rau củ quả, lương thực được người dân từ các vùng miền “có gì góp nấy” hướng tới miền Nam để chia sớt khó khăn. Trong đó, có ân tình sâu nặng của người miền Trung - nơi mà năm nào bão lũ cũng bủa vây, nơi mà năm nào người miền Nam cũng có mặt để hỗ trợ, san sẻ.

Ơn nghĩa ấy được đong đầy từ quả bầu, quả bí trong vườn nhà, từ hộp muối vừng, hộp ruốc sả cho đến con cá nục được cấp đông của người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế... Những chuyến xe ân tình, những chuyến tàu vượt biển miễn phí cứ thế nối đuôi nhau dọc dài đất nước hướng về miền Nam thân yêu.

Ông Lê Đức Thịnh, người công giáo ưu tú đầu tiên của Việt Nam và châu Á - người được Giáo hoàng phong tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá, và là một công dân của TP HCM đã nhắn tin cho người viết để bày tỏ sự xúc động của mình trước những ân tình ấy.

Ông bảo rằng, việc đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cho công tác phòng, chống dịch việc nào cũng đáng trân trọng. Nhưng khi nhìn thấy hình ảnh những người nông dân nghèo cặm cụi mang đến bao lạc giống, từng quả bầu quả bí để gửi vào miền Nam thì mắt ông cay xè.

“Họ đã gửi cả một mùa mưa nắng. Họ đã dốc cả tấm lòng. Miền Nam chúng tôi sẽ đón nhận những món quà ấy bằng tất cả tấm lòng”, ông Lê Đức Thịnh xúc động chia sẻ trong tin nhắn.

Tấm lòng ấy cũng như một lời nhắc nhở, sống trong đại dịch, chúng ta trở thành những phiên bản mới hơn của chính mình, thích nghi với 5K, chờ đến lượt tiêm vaccine và san sẻ với những người đang lâm vào gian khó.

Và đôi khi chỉ là một lời động viên, một dòng tin nhắn, tưởng chừng nhỏ bé nhưng cũng đủ giúp nhau đứng dậy, vượt qua nghịch cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng gọi miền Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO