Tìm làng qua những bức tranh

NGUYỄN VĂN HỌC 22/11/2022 11:11

Ai cũng có quê hương và mỗi khi nghĩ về, lòng lại rộn lên cảm xúc thân thương. Quê hương trở thành niềm cảm hứng cho nhiều họa sĩ sáng tạo mà qua các bức tranh, phong cảnh, nét đẹp làng quê được lưu giữ cùng thời gian.

Lê Văn Minh bên bức tranh làng quê.

Khi người trẻ tìm về làng

Đi và tìm hiểu nơi những làng quê, rất nhiều vẻ đẹp bình dị, thân thương đã không còn bởi quá trình đô thị hóa, song lại có thể tìm thấy trên tranh của nhiều họa sĩ. Trong đó nhiều người trẻ yêu quê đã say sưa vẽ, lưu lại những nếp làng.

Ở quận Hà Đông (Hà Nội), họa sĩ Lê Văn Minh có phòng tranh trên phố Thanh Bình, lưu giữ hàng trăm bức tranh quê mộc mạc, gây xúc động cho người xem. Đứng trước nhiều bức tranh, tôi như được gặp lại không gian làng mình, với cổng làng, cổ thụ, tường rêu, hàng cau, bếp lửa…

Lê Văn Minh chia sẻ, anh yêu những làng quê ngoại thành Hà Nội, và khi nghe được bài hát “Quê hương” phổ thơ Đỗ Trung Quân, anh càng thắm thiết yêu quê, muốn vẽ về vẻ đẹp quê. Mỗi lời thơ trong đó đều rất gợi và thấm thía. “Mỗi câu thơ đều có thể “chẻ” ra, vẽ thành một bức tranh độc lập. Từ hàng chục bức tranh ấy, quê hương hiện lên đầy đủ, rõ nét. Cũng chính vì thế, ngoài thời gian tôi đi thực tế để vẽ, tôi ngồi rút ruột mình ra, tãi lên phông những gam màu mà tôi đã cảm, đã thấu từ thuở ấu thơ đến giờ”, Lê Văn Minh nhấn mạnh.

Cũng là người được thấm đẫm hồn cốt làng quê Nam Định, lại được tiếp xúc sớm với một họa sĩ cả đời chỉ vẽ và dạy các học trò đi tìm những gì đẹp và bình dị nhất, họa sĩ Trần Nguyên đã nuôi khát vọng được hòa quyện với làng quê để trung thành với trường phái tranh tả thực. Nhờ tranh, anh nói được tình yêu với quê hương Nam Định nói riêng, với cảnh đẹp làng quê Bắc Bộ nói chung. Trần Nguyên chia sẻ, bản thân từ nhỏ đã được bao bọc bởi tình làng nghĩa xóm, gắn với cánh đồng, con sông, triền đê. Chính những điều đó đã thôi thúc anh phải sáng tác về quê hương bằng cả trái tim.

Trần Nguyên có năng khiếu hội họa từ năm học lớp 5, lên cấp hai, anh ước mơ trở thành một họa sĩ rồi niềm đam mê với hội họa cứ thế lớn dần. Những ngày học tập tại giảng đường đại học đã mở ra cơ hội cho anh cọ xát và tìm hiểu rất nhiều về chuyên môn và kỹ thuật. Ra trường, anh quyết tâm theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp. Nguyên chia sẻ: “Đề tài của tôi gần gũi, đó là cây gạo đầu làng, lũ trẻ chăn trâu, ngôi nhà ngói ba gian, con đường ngõ nhỏ, cây đa, giếng nước, sân đình, cánh đồng lúa… Đó là những điều rất gần gũi với mỗi người chúng ta, dễ tạo được sự xúc động”.

Không chọn kênh triển lãm, họa sĩ Lê Anh Thanh (quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã vẽ hơn 50 bức tranh chủ đề quê hương, đưa lên mạng xã hội và nhận về hàng nghìn lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ. Cùng với đó là hàng loạt những bình luận khen ngợi nét vẽ mộc mạc, bình dị về một vùng quê yên bình, trong trẻo. Thanh kể: “Cách đây hơn chục năm, tôi vào Sài Gòn lê la khắp các phòng tranh vừa làm, vừa tự học. Thời gian đầu, tôi làm cho một xưởng vẽ của họa sĩ người Pháp, tại đây bản thân lĩnh hội được rất nhiều. Sau này ông mất đi, năm 2019 tôi ra ngoài làm họa sĩ tự do, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, từ đó bộ tranh “ký ức quê hương” được ra đời với hơn 50 tác phẩm chủ yếu là sơn dầu trên vải. Đó cũng là cách để tôi trở về với ký ức và nói lời cảm ơn tới quê hương mình”.

Một tác phẩm của Trần Nguyên.

Quê hương là nơi chốn để trở về

Mỗi người có một cách yêu quê hương, và hẳn nhiên, từng “vẽ” quê với một sự suy tưởng trong sâu thẳm tâm hồn. Với những nghệ sĩ sắc màu, sẽ dễ dàng thể hiện tình yêu ấy và lưu giữ vẻ đẹp của quê hương bằng tranh. Họ trung thành với một đề tài nông thôn hay làng quê, cả những bậc tiền bối hay thế hệ hiện tại, trong khi số khác tìm xu hướng mới để cách tân. Mỗi người một vẻ, một cách cảm và thể hiện, đã làm thành cả một rừng tranh đa sắc lưu truyền vẻ đẹp làng quê qua dòng chảy thời gian nhiều biến động.

Nhưng dù nói thế nào thì vẫn rất cần có sự hy sinh, như cách mà họa sĩ Trần Thành đã làm: từ chối những hợp đồng rất “hời” để trung thành với dòng cảm xúc mộc mạc của mình. Trần Thành sinh ra tại làng quê Hà Nam, được mệnh là người chuyên lưu giữ những nét đẹp còn lại của các vùng quê. Hiện nay, các làng quê bị đô thị hóa, nhiều cảnh đẹp thuần chất, mộc mạc bị tàn phá. Bằng một lòng đam mê sâu sắc với hội họa và đôi bàn tay tài hoa, Trần Thành đã cố gắng vẽ lại những hình ảnh đang có nguy cơ biến mất kia để lưu giữ, sợ một ngày nào đó sẽ không còn. “Có những người rủ tôi làm các hợp đồng, đi theo trường phái khác, dễ kiếm tiền hơn. Nhưng cái tạng của tôi là phải đi tìm những cảnh làng, cảnh quê. Tôi phải tuân theo lòng đam mê của mình chứ. Tôi và mọi người đều biết, làng quê đã đổi thay quá nhiều. Tôi vẽ là thể hiện một lát cắt tình cảm, khắc họa một quá khứ đẹp về nông thôn, là cách tôi tìm về làng”, Trần Thành tâm sự.

Phải chăng vì thế, Trần Thành cũng là một trong những họa sĩ đi lại nhiều nhất? Anh vẫn tổ chức những chuyến đi dài về các làng quê để quan sát, sống và “ngấm”. Tạo những nguồn cảm hứng dồi dào. Thế nhưng, anh vẫn phản ánh vẻ đẹp vốn có của làng quê, chứ không tô hồng, làm nó trở nên quá thơ mộng.

Một họa sĩ thành công ở đề tài nông thôn với tranh khắc gỗ, và rồi dấn thân với một đề tài là vẽ trâu bằng chất liệu sơn dầu, đó là Nguyễn Văn Cường. Suốt 20 năm theo đuổi, anh được xếp top đầu về những người đi đến tận cùng đề tài trâu và đồng quê. Song, để không lặp lại mình, họa sĩ Nguyễn Văn Cường luôn phải làm mới mình bằng đổi mới bố cục, chất liệu. Xem tranh của anh, người ta thấy những nét chuyển dịch của hình ảnh, độ nhòe huyền ảo trong tranh như những khuôn hình phim quay chậm, dí dỏm và lạ mắt. Cả hai họa sĩ Nguyễn Văn Cường và Trần Thành, sau đó là họa sĩ Lê Tiến Vượng, với sự dấn thân cho đam mê và đề tài làng quê, đều có chung thông điệp: Hội họa luôn đứng về phía những giá trị của làng quê. Nhiều họa sĩ nhìn cảnh đâu đâu cũng phá cổng cổ, hàng rào cây và bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Các họa sĩ muốn mượn hội họa đề nói lên nỗi lòng mong mỏi lưu giữ một phần hồn cốt của làng quê. Mong cả xã hội chung tay gìn giữ những gì làng quê còn sót lại.

Một họa sĩ khác đã lớn tuổi là Tạ Kỳ Vinh, một người rất giỏi đặc tả vẻ đẹp làng quê. Ông có cách vẽ của riêng ông, đó là cách tạo điểm nhấn từ những gì đời thường nhất, gần gũi nhất. Quả vậy, tranh của ông tả về những giàn bầu, khóm tre, bụi cỏ xào xạc trong gió, những mái nhà tranh, những con thuyền, cây đa, bến nước, đầm sen đêm trăng, gốc cổ thụ, con bò gặm cỏ, chú chó lăng xăng... được lưu giữ trong khuôn tranh qua các góc nhìn hết sức tinh tế, cho người xem cảm nhận những giây phút bình yên trong cuộc sống hôm nay.

Họa sĩ Tạ Kỳ Vinh từng chia sẻ: “Tôi có thể ngồi hàng giờ chỉ để nhìn lại thành quả của mình và hoài niệm, nghĩ về những miền quê xưa. Ở tranh, người ta có thể lưu giữ được rất nhiều hình ảnh mà các ngành nghệ thuật khác khó diễn đạt được. Tranh của tôi không dùng để kinh doanh, tôi vẽ theo ý tưởng và khát vọng của mình. Nông thôn giờ đổi thay nhiều quá, đặc biệt là ở Bắc bộ. Con người cũng cần phải lưu giữ, để những vẻ đẹp đó còn đọng lại trong đời sống này, cho đến mai sau nữa chứ!”.

Có phải vì thế mà tranh của một họa sĩ 80 tuổi đã và đang như một lời nhắn nhủ vang vọng của đồng quê thiết tha nhung nhớ... Bức “Hoàng hôn” mô tả sông Hồng bình yên, có đám khói loang loang, có cánh cò bay dập dờn yên ả, nhìn vào đó người ta có thể quên đi mệt mỏi, quên cả sự gấp gáp mưu sinh của một ngày. Bức “Giàn gấc” có đầy đủ hoa, quả xanh, quả chín; có hình ảnh con bò buộc trong chuồng ở phía xa; tất cả cho thấy một buổi trưa quê đơn sơ mà đằm thắm khiến mỗi người con xa quê nhìn thấy phải nao lòng.

“Dù sao đi nữa thì ở mảnh đất nào đó, vẫn còn những khung cảnh quê các được níu giữ. Chẳng phải riêng giới họa sĩ, mà mỗi người con yêu quê, lòng hãy giục lòng, vẽ một bức tranh quê theo cách của mình”, họa sĩ Tạ Kỳ Vinh từng tâm niệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm làng qua những bức tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO