Tiếp sức phòng, chống tham nhũng

Kiên Long 01/10/2015 07:35

Phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN vừa họp phiên thứ 8, ngày 28/9, đã ra thông báo công khai đánh giá kết quả công tác, phương hướng PCTN, quyết đưa 8 vụ án điểm ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng, xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay” đã thực sự tiếp sức cho công tác này.

Đúng như đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, công tác PCTN đã thực sự nổi bật từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị. Hoạt động PCTN được triển khai tương đối toàn diện, chú trọng cả phòng và chống, có trọng tâm, trọng điểm.

Ba năm qua, đã có hàng chục đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng và phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề xử lý tham nhũng đã được cải thiện, đổi mới đặc biệt trong việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án nghiêm trọng; vấn đề án treo trong tham nhũng. Chưa bao giờ pháp luật tỏ ra đặc biệt nghiêm khắc với tội tham nhũng đến thế.

Trong những năm 2013, 2014 hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn đã được phanh phui, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, nhiều án tử hình đã được tuyên, điều chưa xảy ra từ trước đến nay. Hãy nhìn qua những con số: trong 3 năm, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 25 đoàn công tác tại 15 bộ, ngành, 29 địa phương; riêng năm 2013, 2014 có 18 đoàn kiểm tra tại 11 bộ, ngành, 19 địa phương. Chỉ hai năm này, đã có 141 kiến nghị xử lý về công tác lãnh đạo, cơ chế, chính sách, pháp luật, kiến nghị xử lý 126 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp...

Không ít các cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật, sai phạm trong công tác đã bị xử lý. Cho đến nay, các đoàn công tác vẫn tiếp tục triển khai, hoạt động tích cực. Chỉ từ tháng 4 đến tháng 8/2015, đã có 82 vụ/189 bị can bị CQĐT khởi tố; 116 vụ/286 bị can bị VKS truy tố; 110 vụ/232 bị cáo bị TAND đưa ra xét xử sơ thẩm...

Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa 8 vụ án trọng điểm: Lâm Ngọc Khuân; Phạm Văn Cử; Trần Quốc Đông; Dương Thanh Cường; Vũ Quốc Hảo; Phạm Thị Bích Lương; Lê Hùng Sơn; Nguyễn Thế Dũng cùng các đồng phạm ra xét xử sơ thẩm trong thời gian tới đây (trước Đại hội XII)...

Tuy nhiên, mặc dù công tác PCTN đã có rất nhiều cố gắng, nhưng như Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân, khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, bên cạnh những thành công đã thẳng thắn chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi”.

Thực tế đánh giá từ dư luận, đánh giá từ Chỉ số cảm nhận tham nhũng hàng năm cho thấy công tác PCTN của chúng ta có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện, có những bước tiến. Điều đó cho thấy công tác PCTN vẫn còn rất cam go, nan giải. Và như Thông báo của Ban Chỉ đạo đã khẳng định, việc xây dựng Đề án và Dự thảo của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay” là cần thiết.

Công tác PCTN đã được đưa vào nhiệm vụ thứ 2 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII. Đó là: “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Thời gian qua, vấn đề PCTN, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Dư luận xã hội nhiều người còn rất băn khoăn với dự kiến bỏ án tử hình với tội phạm tham nhũng. Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Hiến pháp 2013, nâng cao, bảo vệ quyền con người là cần thiết, nhưng người ta còn trăn trở trước tình trạng tham nhũng hiện nay. Án tử hình kẻ tham còn chưa sợ, huống chi không có án tử hình?

Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng lại càng quan trọng. Đã có hàng tỉ, hàng ngàn tỉ đồng của dân, của nước bị tham nhũng, thất thoát, nhưng việc bồi hoàn, khắc phục chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Và như vậy, hiệu quả của công tác PCTN không cao. Đó mới chỉ là số tài sản của kẻ tham nhũng bị phát hiện. Còn những tài sản của rất nhiều kẻ tham nhũng chưa bị phát hiện, không phát hiện được.

Chống tham nhũng, mục đích là bắt sâu, bắt bồi hoàn tài sản tham nhũng, thậm chí phải phạt nặng, phạt thêm ngoài số tài sản đã bị tham nhũng, thất thoát. Bởi nếu tài sản tham nhũng không thu được, vẫn bị mất đi, trong khi chúng ta lại phải tốn rất nhiều công sức, đầu tư tiền bạc, nhân lực để phục vụ cho công tác PCTN, lại tiếp tục tốn cơm nuôi kẻ tham nhũng ở trong tù thì việc PCTN thực sự kém hiệu quả, thiếu ý nghĩa, tiền bạc của nước, của dân đã mất lại mất thêm.

Và như vậy, vấn đề tăng cường chỉ đạo, tìm ra những giải pháp hữu hiệu, thiết thực, hiệu quả thật vô cùng quan trọng. Pháp luật phải nghiêm. Làm sao để kẻ tham nhũng phải kinh sợ để không dám tham nhũng? Phòng tham nhũng, triệt tham nhũng phải từ gốc đến ngọn, trước hết phải từ gốc là xây dựng con người.

Đảng đã sáng suốt coi đây là nhiệm vụ trọng tâm số một trong nhiệm kỳ Đại hội tới đây: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Với sự quyết tâm của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đặc biệt với những kế sách, giải pháp công khai đưa ra từ phương hướng Nghị quyết của Đảng đến giải pháp của Ban Chỉ đạo để người dân cùng biết, cùng bàn, cùng làm, cùng kiểm tra, người dân có quyền hy vọng về công cuộc PCTN tới đây sẽ có nhiều kết quả khả quan, thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp sức phòng, chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO