Giám sát xây dựng nông thôn mới

Tuệ Phương 22/12/2017 09:30

Với mục tiêu tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành giám sát trực tiếp và giám sát tại một số địa phương. Qua giám sát cho thấy diện mạo giao thông nông thôn đã thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Giám sát xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Thay đổi nhận thức cũ

Có mặt ở trung tâm xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang, Thành phố Sông Công, chúng tôi thấy rất đông người dân đang tập trung thi công đoạn đường bê tông liên xóm, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: Tân Mỹ 1 là xóm “đi sau” trong xây dựng nông thôn mới so với 11 xóm khác bởi trước kia nhận thức về xây dựng nông thôn mới của bà con chưa “thông”, nhưng hiện tại đây lại là nơi bà con tham gia tích cực nhất.

Ai cũng hiểu xây dựng nông thôn mới chính là làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Chỉ trong 3 năm gần đây, đã có hàng chục hộ dân của xóm hiến hơn 10.000m2 đất vườn tạp, đất ruộng và thổ cư, đóng góp hàng trăm triệu đồng làm 1,2km đường bê tông.

“Điều chúng tôi thấy tự hào nhất trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện là đã làm thay đổi nhận thức của cả cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng nông thôn mới”, ông Việt nhấn mạnh.

Một trong những điển hình trong xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Quang đó là gia đình bà Ngô Thị Canh, xóm La Chưỡng đã tự nguyện hiến hơn 200m2 đất vườn để xóm làm đường bê tông nông thôn. Lúc đầu việc vận động hiến đất cũng gặp nhiều khó khăn vì gia đình bà đông con, đất sản xuất còn thiếu.

Tuy nhiên, khi nhìn lại đoạn đường lầy lội, các cháu đi học vất vả kết hợp với sự tuyên truyền tích cực của ban Công tác Mặt trận, trưởng thôn cùng các tổ chức đoàn thể, bà Canh cùng các thành viên trong gia đình đã hiểu ra vấn đề, tự nguyện hiến đất.

Tại huyện Đồng Hỷ mặc dù đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nhưng địa phương đã có cách làm sáng tạo trong vận động chung sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, nổi bật nhất là vận động người dân hiến đất, dịch tường rào để làm đường giao thông nông thôn.

Theo bà Vi Thị Vạn, Chủ tịch UBMTTQ huyện Đồng Hỷ, để có được kết quả như hiện nay, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền đến từng hộ gia đình về mục đích, ý nghĩa của việc này.

“Để góp phần động viên những tấm gương điển hình, hàng năm tỉnh đều tổ chức biểu dương những hộ gia đình hiến đất tiêu biểu. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính lâu dài cũng như tuổi thọ của các công trình xây dựng cơ bản, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được huy động để tập trung giám sát chất lượng vật liệu, giám sát việc thi công để đảm bảo đúng tiến độ, giám sát chất lượng công trình…”, bà Vạn chia sẻ.

Tiếp tục triển khai đồng bộ

Theo ông Lý Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên, vừa qua UBMTTQ tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương.

Trong đó, đoàn giám sát của UBMTTQ tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại các huyện Định Hóa, Võ Nhai và thị xã Phổ Yên, giám sát gián tiếp tại thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình.

Qua giám sát cho thấy diện mạo trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông của nhiều địa phương đã thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020.

Để thực hiện công tác giảm nghèo, các điều tra viên đã rà soát, nhận dạng nhanh hộ nghèo, hộ cận nghèo và tiến hành điều tra. Kết quả chấm điểm được công khai theo đúng quy định và trình UBND cấp huyện ban hành quyết định công nhận. Qua rà soát, tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 35.683 hộ nghèo, 27.893 hộ cận nghèo.

“Việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững đã được các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả thiết thực. Qua triển khai, đội ngũ cán bộ các cấp được nâng cao năng lực chuyên môn, nhân dân được thụ hưởng những lợi ích từ các dự án như: giao thông, nước sạch, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường sống ngày càng đảm bảo, được tạo điều kiện vay vốn và hỗ trợ để mua máy móc nông cụ phát triển kinh tế....

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có một số hạn chế chưa được xóa như tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ý thức vươn lên thoát nghèo của nhiều gia đình tại các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa cao...”, ông Thọ chia sẻ.

“Có được kết quả như hôm nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền đến từng hộ gia đình về mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Đến nay, người dân đã ý thức rất rõ việc làm này có vai trò to lớn như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của địa phương”, ông Thọ chia sẻ.

Kết thúc năm 2017, tỉnh có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 13 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên; 55 xã đạt 10 tiêu chí trở lên; 19 xã đạt từ 7 tiêu chí trở lên; có 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát xây dựng nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO