Tiếp nối những cuộc đời văn chương

NGUYỄN VĂN HỌC 17/09/2022 15:16

Nhiều di tích gắn với tên tuổi các nhà thơ, nhà văn đã trở thành di sản văn hóa, di tích, khu du lịch - nơi để cuộc đời các tác giả được tiếp nối. Và để gìn giữ những dòng chảy văn chương ấy thì các di sản đó cần phải được quan tâm hơn nữa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng trước Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến ở Hà Nam.

Điểm đến hấp dẫn

Từ bắc đến nam có nhiều nhà lưu niệm như: Nhà lưu niệm Tố Hữu tại Huế; Nhà lưu niệm Sơn Nam tại Tiền Giang; Nhà lưu niệm Bích Khê tại Quảng Ngãi; Nhà lưu niệm Trang Thế Hy tại Bến Tre, Khu mộ nhà thơ Phan Văn Trị ở TP Cần Thơ…

Trong số các di tích, Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (thuộc địa bàn xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), là nơi thờ và an táng nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, cùng vợ là Lê Thị Điền và con gái là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh) được bảo tồn rất tốt.

Mỗi năm, khu di tích này thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Hằng năm, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 1 và ngày 3/7 (ngày sinh và ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu).

Lễ hội với nhiều chương trình phong phú như: lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu... Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Theo Ban quản lý Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, khu di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng đền thờ mới và mở rộng khu di tích, nhằm tỏ lòng thành kính đối với cụ, vừa để phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân tỉnh Bến Tre.

Tôi và thế hệ cháu con có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu giá trị của ngôi vườn, ngôi từ đường. Nhất là ngày nay nhiều cảnh đẹp làng quê đã bị mai một bởi quá trình đô thị hóa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng

Ở Hà Tĩnh có một di tích khá nhiều người đến tham quan, đó là Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân. Toàn bộ di tích lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điền nằm rải rác chừng 20 héc ta từ bờ sông Lam đến giáp xứ Đồng Cùng.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, như Giới hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều...

Những di sản văn hóa trong khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học... giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Năm 2012 Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du trở thành Di tích quốc gia đặc biệt”.

Gìn giữ cho đời sau

Hẳn nhiều người thuộc lòng chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, đó là "Thu vịnh", "Thu ẩm", "Thu điếu". Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chùm thơ là những bức tranh thơ bất hủ, đặc tả cảnh mùa thu làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến vẫn được gìn giữ, ở một không gian mộc mạc, thanh bình nhưng vẫn rất nên thơ. Đón khách phương xa, ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn Khuyến, hiện đang trông nom khu di tích đã giới thiệu khái quát về không gian đặc biệt này.

Từ đường ở giữa vườn Bùi thắm xanh và đầy hương thơm. Đây chính là nơi cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã sống sau ngày cáo quan. Vườn trồng nhiều cây vối, mà cụ Nguyễn xuất thân từ đất Nghệ An, nơi gọi cây vối là cây bùi. Vườn Bùi, tức vườn vối, đã trở thành điểm thăm viếng của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa và học sinh sinh viên cả nước. Đến với vườn Bùi, không chỉ là về một địa chỉ văn hóa, được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, mà còn để trải nghiệm một không gian thanh vắng, tĩnh mịch giữa làng quê mang đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Dạo trong không gian thanh tịnh và xanh mát của Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến, tôi cúi mình trước ngôi nhà năm gian lợp ngói, bốn hàng cột được đặt trên hệ thống kèo giá chiêng chồng, trước là dãy của bức bàn gỗ. Những hàng câu đối, sắc phong, các kỷ vật vẫn còn nguyên vẹn. Dạo một vòng quanh ao, lối đi được lát gạch nghiêng, nho nhỏ, xinh xinh, xanh thẫm màu rêu, bóng cây tỏa mát. Tôi bỗng hình dung ra dáng cụ Nguyễn Khuyến hằng ngày chống gậy trúc, ngồi buông cần nghĩ chuyện thế sự.

Ông Nguyễn Thanh Tùng đưa chúng tôi thăm tấm bia đá khắc chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Một sinh viên khôi ngô tuấn tú cất giọng đọc bài "Thu vịnh": “…Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”. Nghe mà lòng rưng rưng, tưởng như mình đang được sống lại không khí của hơn trăm năm về trước.

Ông Tùng am hiểu cuộc đời và thơ cụ Nguyễn. Có thể nói ông là một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, người giữ khói hương ngôi từ đường, thắp xanh cho khu vườn, cho hoa thơm bốn mùa ngào ngạt. Người dân trong làng thổ lộ rằng, hiện nay vợ chồng ông Tùng sống bằng tiền lương hưu, học tiền nhân ở nếp sống giản dị, đạm bạc. Bởi thế, mấy chiếc ao ấy vẫn “ao sâu nước cả khôn chài cá”, chỉ dùng để thả sen, thả súng, dâng hương thơm cho vườn, cho làng.

Ông Tùng khẳng định: “Tôi và thế hệ cháu con có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu giá trị của ngôi vườn, ngôi từ đường. Nhất là ngày nay nhiều cảnh đẹp làng quê đã bị mai một bởi quá trình đô thị hóa”.

Cách Từ đường Nguyễn Khuyến không xa, là Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, thuộc địa bàn xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) - một vùng quê mang đậm bản sắc làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Nằm trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, Khu tưởng niệm có tổng diện tích là 5.460 m2 bao gồm lăng mộ, Nhà tưởng niệm, vườn cây và hồ nước.

Năm 2001 Nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được xây dựng, đến năm 2004 thì hoàn thành. Đến đây du khách còn được chiêm ngưỡng di tích nhà Bá Kiến. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà của Bá Kiến, nhân vật trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao vẫn đứng vững. Đây là một di tích hằng năm đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách.

Theo tài liệu ghi chép lại, ngôi nhà Bá Kiến được xây dựng năm 1904, tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 900 m2, cửa hướng Tây – Nam, thuộc làng Vũ Đại hay còn gọi là Đại Hoàng (nay là làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, tỉnh Hà Nam). Tính đến thời điểm Nhà nước lưu giữ quản lý (2007), ngôi nhà đã qua 7 đời chủ.

Không được “may mắn” như các di tích khác, Khu lưu niệm Tự lực Văn đoàn dù đã có kế hoạch từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng. Nhắc đến phố huyện Cẩm Giang, Hải Dương (xưa là Cẩm Giàng) là nhắc đến Tự lực Văn đoàn. Cẩm Giang là nơi sinh ra và lớn lên của 3 nhà văn trụ cột trong nhóm Tự lực văn đoàn gồm: Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam.

Khu lưu niệm Tự lực văn đoàn được lập ra ở chính cố trạch (đất cũ) của anh em nhà văn Thạch Lam. Vị trí này cách ga Cẩm Giàng khoảng 100 m về phía đông. Ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 50 m2, nền lát gạch hoa luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Các cửa sổ phía trước đã bị bung, sân trước nhà vương đầy lá khô.

Theo tìm hiểu, năm 2008 UBND tỉnh Hải Dương đã đồng ý về chủ trương quy hoạch khu cố trạch và giao UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND thị trấn Cẩm Giang lập quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên từ đó đến nay việc quy hoạch bị dừng lại và chưa biết khi nào triển khai.

Mong rằng, tất cả các di tích, khu lưu niệm liên quan các nhà thơ, nhà văn đều được xây dựng, bảo vệ, phát huy những giá trị, góp phần vào gìn giữ những giá trị nhân văn của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp nối những cuộc đời văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO