Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi

THÁI NHUNG 03/04/2023 09:00

Ghi nhận từ Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023 số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, thị trường mới. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022 (56.946 DN). Trong đó, số DN thành lập mới trong quý 1/2023 là 33.905 DN, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, số vốn đăng ký thành lập cũng giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, số DN quay trở lại hoạt động trong quý I là 23.041 DN, cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 và có 60.241 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc số DN rút lui khỏi thị trường vượt số DN thành lập mới và quay lại hoạt động là một vấn đề đáng lo ngại. Bởi nó phản ánh rõ nét DN đã và đang gặp những khó khăn rất lớn.

Còn bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhận xét, những số liệu về tình hình đăng ký DN quý I/2023 cho thấy rõ nét những khó khăn mà các DN đang phải đối mặt. Bà Nga nêu nguyên nhân bao gồm: Sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như ngành dệt, may, da giày, đồ gỗ, sản xuất kim loại...; giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của DN tăng từ 5 – 10%; và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các DN…

Phân tích nguyên nhân, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam vẫn lệ thuộc vào các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu trong khi các thị trường này lại đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ lại đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát…

Hơn nữa, theo ông Hiếu, đầu năm nay khó khăn hơn cùng kỳ năm ngoái ở nhiều điểm: Quý I/2022 Việt Nam vừa ra khỏi dịch bệnh, tinh thần người dân phấn chấn bởi sự kìm hãm lâu dài, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ nền kinh tế, mở cửa lại biên giới, mở cửa lại du lịch, khu công nghiệp ổn định lại… Nhưng năm nay sản xuất kinh doanh của ta đã bị kéo xuống từ cuối năm 2022 và tiếp tục đến đầu năm 2023.

“Tuy nhiên, chúng ta có quyền hy vọng vào một chính sách mạnh mẽ của Chính phủ để vực dậy nền kinh tế. Muốn thế, phải đi sâu hơn nữa vào việc tìm hiểu những khó khăn của DN để kịp thời tháo gỡ” – ông Hiếu nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: “Thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu cụ thể một số ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn để có thể kịp thời hỗ trợ DN. Đồng thời cần kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng với DN nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn cho DN trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp…; cùng với đó là các chương trình kích cầu nội địa, xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO