Tìm hướng mở cho thị trường mỹ thuật

Minh Quân 23/12/2019 07:20

Trong những năm qua, thị trường mỹ thuật đã có những khởi sắc. Thế nhưng, bên cạnh thành tựu thì thực tế tính chuyên nghiệp của mỹ thuật Việt Nam chưa cao khi còn nhiều họa sĩ vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng riêng của mình.

Tìm hướng mở cho thị trường mỹ thuật

Một buổi đấu giá tranh ở nhà đấu giá Chọn (Hà Nội).

Sau gần 30 năm mở cửa, thị trường mỹ thuật Việt Nam đã có những biến đổi to lớn. Từ một thị trường mỹ thuật “phi thị trường” trước 1986 (hầu như chỉ phục vụ cho công tác tuyên truyền) đã biến thành một thị trường mỹ thuật sôi động. Ở đó, ghi nhận xu hướng tìm tòi thể nghiệm chất liệu và ngôn ngữ tạo hình đương đại được các nghệ sĩ trẻ đặc biệt chú ý. Các tác giả tự tin hơn trong việc khẳng định cá tính sáng tạo, tạo con đường, thương hiệu riêng... Đồng hành với sự phát triển đó, mỹ thuật Việt đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập ở trong nước, tranh Việt Nam cũng đã xuất hiện trên nhiều cuộc đấu giá quốc tế. Tuy nhiên, thực tế thấy sự chi phối của thị trường với mỹ thuật hiện nay đang mang đến cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Với chính những người nghệ sĩ ngoài việc sáng tác còn phải biết “tiếp thị” các tác phẩm của mình. Thông qua các website, hình ảnh các tác phẩm với những chú thích đầy đủ về phong cách, bút pháp, tác giả đã giúp người mua tiếp cận với những sản phẩm nghệ thuật. Thế nhưng, chính điều này cũng đã “vạch trần” vô số những tác phẩm tranh giả, tranh chép. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều họa sĩ Việt tỏ ra vô cùng bức xúc với việc một số nhà đấu giá danh tiếng đưa tranh giả, tranh nhái của họa sĩ Việt ra thị trường. Thế nhưng điều khó khăn nhất với thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay chính là người ta không thể phân biệt thật - giả. Mỗi khi có tố giác về nạn chép tranh, nhái tranh, tranh giả đều là do họa sĩ hoặc người thân của họa sĩ tự lên tiếng, chủ yếu thông qua mạng xã hội như Facebook. Chính vì thực tế này mà tâm lý e ngại, thậm chí bất an sợ mua phải tranh giả tại các cuộc đấu giá, các gallery là sự thật hiện hữu của những người yêu hội họa hiện nay. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, cho dù mỗi năm các cuộc triển lãm lớn của cá nhân, của nhóm được tổ chức, đặc biệt là sự kiện triển lãm mỹ thuật toàn quốc tổ chức đều đặn năm năm một lần, nhưng sự đổi mới trong sáng tác, tạo dấu ấn trong mỹ thuật chưa nhiều. Đổi lại, những bê bối từ nạn đạo tranh, sửa lý lịch cho tranh lại trở nên nghiêm trọng khiến cho niềm tin của công chúng trong nước nói riêng, người yêu hội họa quốc tế đang giảm sút.

Đánh giá thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thừa nhận, trong sáng tác bên cạnh những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, vẫn còn có tác phẩm chất lượng hời hợt, thiếu sâu sắc, xa rời cuộc sống, còn ít tác phẩm phản ánh, biểu hiện những vấn đề của cuộc sống đương đại. Chưa có những đột phá mới về ngôn ngữ tạo hình và sự dụng chất liệu, về khai thác đề tài, về thẩm mỹ và sức biểu cảm. Bên cạnh đó, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, hiện nay xu hướng hướng thương mại hóa vẫn còn tồn tại. Có biểu hiện chạy theo đề tài dễ bán, hạ thấp chức năng giáo dục thẩm mỹ, còn nặng tính giải trí... Xu hướng nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên nhưng tình trạng nghiệp dư hóa vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Cơ chế thị trường và xu hướng tiêu dùng đã ảnh hưởng đến sự chuyên tâm sáng tác các đề tài về Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc, ngoài một số công trình tượng đài lớn được xây dựng hoặc sáng tác tác phẩm cho các Bảo tàng, phòng truyền thống thì số lượng tác giả và tác phẩm về đề tài lịch sử cách mạng ngày càng ít xuất hiện trong các triển lãm. Đặc biệt, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay đang tồn tại làm các nghệ sĩ phẫn nỗ đó là hiện tượng vi phạm bản quyền vẫn còn nghiêm trọng, đặc biệt là tranh giả, tranh nhái, tranh chép... làm ảnh hưởng đến lòng tin đối với thị trường Mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. “Có nhiều cơ quan quản lý nhưng chưa một cơ quan nào đứng ra giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền”- họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Theo nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, muốn tạo ra sự phát triển thì quan trọng nhất là các họa sĩ sống được bằng nghề, bằng chính các tác phẩm sáng tác thực thụ. Giao dịch qua mạng như hiện nay là một cách thức thương mại đơn giản. Hiện giờ thì nhiều tổ chức, trung tâm nghệ thuật đã thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày và tiếp xúc nghệ thuật; cũng như giao lưu nghệ thuật với khu vực và thế giới đang trở nên phổ biến hơn. Có thể thấy, các hoạt động nghệ thuật và thương mại trên mạng internet đã trở thành phương thức quen thuộc, đem lại đời sống mỹ thuật nhộn nhịp theo nhiều cách khác nhau, trong đó rất nhiều cố gắng tạo lập thị trường nghệ thuật. Cũng theo nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, tách xa thị trường nghệ thuật hơn nữa là cách giúp nghệ thuật Việt Nam phát triển hơn. Có điều, Việt Nam đang rất thiếu cơ quan trung gian giữa nghệ sĩ và công chúng, nhà sưu tầm. Nếu nghệ sĩ tiếp tục giao dịch mua - bán tác phẩm trực tiếp thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính chất sáng tác chiều theo ý muốn của người mua. Vấn đề chính cần quan tâm là chất lượng sáng tác đến đâu và khả năng thương mại đến đâu, nhưng hai vấn đề này nhiều khi không song hành với nhau. “Một trang mạng cẩn thận tập hợp, giới thiệu nghệ sĩ sẽ đẩy dần họ đến việc tự lựa chọn mình vì đứng trước vấn đề xã hội hơn là vì thương mại. Việc cứ vẽ, cứ làm nghệ thuật tự thân, bản thân nó đã có ý nghĩa văn hóa nhất định, cho thấy những tính cách bền vững của con người Việt Nam và sự hướng ngoại, hay hướng nội trong hành vi nghệ thuật, sự phát triển của tâm hồn nghệ sĩ nông sâu như thế nào”- nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng mở cho thị trường mỹ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO