Tiếp tục tạo điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể hoạt động

Thành Luân 24/04/2017 17:35

Làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Dầu Một, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị, UBND TP tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho Mặt trận và các đoàn thể hoạt động và giám sát theo chức năng, đề ra nhiều chương trình, dự án phối hợp thực hiện tốt.

Chiều 24/4, tại TP Thủ Dầu Một, Đoàn khảo sát số 4 thuộc Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã đến khảo sát và có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Đoàn khảo sát sẽ làm việc trong hai ngày (24, 25/4) tại Bình Dương về công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Hồng Phúc).

Tinh gọn bộ máy

Tại buổi làm việc, ông Lâm Phi Hùng, Phó Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một đã báo cáo với đoàn khảo sát về một số nét trong công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.

Theo ông Hùng, hiện nay Thủ Dầu Một là đô thị loại II, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Dương. Thành phố có quy mô 118.666 km2 và dân số hiện đã vượt ngưỡng 300.000 dân, lại có địa giới hành chính giáp ranh với TP HCM, nên công tác xây dựng tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị đã được Thành ủy luôn quan tâm, lãnh đạo thực hiện thường xuyên.

Đảng bộ TP Thủ Dầu Một đang có 39 chi, đảng bộ cơ sở, với hơn 6.500 đảng viên. Quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Thành ủy Thủ Dầu Một triển khai từ năm 2007 từ thành phố đến cơ sở. Trong đó, BCH Đảng bộ TP đã chủ động cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh thông qua các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể.

“Ban Thường vụ đã chỉ đạo xây dựng các văn bản tại địa phương phải đúng tình hình thực tiễn trên cơ sở có khảo sát, nắm chắc tình hình cơ sở, không khoa trương thành tích, không che dấu hạn chế, khuyết điểm, không dàn trải, rập khuôn theo nghị quyết, chương trình của cấp trên”, Phó Bí thư Lâm Phi Hùng cho biết.

Kết quả sau 10 năm tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố, nhiều nơi giảm được hội họp, triển khai công tác có tính dàn trải, thay vào đó là triển khai bằng văn bản và cán bộ dành thời gian đi cơ sở giải quyết công việc.

Hiện nay TP.Thủ Dầu Một thực hiện biên chế 50 người đối với khối Đảng; 40 người đối với khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; 142 biên chế đối với khối các cơ quan khối chính quyền và 580 biên chế khối phường. Tất cả các cơ quan này đều đã xây dựng được quy chế tổ chức hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, trong đó bố trí tối đa 3 cấp phó.

Thống kê từ 2015 đến nay, TP Thủ Dầu Một đã chủ động tinh giảm được 39 trường hợp biên chế. So với quy định từ nay đến năm 2021 thành phố đảm bảo chỉ tiêu tinh giảm biên chế tối thiểu 10%. Nguồn ngân sách TP Thủ Dầu Một chi cho thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp là hơn 7.800 tỷ đồng, so với nguồn thu ngân sách nhà nước do thành phố quản lý hiện nay là vào khoảng hơn 13.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngoài các kết quả đã đạt được thì ông Lâm Phi Hùng vẫn thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy đối với cơ sở và sự đổi mới của các chi, đảng ủy cơ sở thời gian qua vẫn còn bộc lộ yếu điểm, bị động lúng túng trước những vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Ông Hùng cũng đề cập đến tình trạng một số cán bộ, đảng viên chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn tâm lý ỷ lại, đùn đẩy, trông chờ; tỉnh còn thiếu nguồn cán bộ nữ cho quy hoạch, cũng như cán bộ trẻ đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn và năng lực theo yêu cầu mới của tỉnh.

Các đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp tại buổi làm việc. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nâng cao vai trò của Mặt trận

Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Dầu Một cho biết, hiện nay MTTQ TP có 55 ủy viên, trong đó có đại diện của 27 tổ chức thành viên; các phường có 440 ủy viên.

Chủ trương của Thành ủy Thủ Dầu Một là chỉ đạo các cấp ủy quan tâm kiện toàn bộ máy nhân sự của MTTQ và đoàn thể để đáp ứng yêu cầu công tác, có thực hiện mở rộng về cơ cấu, thành phần, huy động các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong các thành phần tôn giáo, dân tộc và nhân sĩ, trí thức tham gia thành viên, phát huy vai trò của các thành viên Hội đồng tư vấn.

Ông Võ Văn Minh, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một chia sẻ, đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận và các đoàn thể được Thành ủy quan tâm lựa chọn theo hướng ưu tiên đào tạo chính quy, có trình độ đại học trở lên, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và kỹ năng để phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hoạt động phong trào.

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một Lâm Phi Hùng cũng đã kiến nghị Trung ương cho phép TP Thủ Dầu Một sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tập trung đầu mối, sử dụng bộ phận văn phòng chung để giảm biên chế ở các vị trí việc làm như văn thư, kế toán, thủ quỹ, tạp vụ,… và tăng biên chế làm công tác vận động quần chúng cho các cơ quan này.

Hiện nay Hội nông dân TP.Thủ Dầu Một còn 2.654 hội viên, trong đó có 4 phường không có Hội nông dân (Phú Cường, Hiệp Thành, Hòa Phú, Phú Tân) nên Thành ủy Thủ Dầu Một cũng đề nghị trung ương xem xét hướng bố trí Hội Nông dân cho phù hợp với tính chất đặc thù của thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Đổi mới phương thức lãnh đạo với hoạt động đoàn thể

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị TP Thủ Dầu Một cần thực hiện tốt hơn nữa công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn gợi ý về việc Thành ủy lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể bằng quy chế, tổ chức, họp giao ban định kỳ hàng tháng và đột xuất khi cần thiết để kịp thời nắm tình hình hoạt động, nghe phản ánh những khó khăn vướng mắc ý kiến, nguyện vọng, dư luận của quần chúng đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để đề xuất cho Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo.

Quy chế phối hợp giữa Đảng bộ với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thành phố cần được cụ thể hóa bằng các văn bản liên tịch để triển khai nhiệm vụ của từng tổ chức. UBND cần tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất cho Mặt trận và đoàn thể hoạt động và giám sát theo chức năng, đề ra nhiều chương trình, dự án phối hợp thực hiện tốt.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đánh giá, TP Thủ Dầu Một đã có quy chế phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan trong các công tác như giải quyết vay vốn cho hộ nghèo, vận động và hỗ trợ thi công nâng cấp mở rộng đường, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị TP Thủ Dầu Một có những vấn đề liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì mạnh dạn kiến nghị với Ban Chỉ đạo đề án để có cơ sở báo cáo với Trung ương.

Những nỗ lực của TP Thủ Dầu Một trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đánh giá cao và đề nghị Thành ủy Thủ Dầu Một tiếp tục phát huy, làm sao để nâng cao vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nhất là vai trò giám sát và phản biện theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục tạo điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể hoạt động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO