TP Hồ Chí Minh đã bước sang tuần thứ hai trong đợt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh việc khoanh vùng, dập dịch, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thì câu chuyện cung ứng lương thực, thực phẩm đảm bảo cuộc sống, sức khỏe cho người dân là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu hơn
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi, TP HCM đã đưa ra 3 kịch bản dịch bệnh Covid-19 sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Kịch bản 1: TP HCM kiểm soát được dịch Covid-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện Chỉ thị 16; có thể là Chỉ thị 16 “trừ” hay Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19.
Kịch bản 2: TP HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện Chỉ thị 16 “cộng” ở một số địa bàn.
Kịch bản 3: Dịch bệnh Covid-19 gia tăng mạnh mẽ, thậm chí mất kiểm soát buộc TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.
Khan hàng, tăng giá
Mặc dù trước khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ 0h ngày 9/7), TP HCM đã tính toán đến câu chuyện nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho thành phố chục triệu dân này.
Cụ thể, Sở Công thương TP HCM đã công khai 2.833 điểm bán các mặt hàng thiết yếu với đầy đủ thông tin từ địa điểm, số điện thoại liên lạc, hình thức giao hàng.
Theo đó, Quận 1 có 135 điểm, Quận 3 có 74 điểm, Quận 4 có 58 điểm, quận 5 có 69 điểm, Quận 6 có 74 điểm, Quận 7 có 168 điểm, quận 8 có 112 điểm, quận 10 có 86 điểm, Quận 11 có 52 điểm, quận 12 có 165 điểm, quận Tân Bình có 194 điểm, quận Bình Thạnh có 224 điểm, quận Gò Vấp có 183 điểm, quận Phú Nhuận có 78 điểm, quận Tân Bình có 177 điểm, quận Tân Phú có 149 điểm, huyện Bình Chánh 114 điểm, huyện Cần Giờ 10 điểm, Củ Chi 75 điểm, Hóc Môn 88 điểm, Nhà Bè 60 điểm và TP Thủ Đức 488 điểm.
Nhưng, chỉ vài ngày sau khi thực hiện giãn cách, hiện tượng khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng cao so với ngày thường đã xuất hiện. Đáng tiếc, hiện tượng tăng giá không chỉ tại các chợ nhỏ lẻ, mà xuất hiện ngay trong các hệ thống siêu thị.
Như tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, có thời điểm, giá rau muống hạt baby tươi bán ra đã lên tới hơn 50.000 đồng/kg; xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg... Mức tăng còn xuất hiện tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm, rau củ: rau muống 300gr giá 19.000 đồng, khổ qua 300gr 22.000 đồng/phần...
Đặc biệt, các loại rau gia vị như hành lá, ngò, ớt tươi, gừng... giá cũng tăng gấp 2-3 lần so với trước, thậm chí nhiều nơi không có hàng.
Lập phương án mở “luồng xanh” đường thủy
Sở GTVT TP HCM đang khẩn trương nghiên cứu triển khai để tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu giữa các tỉnh miền Nam và TP HCM. Theo đó, sẽ tận dụng các tàu cao tốc du lịch đang tạm dừng hoạt động để cung ứng hàng hóa; hiện nay Sở GTVT TP HCM đang phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để thống nhất phương án và cấp phép hoạt động. Đây cũng sẽ là giải pháp rất hiệu quả để tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của khu vực miền Nam, đảm bảo nhanh chóng, thông suốt, hạn chế tiếp xúc.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiếm Việt Nam phải phối hợp, lập phương án và khẩn trương cấp phép hoạt động để hoàn toàn thống nhất phương án của TP HCM về tổ chức thêm luồng xanh đường thủy để vận chuyển hàng hóa thực phẩm, rau củ quả, ưu tiên sử dụng các tàu cao tốc hiện đang không hoạt động.
Vẫn thiếu rau củ quả và trứng gia cầm
Theo Sở Công thương TP HCM, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày người dân thành phố cần 7.000 tấn thực phẩm gồm rau, củ, trái cây, thịt gia súc, gia cầm.
Khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động, việc cung ứng gặp khó khăn, sản lượng thông qua các chợ đầu mối chỉ đạt 2.700 tấn, giảm hơn 50%.
Bên cạnh đó, việc người dân mua nhiều hơn và có xu hướng dự phòng, tích trữ cũng khiến nguồn hàng tại các chợ, siêu thị hết nhanh.
Ngoài ra, lý giải nguyên nhân nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm khan hiếm và tăng giá, đại diện một số hệ thống siêu thị cho rằng, hàng về thành phố phải qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến thời gian, chi phí vận chuyển tăng đáng kể (cộng thêm giá xăng tăng) và tỉ lệ hư hao tăng cao.
Bên cạnh đó là chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển; hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công; hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông...
Ngay sau khi phát hiện tình trạng này, UBND TP HCM đã tiến hành nhiều giải pháp tháo gỡ.
Ngày 13/7, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương ký gửi hỏa tốc văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện.
Đồng thời, nhằm chia sẻ với các cơ quan chức năng trong việc bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, từ 16/7, Bưu điện TP HCM đã tổ chức cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại các điểm phục vụ là các bưu cục.
Tổng cộng có 179 điểm bán một số hàng hóa thiết yếu (tại các bưu cục) và 22 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn TP HCM đã được Bưu điện Việt Nam phối hợp với Sở Công thương kích hoạt để phục vụ người dân TP HCM.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp, song, theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương, TP HCM đang thiếu nguồn cung các mặt hàng như rau củ quả và trứng gia cầm. Sự thiếu hụt này, theo ông Phương, có nguyên nhân: các địa phương cùng áp dụng Chỉ thị 16 khiến nhiều người miền Tây cũng tranh thủ trữ mặt hàng này.
Do đó, các nhà cung cấp tại TP HCM khó thu mua và luôn trong tình trạng không đảm bảo được nguồn hàng đáp ứng nhu cầu người dân.
"Chúng tôi mong các tỉnh không chỉ hỗ trợ việc kết nối nguồn hàng cho TP HCM mà việc lưu thông cũng cần có sự thống nhất để không bị ách tắc khi vận chuyển", ông Phương đặt vấn đề.
Cần đảm bảo nguồn hàng đều đặn
Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần áp dụng giãn cách xã hội, câu chuyện đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác đã bộc lộ nhiều lỗ hổng. Để sẵn sàng ứng phó tình huống dịch bệnh có thể xấu hơn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam cần ngay lập tức xây dựng và áp dụng những kịch bản để ứng phó. Trong đó, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Theo chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú, do dịch phát sinh rộng, nhanh chóng, sức mua hàng hóa của các gia đình tăng mạnh. Với tâm lý dự trữ khi bị giãn cách xã hội, cùng quy mô dân số lớn lên tới hàng chục triệu người, dẫn tới khối lượng phục vụ bán lẻ hàng hóa lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu của hệ thống phân phối thành phố là rất lớn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định: Qua 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16, TP HCM cần rút ra những bài học về tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối của mình, bao gồm các chợ dân sinh, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini.
Bài học đầu tiên, theo ông Phú, đó là tổ chức nguồn hàng cho hệ thống phân phối thành phố, phải đảm bảo liên tục đều đặn không đứt gãy bởi những trở ngại của việc phòng, chống dịch trên các cung đường vận chuyển đến thành phố; tạo những luồng xanh vận chuyển liên tục hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu tiêu dùng của nhân dân.
Việc này cần có sự phối hợp của các ngành: giao thông vận tải, các địa phương cung ứng hàng cho thành phố, công an, y tế quản lý thị trường... Chắc chắn phải có một tổ chức chỉ huy thống nhất để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh hàng ngày, hàng giờ.
Có như vậy, hàng hóa đến thành phố sẽ không bị đứt đoạn, tạo ra tâm lý ổn định khi mua hàng của người tiêu dùng và giá cả sẽ không có những đột biến lớn.
Để nhanh chóng đáp ứng nguồn rau củ quả cho người dân TP HCM, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty Greenline DP cũng đã đề xuất sử dụng tàu cao tốc để vận chuyển rau củ quả về TP HCM nhanh nhất. Mỗi chuyến tàu cao tốc có thể chở khoảng 20 tấn rau, củ quả, tương ứng với khối lượng vận tải 30-40 xe tải rau nhỏ. Điều này vừa tạo điều kiện nhanh chóng đưa thực phẩm về đáp ứng nhu cầu người dân thành phố, đồng thời giảm tải trong vận chuyển đường bộ.
Đây được coi là một ý tưởng phù hợp với đặc điểm của TP HCM trong điều kiện dịch bệnh bủa vây như hiện nay.
Thứ hai, bài học về dự trữ ở khâu lưu thông. Với sức mua và khối lượng tiêu thụ lớn hàng ngày, hệ thống bán lẻ nói chung không thể không có cơ số dự trữ hàng hóa nhất định, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Dù dự trữ ở chợ đầu mối hay kho hàng ở các đơn vị bán lẻ, với một lượng hàng nhất định, để có thể tổ chức bán ra đều đặn là một điều rất cần thiết.
Vị chuyên gia kinh tế thương mại này phân tích: Bài toán dự trữ 2-3 tháng, tuy sẽ phải bỏ ra một lượng vốn nhất định, song chúng ta không chỉ đơn thuần tính bằng chi phí dự trữ mà ý nghĩa cao hơn, được nhiều hơn đó là sự ổn định tâm lý mua bán của người dân thành phố, giá cả được duy trì tương đối ổn định, xã hội được ổn định, người xấu khó có thể lợi dụng mua vét hàng hóa đẩy giá lên cao một cách phi lý.
Thứ ba, là bài học về công tác quản lý thị trường trong khi có dịch.
Các lực lượng công an kinh tế, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường tài chính giá cả,... cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm trọng điểm, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đầu cơ tăng giá lợi dụng khi có dịch để kiếm chác lợi nhuận một cách phi pháp.
“TP HCM, Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, khi có dịch phát sinh, cần nắm vững những nguyên tắc định hướng quan trọng để tổ chức tốt hệ thống phân phối của địa phương nhằm phục vụ người tiêu dùng một cách chắc chắn, hiệu quả, nhân văn nhất trong bất kể tình huống nào xảy ra trên các địa bàn. Đó là: Khơi thông nguồn hàng, tổ chức lại hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng hóa, kiểm soát quản lý thị trường”, ông Phú nhấn mạnh.
Xác minh tình trạng tăng giá sản phẩm thiết yếu
Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân phản ánh về tình trạng tăng giá các mặt hàng, đặc biệt là rau củ tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, cuối tuần qua, Đoàn công tác liên ngành do Cục Quản lý thị trường TP HCM chủ trì đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng để xác minh vụ việc trên.
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, đối với những mặt hàng liên quan chống dịch như vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng bà con tiêu dùng hàng ngày như rau củ quả, thịt, cá trứng... lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên nắm bắt, tiếp nhận thông tin, có mặt ở địa bàn để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm.
Cục Quản lý thị trường TP HCM công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân phản ánh các hành vi sai phạm.