Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong 5 năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng ở hầu hết các lĩnh vực. Trong kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của những người làm công tác Mặt trận.
Nhân dịp Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương.
Một hoạt động hỗ trợ người nghèo của đại diện Mặt trận tỉnh Bình Dương.
PV:Ông có thể cho biết những kết quả ấn tượng trong nhiệm kỳ qua của tỉnh Bình Dương?
Ông Nguyễn Văn Lộc: Nhiệm kỳ qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; vị thế quốc tế của tỉnh ngày càng được khẳng định qua hoạt động đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn về chính trị, đối ngoại - kinh tế mang tầm quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.
Trong những thành tựu trên đều có sự đóng góp quan trọng của MTTQ các cấp trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước. MTTQ tỉnh Bình Dương là tập hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh, với 31 tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Bình Dương định cư ở nước ngoài. Đồng thời, trước những nhu cầu phong phú và những lợi ích thiết thực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhiều tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, hội quần chúng, câu lạc bộ đã hình thành và phát triển đa dạng, luôn đồng hành cùng MTTQ các cấp, có nhiều đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. MTTQ cùng chính quyền các cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích, từng bước đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của hội viên và nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết, khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định và phát triển tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong những thành tựu trên, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh Bình Dương được thể hiện thông qua những kết quả cụ thể nào, thưa ông?
- Các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phát động đều hướng về khu dân cư với nhiều mô hình tự quản và cách làm sáng tạo. Bằng cách giới thiệu mô hình qua các hội nghị sơ, tổng kết, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhiều mô hình tự quản của nhân dân đã được các địa phương nhân rộng. Qua đó, huy động sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của các tầng lớp nhân dân, đóng góp thiết thực vào đời sống của từng cộng đồng dân cư.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan chức năng triển khai lồng ghép các phong trào thi đua yêu nước với các đề án gắn với các cuộc vận động nhằm xây dựng các mô hình tự quản như: “MTTQ tham gia phòng, chống tội phạm”, “MTTQ tham gia phòng, chống ma túy”, “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS”; “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” tại các khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, với 733 mô hình. Qua triển khai thực hiện trong những năm qua, có thể khẳng định hiệu quả của các phong trào, đề án và các mô hình điểm là rất lớn. Vai trò tự quản, chủ động của quần chúng nhân dân trong cộng đồng dân cư về tố giác, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ được nâng lên rõ rệt.
Công tác giám sát và phản biện xã hội được MTTQ các cấp quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong nhiều lĩnh vực, nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn và sát với những vấn đề mà nhân dân địa phương quan tâm. Qua giám sát và phối hợp giám sát, đã kịp thời phát hiện chỉ ra những bất cập, khó khăn trong quá trình quản lý, điều hành cũng như trong việc thực hiện các chủ trương, pháp luật, quy định của Nhà nước và địa phương, đưa ra những kiến nghị, đề xuất, các giải pháp hữu hiệu, thiết thực, giúp cho chính quyền, các cơ quan Nhà nước khắc phục những tồn tại, hạn chế. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết cho người dân.
Đối với hoạt động phản biện xã hội, bên cạnh việc tham gia góp ý, phản biện vào các đề án, các dự án luật quan trọng và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, MTTQ các cấp trong tỉnh Bình Dương từng bước chủ động lựa chọn và đề xuất nhiều nội dung với cấp ủy, HĐND, UBND các cấp để tiến hành thực hiện phản biện xã hội. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã tổ chức được 19 hội nghị phản biện, đồng thời tham gia góp ý, phản biện vào các dự thảo đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, với trên 1.200 cuộc.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11 hàng năm). Việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, trao tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà cho hộ nghèo, tổ chức bữa cơm đại đoàn kết, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong Ngày hội đã động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Trong 5 năm qua, 100% khu dân cư đã tổ chức ngày hội.
Ông Nguyễn Văn Lộc.
Tỉnh Bình Dương hiện là địa phương duy nhất của cả nước được công nhận không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia. Vậy nhiệm kỳ qua, tỉnh đã có những cách làm như thế nào để đạt được kết quả đó, thưa ông?
- Đến cuối năm 2018, theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều của tỉnh, toàn tỉnh có 4.707 hộ nghèo (tỷ lệ 1,62%), trong đó hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh là 2.819 hộ (0,97%), hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1.888 hộ (0,65%), hộ cận nghèo là 2.883 hộ (0,99%).
Bên cạnh việc thường xuyên thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện, nhân đạo và công tác cứu trợ cũng được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện kịp thời, hiệu quả. Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân”, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức và nhân dân đóng góp nguồn lực chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo. Kết quả, từ năm 2014 đến nay, đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo các cấp được gần 38,6 tỷ đồng.
Từ nguồn tiền ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ các cấp đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo theo đúng nội dung, đối tượng được quy định như: hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất, khám chữa bệnh, con em hộ nghèo đi học; thăm tặng quà Tết cho người nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, công nhân xa quê có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo, khó khăn mắc bệnh tim bẩm sinh; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, các mạnh thường quân thực hiện các chương trình an ninh xã hội với tổng số tiền gần 110 tỷ đồng.
5 năm qua, MTTQ các cấp cũng đã tiếp nhận được gần 40,6 tỷ đồng; tổ chức nhiều đoàn đi cứu trợ và chuyển tiền hỗ trợ đến các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gần 26,8 tỷ đồng.
Phương hướng, mục tiêu hoạt động của MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào để phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, thưa ông?
- Từ những thuận lợi và thách thức về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đã đặt ra cho MTTQ các cấp nhiệm vụ tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới là hết sức khó khăn và nặng nề. Mặt trận phải thay đổi cách tiếp cận và phương pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân đồng thuận xã hội, nhất là các chủ trương về thu hồi đất để giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
MTTQ các cấp tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy nhân dân sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020, thành phố thông minh với mục tiêu nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho người dân, tiến tới đô thị văn minh, giàu đẹp.
Trân trọng cảm ơn ông.