Tìm kiếm cơ hội trong khó khăn

Hạnh Nhân 21/06/2021 10:10

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam quả quyết, khủng hoảng cũng mang tính sáng tạo, nên ta đừng bỏ phí một cuộc khủng hoảng. Đó là sự phá hủy những thứ yếu kém, không cần thiết để chuyển sang cái mới. Và Covid-19 chính là cơ hội là cơ hội “thay máu” để nền kinh tế đi lên bằng cấu trúc mới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát dịch tốt và biến khủng hoảng thành cơ hội với việc bước đầu thực hiện được “mục tiêu kép”. Tuy vậy, để chuẩn bị điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và bật dậy sau dịch bệnh, giới chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương điều chỉnh các chính sách trong ngắn hạn và chuyển đổi mô hình kinh tế mạnh mẽ hơn nữa...

Triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng.

Ưu tiên hàng đầu các chính sách an sinh xã hội

Nhớ lại mốc đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ 23/1/2020 và tới thời điểm này đã trải qua 4 đợt bùng phát trên phạm vi nhiều địa phương trong cả nước, khiến nền kinh tế bị tác động một cách mạnh mẽ, nhiều chiều và lâu dài. Trước những tác động tiêu cực nặng nề của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam nói riêng đã phản ứng với quy mô và tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử.

Theo ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng Covid-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội với việc bước đầu thực hiện được mục tiêu kép.

“Trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn… Thời gian này, nền kinh tế Việt Nam đang có những bước chuyển mình sang nền kinh tế số. Trong bối cảnh khó khăn, các kết nối qua mạng ngày càng nhiều, không ít doanh nghiệp (DN) chuyển hướng kinh doanh, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để phát triển. Có tính toán đến chuyển đổi và tạo ra công nghệ xanh nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh…”, ông Jacques Morisset nhận định.

Tuy vậy, ông Jacques Morisset cũng cảnh báo, dịch Covid-19 khiến Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới. Thu nhập nhiều hộ gia đình sụt giảm, các chương trình xã hội hiện nay vẫn không đủ bao phủ, tỉ lệ đối tượng được nhận hỗ trợ còn thấp.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới. Sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm.

“Thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế”, PGS.TS Tô Trung Thành nêu thực tế.

Như vậy, Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện gì để nền kinh tế bật dậy mạnh mẽ sau dịch Covid-19? PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Cùng với đó, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức. Tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với DN bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu. Dịch Covid-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào, do vậy, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, PGS.TS Tô Trung Thành khuyến nghị: Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ cũng như cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ này.

Cú hích kinh tế số

Cùng với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19. Những giải pháp mang tính dài hạn đang được áp dụng là đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài, tăng cường khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, trong việc thực hiện thành công mục tiêu kép vừa qua, có thể thấy rõ sự hiện diện của chuyển đổi số. Về cơ hội chuyển mình của nền kinh tế, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Muốn làm tốt kinh tế số trước tiên phải có cơ sở dữ liệu tốt, trong khi việc xây dựng cơ sở dữ liệu khá chậm so với yêu cầu.

Dù đã thành công bước đầu, bắt nhịp dần với xu thế chung nhưng Việt Nam vẫn cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hơn nữa cho kinh tế số. “Một số vụ việc tranh cãi vừa qua cho thấy cơ quan quản lý vừa muốn đổi mới sáng tạo, nhưng vừa lo kiểm soát rủi ro từ DN. Do đó, cần sớm tìm được điểm cân bằng tối ưu giữa các bên, đồng thời chú ý đến đào tạo nhân lực để bắt nhịp sự phát triển”, ông Cấn Văn Lực lưu ý.

Đồng quan điểm, TS Đặng Thị Hoài - Trường Đại học Thương mại cũng đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ các DN chuyển đổi số, đầu tư công nghệ số, áp dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Áp dụng công nghệ số và sử dụng các mô hình kinh doanh trên nền tảng số sẽ tạo ra quy mô và tăng trưởng.

Bản thân các DN cũng cần thúc đẩy tích hợp công nghệ số hóa, phát triển những giải pháp sản xuất, kinh doanh dựa trên số hoá; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; tối ưu hóa mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức; sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số, phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới; thích ứng với các mô hình thuế mới.

TS Hoài nhấn mạnh: Dịch Covid-19 là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm khôi phục trạng thái bình thường mới cho kinh tế - xã hội. Covid-19 có thể sẽ là cú hích cho kinh tế số Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Do vậy, Việt Nam cần có các định hướng, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm hạn chế những rủi ro cho kinh tế - xã hội, và tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển.

Khủng hoảng là để chuyển sang cái mới

PGS.TS Trần Đình Thiên quả quyết, khủng hoảng cũng mang tính sáng tạo, nên ta đừng bỏ phí một cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng là sự phá hủy những thứ yếu kém, không cần thiết để chuyển sang cái mới. Và Covid-19 chính là cơ hội chuyển sang hệ thống công nghệ kinh tế số. Với những DN có sẵn nền tảng thì cơ hội bứt lên rất nhanh.

Đây chính là cơ hội “thay máu” để nền kinh tế đi lên bằng cấu trúc mới. Dòng máu mới này đến từ sự dịch chuyển của dòng vốn thế giới và cơ hội của Việt Nam, nơi được giới đầu tư đánh giá là địa điểm hút vốn; đến từ cơ hội tạo ra từ nhu cầu và tốc độ chuyển đổi số…

“Nhưng điều đáng bàn là chúng ta có năng lực để đón dòng máu mới mà nền kinh tế đang cần không?”, ông Thiên đặt câu hỏi đồng thời đề nghị, chính sách hỗ trợ DN chịu tác động của Covid-19 năm nay cũng cần hướng vào DN trong những ngành, lĩnh vực, khu vực mà nền kinh tế cần để bứt phá nhanh, hỗ trợ DN định hướng công nghệ, tập đoàn lớn để thúc đẩy chuỗi sản xuất, từ đó tạo nên thay đổi về cấu trúc kinh tế, bên cạnh chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ về thuế, phí nói chung.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morisset cho rằng, Việt Nam là một câu chuyện thành công về khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19 với thiệt hại kinh tế ít hơn so với nhiều quốc gia khác. Cụ thể: thất nghiệp được hạn chế, vay nợ công ít, dự trữ ngoại hối tăng mạnh; tăng dấu ấn trong thương mại toàn cầu... Để có thể tiến nhanh hơn nữa trong tương lai, Việt Nam cần thực hiện 4 cải cách đa lĩnh vực, bao gồm: chuyển dịch ưu đãi; chia sẻ thông tin; minh bạch để nguồn lực được phân bổ hiệu quả và cạnh tranh trong đổi mới sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm kiếm cơ hội trong khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO