Tiếp tục tái cơ cấu thị trường chứng khoán

Hồ Hương (thực hiện) 07/06/2021 06:30

"Việc đảm bảo hệ thống giao dịch chứng khoán vận hành an toàn, suôn sẻ là nhiệm vụ ưu tiên của cơ quan quản lý", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết khi trao đổi với báo chí về hoạt động của thị trường chứng khoán hiện nay.

Ông Phạm Hồng Sơn.

PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang tăng trưởng nóng. Ý kiến của ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Đến ngày cuối tháng 5, chỉ số VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 7,2% so với cuối tháng trước và tăng 20,3% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 317,85 điểm, tăng 12,8% so với cuối tháng trước và tăng 56,5% so với cuối năm 2020.

Về quy mô giao dịch, trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng kế trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 185,9% so với bình quân năm trước. Tính đến cuối tháng 5/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.

Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

Nhờ đà tăng trưởng như vậy, TTCK Việt Nam tiếp tục nằm trong Top thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực và thế giới trong 5 tháng đầu năm.

Đà tăng này được hỗ trợ từ nhiều yếu tố vĩ mô cả trong nước và ngoài nước. Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu kép, trong đó, kinh tế năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao. Cùng với đó, lãi suất tiết kiệm thấp đã góp phần tăng sức mua trên thị trường. Trong 5 tháng đầu năm có hơn 482.000 tài khoản được mở mới, cũng là số kỷ lục từ trước tới nay. Mặt khác, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp rất khả quan, riêng năm 2020 ghi nhận 87,1% doanh nghiệp báo lãi. Bên cạnh đó, hầu hết TTCK thế giới đã tăng điểm và hồi phục tích cực cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của TTCK trong nước.

Một vấn đề khác cũng rất được quan tâm trong thời gian qua là việc xử lý nghẽn lệnh trên HOSE. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Hệ thống giao dịch trên HOSE Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đã xảy ra từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn là một vấn đề quan trọng được toàn ngành đặc biệt quan tâm. Với nhiều giải pháp cấp bách được triển khai như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và nhất là cải biến kỹ thuật… đã giúp hệ thống hoạt động khá ổn định trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến, đã khiến hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch buộc HOSE phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống. Đến nay hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường, có tiến triển tốt khi HOSE và các thành viên công ty chứng khoán cũng nỗ lực đưa ra giải pháp mới.

Ảnh minh họa.

Song song công việc đối với hệ thống hiện tại, HOSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường KRX. Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh.

Tuy nhiên, từ nay đến khi hệ thống phối hợp với FPT xây dựng đi vào vận hành, việc đảm bảo cho hệ thống hiện tại của HOSE giao dịch không bị gián đoạn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đây là công tác được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã có chỉ đạo quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổ công tác xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh, các đơn vị liên quan đã họp để vừa tiến hành rà soát vừa đưa ra các giải pháp cấp bách sẽ áp dụng khi cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nhất có thể cho hệ thống giao dịch hiện tại của HOSE.

Vậy đâu là giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra để đảm bảo cho thị trường hoạt động ổn định trong thời gian tới, thưa ông?

- Về phía cơ quan quản lý, thứ nhất, Ủy ban Chứng khoán nhà nước tổ chức tuyên truyền tập huấn cho các thành viên thị trường về Luật Chứng khoán 2019 mới và các văn bản hướng dẫn, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, xây dựng chiến lược chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động thị trường, yêu cầu các thành viên thị trường phải tuân thủ quy định pháp luật và Uỷ ban Chứng khoán nhà nước sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để thị trường chứng khoán phát triển một cách minh bạch và bền vững.

Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, đồng thời phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 này để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE.

Về phía nhà đầu tư, chúng tôi mong rằng, cộng đồng nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng, đặc biệt là quản trị rủi ro khi lựa chọn danh mục đầu tư. Cùng với đó, như đã chia sẻ ở trên, những yếu tố rủi ro vĩ mô đó cần được theo dõi kỹ lượng, đánh giá sâu, bởi chúng ta biết TTCK sẽ rất nhạy cảm với những biến động vĩ mô, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tác động như hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục tái cơ cấu thị trường chứng khoán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO