Tìm lối ra cho nông sản của hợp tác xã

Lê Bảo 30/11/2021 06:50

Nhiều hợp tác xã trên cả nước hiện nay có các sản phẩm nông sản đạt chất lượng tốt, đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, làm sao để các sản phẩm này không phải “ăn đong”, có đầu ra bền vững, đó là vấn đề đặt ra hiện nay.

Manh mún

Đánh giá vai trò của hợp tác xã (HTX) ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, hiện đa số các HTX nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm của các HTX và doanh nghiệp (DN) chế biến trái cây xuất khẩu đã được chứng nhận kiểm soát an toàn thực phẩm như HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn), BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc thiết lập) và Halai (sản phẩm cho phép người Hồi giáo sử dụng)… Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế, sản phẩm trái cây của các HTX vẫn còn có hạn chế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào cho sản xuất và chế biến sản phẩm trái cây đều phải nhập khẩu; 90% trái cây được xuất khẩu ở dạng thô và sơ chế; dịch vụ hậu cần, chi phí vận chuyển cao...

Tại diễn đàn kết nối nông sản mới đây, chia sẻ về những khó khăn trong tìm đầu ra xuất khẩu cho sản phẩm, ông Đặng Bình Minh, đại diện HTX Chiến Thắng (Hà Tĩnh) cho biết, HTX có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”-PV), trong đó có nước mắm, ruốc. HTX luôn chú trọng và hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, cơ sở thu mua khoảng 200 tấn cá cơm để chế biến nước mắm ngoài ra HTX còn chế biến ruốc mặn, sứa muối, cá mờm rim lạc... Mặc dù chất lượng sản phẩm của HTX đáp ứng và có nhu cầu xuất khẩu sang những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU… tuy nhiên khâu làm thủ tục không đơn giản. “HTX mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, ngành hàng hướng dẫn quy trình, thủ tục xuất khẩu sang những thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU”, ông Minh nói.

Chủ động thay đổi để thích ứng

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT nhận định, HTX là thể chế đầu tiên trong chuỗi giá trị nông nghiệp, song cần thay đổi về tư duy để tồn tại, phát triển trong tình hình mới. HTX không nên đi vào công đoạn lớn, nhiều rủi ro như thương mại hay chế biến sâu. Điều cần làm là tập trung sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho DN thu mua đầu vào.

Theo ông Thịnh, trong bối cảnh mới của kinh tế - xã hội cũng như thị trường trong nước, thế giới, các HTX cần phải chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp. Theo đó cần đầu tư cho nguồn nhân lực; nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; đổi mới tư duy trong kinh doanh.

“Chỉ có tăng quy mô, chuẩn hóa sản xuất, nâng cao năng lực thì các HTX mới có thể thích ứng được với giai đoạn mới. Cùng với đó trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các HTX cũng cần thay đổi tư duy trong liên kết với các DN đầu ra. Đặc biệt, rất cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ…”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch, nhiều HTX đã thay đổi để thích ứng. Đơn cử như HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng bằng việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tham gia kết nối thương mại điện tử trên Cổng Blockchain chuyển đổi số, việc kết nối giao thương của HTX Cường Nga vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Qua đó, đã tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong từ đầu năm đến nay, thu về khoảng 3 tỷ đồng.

“Các HTX nên chạy đà theo bước chuyển biến của thị trường, tích cực tham gia vào chuỗi liên kết, nên mang tư duy DN vào HTX, có sản phẩm tốt trong tay cần tích cực mở rộng liên kết để tạo thành chuỗi sản suất, tiêu thụ bền vững” - ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga chia sẻ.

“Hiện cả nước có 18.000 HTX, một nửa trong số này có số thành viên dưới 30. Để giải quyết vấn đề, các HTX nhỏ cần tự liên kết với nhau. Đây là mô hình phù hợp thực tế, HTX lớn kết nạp nhiều HTX nhỏ, hoặc các HTX nhỏ bắt tay nhau cùng làm” - Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lối ra cho nông sản của hợp tác xã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO