Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Anh Đức, bên cạnh những thuận lợi và đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân là cơ bản, thì việc sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Tất cả những khó khăn này đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh từng bước tháo gỡ.
Giai đoạn nước rút
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã trong giai đoạn “nước rút”, trùng vào thời điểm chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Vì thế, việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương trong khoảng thời gian ngắn ít nhiều sẽ có những tác động, khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ở cấp cơ sở.
Hiện nay, huyện Đức Thọ tiến hành xây dựng phương án sáp nhập từ rất sớm, huyện này sẽ có số xã giảm nhiều nhất toàn tỉnh: 12 xã. Theo Đề án, trong năm 2019, Đức Thọ sẽ tiến hành sắp xếp 28 xã, thị trấn xuống còn lại 16 xã, thị trấn. “Đẻ ra thì dễ nhưng thu lại rất khó”- đó là nhận định của ông Võ Công Hàm- Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khi nói về việc sáp nhập ĐVHC. Theo ông Hàm, sáp nhập huyện, xã là chủ trương rất đúng đắn, cần thiết, tuy nhiên cần nhận diện rõ những khó khăn, bất cập để có bước đi, lộ trình thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
Cũng theo ông Hàm, xây dựng phương án sáp nhập ĐVHC cấp xã, huyện không chỉ đơn thuần xét về các tiêu chí “cứng” là dân số và diện tích mà còn phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố “mềm”. Đó là đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội. Để hình thành được đề án sáp nhập đã là một bài toán lớn đối với mỗi địa phương ở Hà Tĩnh chứ không riêng gì huyện Đức Thọ.
Tại Can Lộc, từ cuối 2018, huyện đã tập trung tuyên truyền, truyền tải chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp xã đến từng người dân, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức rà soát toàn bộ các xã, thị trấn và xác định các xã không đảm bảo 50% của cả 2 tiêu chí buộc phải sắp xếp. Theo đó, địa phương này có 8 xã thuộc diện phải sáp nhập là: Kim Lộc, Song Lộc, Trường Lộc, Yên Lộc, Vĩnh Lộc, Khánh Lộc, Tiến Lộc và thị trấn Nghèn. Trong đó, có 2 nhóm 3 xã sáp nhập làm 1, Tiến Lộc sáp nhập vào thị trấn Nghèn. Sau sáp nhập, huyện Can Lộc sẽ giảm được 5 xã.
Theo ông Đặng Trần Phong- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc, quá trình sáp nhập xã của địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngoài việc phải thực hiện gấp rút thì từ trước đến nay đã nhiều lần có chủ trương tách - nhập ĐVHC các cấp, điều này khiến nhân dân có nhiều tâm tư. “Đặc biệt, những năm gần đây, các địa phương tập trung nhân lực, vật lực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, đồng bộ. Bây giờ sáp nhập sẽ lãng phí không ít. Điều này không chỉ nhân dân băn khoăn mà cấp ủy, chính quyền các cấp cũng gặp khó trong việc giải bài toán cơ sở hạ tầng sau sáp nhập”- ông Phong bày tỏ.
Quả thật, các xã cũ sau khi sáp nhập nếu không có phương án sử dụng hợp lý sẽ dư thừa nhiều, nhất là trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn. Theo thống kê, sau khi sắp xếp xã, có 34 trụ sở hành chính trước mắt được sử dụng để làm trụ sở xã mới, 46 trụ sở hành chính dư thừa (trong đó có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đảm bảo yêu cầu hoạt động, 4 trụ sở xuống cấp)…
Khó nhất là công tác cán bộ
Không chỉ cơ sở hạ tầng mà công tác sắp xếp, bố trí cán bộ cũng là vấn đề trọng tâm, là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xây dựng phương án, thực hiện các chính sách giải quyết đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập là bài toán khó giải nhất do liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như ngân sách, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ông Đặng Trần Phong- Phó Bí thư Thường trực huyện Can Lộc băn khoăn, việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cho xã mới gặp rất nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay cơ bản đã được chuẩn hóa theo quy định, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Bên cạnh đó số lượng cấp trưởng, nhất là cán bộ cấp phó dư thừa, sau khi sáp nhập 3 xã với nhau thì việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức cho xã mới khá bất cập. “Công tác cán bộ làm sao phải đảm bảo “gọn” nhưng phải “tinh”. Nếu thực hiện không tốt sẽ tác động lớn đến tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân”- ông Phong phân tích.
Ngoài ra, nhiều xã thuộc diện sáp nhập đang “đau đầu” với tình trạng nợ đọng, nhất là nợ xây dựng cơ bản, thậm chí là nợ đọng kéo dài và có một số chính sách liên quan trực tiếp đến người dân với các mức độ khác nhau chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng nợ cũ và các chính sách tồn đọng của người dân không được giải quyết dứt điểm dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, gây bức xúc, bất bình trong doanh nghiệp và nhân dân. Nợ xây dựng cơ bản ở các xã thuộc diện sáp nhập ít nhất là 2 tỷ đồng, thậm chí có xã nợ hơn 20 tỷ đồng...
Theo số liệu từ Sở Nội vụ Hà Tĩnh, khi tiến hành sắp xếp ĐVHC 80 xã (giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới), Hà Tĩnh sẽ dừng bố trí 789 cán bộ, công chức và 1.451 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Để giải quyết chế độ cho đội ngũ dư thừa này là vấn đề hết sức nặng nề, đè nặng lên vai những người xây dựng quyết sách và tài chính của địa phương. Và vấn đề lựa chọn cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cho xã mới sau sáp nhập lại rất nhạy cảm.
(Còn nữa)