Ấn tượng tốt về những cây bút hội tụ ở Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X; những cuộc gặp gỡ; những nguyện vọng được chia sẻ…, cho thấy dấu hiệu lạc quan của việc tiếp tục tinh thần cộng hưởng, đồng hành phát đi từ hội nghề nghiệp. Có những cánh cửa như sắp được mở ra, và cần những thao tác để mở những cánh cửa đó.
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra chỉ trong hai ngày 18 và 19/6/2022, thực sự còn ngắn ngủi so với nhiều điều muốn nói, nhiều ý muốn mong được bày tỏ. Cũng một phần bởi sự eo hẹp này mà hàng loạt hình ảnh hội ngộ, tâm sự cảm kích được nhiều cây bút trẻ đưa lên trang cá nhân của mình như những chia sẻ cho niềm vui náo nức nhân sự kiện khó quên sẽ trở thành kỷ niệm đẹp trong nghề viết này.
Và hàng loạt ý kiến, suy ngẫm, góp ý, đề xuất, gợi mở đa dạng được gửi về trước thềm hội nghị, đăng tải trên ấn phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam như báo Văn nghệ, website vanvn.vn và nhiều tờ báo khác quan tâm, cũng chính là sự bù khuyết cho hai ngày hội nghị với chỉ một phần thảo luận, đối thoại trong buổi sáng khai mạc cùng hai hội thảo nhỏ sáng hôm sau. Không khí, tình cảm, những tiếng nói, và có thể cả những nung nấu trong tâm tư người trẻ cầm bút, dường như đã khiến cho hội nghị được mở ra từ khá lâu, trong thời gian qua. Cũng như vậy, nó gây một cảm giác hơi ngờ ngợ, rằng hình như, hội nghị vẫn… chưa kết thúc hẳn.
Cũng đúng thôi, một hội nghị, dù có thể dài thêm vài ngày nữa, cũng không thể đón nhận và giải quyết được cơ bản hết những băn khoăn, thắc mắc của người viết trẻ ngày hôm nay, vốn không có nhiều mối liên hệ với hội nghề nghiệp văn chương lớn nhất của đất nước, cũng như chưa nhận được những hỗ trợ, hợp tác thiết thực từ phía ngành văn hóa theo ngành dọc hay qua các hội văn nghệ địa phương. Trong sự hạn chế về kết nối và cộng hưởng đó thì những cái còn thiếu để quan tâm lấp đầy đối với người viết trẻ là rất nhiều.
Bởi thế, mà mang “sứ mệnh” kiến tạo cuộc “gặp gỡ mùa hè” vừa qua, hội nghị cũng chính là nơi làm bật lên những câu hỏi để thời gian tới đây, đi tìm những câu trả lời. Và những tín hiệu đẹp đến với hội nghị mà những người có mặt có thể cảm nhận được ít nhiều, chính là những gợi ý hay cho việc giải các bài toán đó.
Những điều kiện tích cực từ chính sách, cơ chế mà Nhà nước tạo ra với tài năng trẻ; những hợp tác cụ thể giữa Hội nhà văn Việt Nam với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; những kiến tạo mới của Hội trên xu thế tích cực xã hội hóa, tranh thủ các nguồn lực ngoài ngân sách… để hướng về, dành cho các cây bút, tài năng văn chương trẻ…, đó nên là những chủ điểm lớn được chú trọng trong các hoạt động văn chương trẻ thời gian tới.
Nhiều giọt nước mắt đã lăn cùng tiếng hát bay lên trong khuôn viên lộng gió ngôi trường Hy vọng - Đà Nẵng. Buổi chiều ngày thứ hai của hội nghị, các đại biểu trẻ và một số nhà văn thế hệ đi trước đã đến thăm trường, gặp các em, những em nhỏ từ nhiều tỉnh, thành phố, mới bước ra khỏi không khí đau thương, trạng thái bàng hoàng của dịch bệnh Covid-19 cách đây chưa lâu mà bố hoặc mẹ, hoặc cả bố cả mẹ, và cả những người thân khác trong gia đình đã ra đi vì nhiễm Covid-19.
Hình ảnh các em đứng hát bên nhau như một gia đình mới, một gia đình lớn bắt nguồn từ cơn biến động xã hội, biến cố bản thân đã tạo nên, khiến nhiều người nôn nao. Đến với các em, những cuốn sách, tập truyện đã được trao tặng. “Chú bé” Trần Đăng Khoa ở tuổi ngoài 60 đã nghe các em hát bài “Hạt gạo làng ta” và khiến cho những khuôn mặt còn tư lự cũng tươi cười lên. Bác Khoa kể chuyện đến tận bây giờ, nhiều người đọc “Góc sân và khoảng trời” còn tưởng Trần Đăng Khoa vẫn là một em bé làm thơ hay. Có những người gửi thư. Có một chị mười mấy tuổi nhận là chị kết nghĩa, và dặn “em Khoa” phải chịu khó tập thể dục để cơ thể phát triển được cân đối. Một hôm “em Khoa” đến tìm, gõ cửa, “chị” ra mở cửa và ngạc nhiên hỏi, bác tìm ai ạ? - “Em” là Trần Đăng Khoa, “em” đến thăm “chị” đây! Thế là “chị” chạy mất…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói với các em, một lúc nào đó trong ngày, có thể vào buổi tối trước khi đi ngủ, các em có thể viết một điều gì đó, như nhớ về gia đình mình, những niềm vui, nỗi buồn trong ngày của mình, các em sẽ thấy, dường như vẫn có ai đó trò chuyện với mình.
Và khi nhà thơ nói với các em, chúng ta đã là những người bạn, Hội Nhà văn Việt Nam và các anh chị nhà văn trẻ sẽ đồng hành với các em, mong rằng trong tương lai, chúng tôi có thể làm những gì đó nhiều hơn cùng các em; anh Hoàng Quốc Quyền, giám đốc của trường cũng đã mong có nhiều những giá trị tinh thần đến với các em, là tình cảm, là những cuốn sách, trang viết của các anh chị nhà văn. Ngôi trường Hy vọng sẽ luôn chào đón mọi người!
Buổi tối, các em đến với chương trình Gala “Đất nước bên bờ sóng” của hội nghị và hát tặng các đại biểu. Sự trật tự, quy củ và mộc mạc của các em là hình ảnh đọng lại, gợi nên những suy nghĩ. Dường như những em nhỏ ấy, câu chuyện của các em và bao nhiêu con người khác đi trong hoạn nạn, mất mát, chính là một lý do cho những người viết, như chủ đề hội nghị và cả hai hội thảo cũng xoay quanh vấn đề: “Vì sao chúng ta viết?”.
Trong hai ngày, đã có nhiều tác giả trẻ chia sẻ về lý do viết của mình, như một giãi bày tâm sự, như một cách thể hiện mình, như một mong muốn kể về cộng đồng mình, dân tộc mình, như một niềm yêu thích văn chương và ngưỡng mộ các nhà văn, nhà thơ tên tuổi… Như những nỗi buồn đau cần phải nghe thấy, cần phải nói lên, để cùng rung những nhịp sẻ chia, an ủi, như là hy vọng và những bước chân đi qua mất mát, xót xa. Có lẽ sẽ nhiều ý tưởng được cất lên khi một cây bút nhớ lại những giây phút ở ngôi trường Hy vọng,
Có thể nói, đã khá rõ về những định hướng, những khả năng có thể gây dựng các điều kiện thuận lợi cho hành trình kết nối hội nghề nghiệp với người viết trẻ. Đặc biệt khi trong cuộc kết nối “đậm đà” hơn trong tương lai đó, mối quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa… là những dấu hiệu khả quan.
Chỉ còn con đường phía trước mở ra để Hội Nhà văn Việt Nam cùng các cây bút trẻ bước tiếp từ hội nghị lần này. Tất nhiên, không phải cứ thế mà triển khai các hoạt động sẽ nhận ngay được sự “chăm sóc”. Mà điều cần trước hết, là tiếp tục bàn thảo trong các bộ phận chức năng của Hội, chọn lọc và tiếp tục đón nhận những gợi mở phù hợp của người viết trẻ trong và sau hội nghị, để xây dựng thành chương trình, kế hoạch hành động, có cả những đề xuất, hiến kế về mặt chính sách, cơ chế đối với ngành văn hóa và cấp cao hơn, để củng cố “bệ đỡ” thiết thực cho những chuyến đi tương lai. Và quan trọng hơn thế, đóng góp vào quá trình đó, từ phía các cây bút trẻ, có gì hơn tài năng, sự xuất chúng và lao động miệt mài của mình!
Có thể nói, cuộc hội ngộ từ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đã tạo ra một chấm đỏ của điểm hẹn ở phía trước mặt. Bây giờ, là sẽ làm gì để đi tới điểm hẹn ấy. Một điểm hẹn mà đến được đó, những người viết trẻ đồng hành, và cả tổ chức hội nghề nghiệp, cũng sẽ lớn rộng thêm.