Tìm giải pháp 'cứu' Công ty phim Giải Phóng

Gia Thanh 20/02/2017 09:45

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cùng đoàn công tác vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần phim Giải Phóng tại TP.HCM. Tại đây, ông Nguyễn Tiến Hưng- Chủ tịch HĐQT cho biết, Công ty cổ phần Phim Giải Phóng được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng. Sau chuyển đổi công ty còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ phim Mỹ nhân do Bộ VHTT&DL đặt hàng Công ty phim Giải phóng.

Công ty cổ phần phim Giải Phóng, tiền thân là Hãng phim Giải Phóng. Hãng phim Giải Phóng bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ đầu năm 2014 và hoàn thành vào tháng 12/2015. Công ty cổ phần phim Giải Phóng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2016.

Hiện hoạt động chính của công ty chủ yếu là làm phim gia công cho các đối tác bên ngoài, thực hiện các thước phim ngắn theo yêu cầu của Nhà nước và kết hợp với các dịch vụ cho thuê phim trường, mặt bằng kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, việc chuyển đổi doanh nghiệp kéo dài, từ năm 2013 đến 2015 đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Ngoài ra trong năm 2015 và 2016, công ty không nhận được kinh phí sản xuất phim do Nhà nước tài trợ, đặt hàng nên càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã cố gắng duy trì khai thác tất cả thế mạnh nên phần nào đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động. Tháng 10/2015, Công ty tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu tiên với cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, gồm: Cổ phần nhà nước chiếm 99,71%; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động chiếm 0,287%; cổ phần chào bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư khác chiếm 0,0003% và đã hoàn thành việc xác định giá trị tài sản tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Sau khi nghe những khó khăn và hoạt động của công ty, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu lãnh đạo Công ty cổ phần phim Giải Phóng và các thành viên trong đoàn công tác tìm giải pháp lâu dài và trước mắt để “giải cứu” công ty. Theo ông Trần Hoàng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ VHTT&DL) việc giải cứu được công ty là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, ông Trần Hoàng đề xuất lãnh đạo công ty nên đánh giá xác định giá trị tài sản doanh nghiệp lần 2 theo quy định của Nhà nước và để Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào cuộc định giá tài sản.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng về lâu về dài công ty cần định giá lại tài sản lần 2 theo đề xuất của đại diện Vụ Kế hoạch- Tài chính, cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp 'cứu' Công ty phim Giải Phóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO